Hoãn phiên xử vụ hãng Taxi Vinasun kiện đòi GrabTaxi bồi thường trên 41 tỷ đồng

GD&TĐ - Sáng nay 24/9, TAND TP Hồ Chí Minh mở lại phiên tòa vụ kiện tranh chấp “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là hãng Taxi Vinasun với bị đơn là GrabTaxi; Vinasun kiện GrabTaxi, đòi bồi thường hơn 41 tỷ đồng.

 Hoãn phiên xử vụ hãng Taxi Vinasun kiện đòi GrabTaxi bồi thường trên 41 tỷ đồng

Từ sáng sớm, hàng trăm tài xế của hãng taxi Vinasun đã cầm biểu ngữ đứng trong khuôn viên TAND TP.HCM. Các biểu ngữ có nhiều nội dung yêu cầu Grab phải được quản lý như taxi...

Tại phiên tòa, phía Grab vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên xử. Luật sư Nguyễn Thanh Vân (bảo vệ quyền lợi của bị đơn) cho rằng Grab đã thu thập tài liệu theo yêu cầu của tòa nhưng cần thời gian khoảng một tháng để xem xét, thẩm định lại hồ sơ. Vì vậy, Grab đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.

Sau khi xem xét đề nghị của Grab, HĐXX công bố hoãn phiên tòa và sẽ được mở lại vào ngày 17/10.

Đây là phiên tòa thứ 3 xét xử vụ tranh chấp này. Trước đó vào 6/2/ 2018, TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa vụ kiện ra xét xử. HĐXX xét thấy cần thu thập bổ sung, tài liệu nên quyết định tạm ngừng phiên tòa.

Đến ngày 7/3, tòa tiếp tục đưa ra xét xử lần thứ 2, tuy nhiên tại phiên tòa này HĐXX lại tiếp tục ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Quyết định của TAND TP Hồ Chí Minh khi tạm đình chỉ giải quyết vụ án là để thu thập thêm thông tin từ Bộ GTVT, Sở GTVT và Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh.

Theo đơn khởi kiện, Vinasun đã cáo buộc Grab có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá… làm giảm doanh số, vi phạm nghiêm trọng Đề án 24 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử; vi phạm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước; Grab hoạt động như một doanh nghiệp vận tải, cùng với đó yêu cầu Grab "bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng".

Cụ thể, Vinasun cho rằng, trong khi việc khuyến mãi phải được đăng ký trước với Sở Công thương thì Grab lại khuyến mãi tràn lan quanh năm. Theo Nghị định 37/2006 quy định rõ về việc khuyến mại không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày, nhưng Grab tổ chức khuyến mại tràn lan, vượt quá quy định. Ngoài ra, Vinasun cho rằng chương trình GrabShare (dịch vụ đi chung ôtô) rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật vì Bộ GTVT đã liên tục có văn bản chấn chỉnh hành vi kinh doanh GrabShare.

Cũng theo Đề án 24, GrabTaxi không có chức năng định giá cước, chức năng này của hợp tác xã. Trong quá trình xét hỏi tại tòa, bị đơn không xuất trình được tài liệu nào là do hợp tác xã định giá. Nguyên đơn cho rằng nếu GrabTaxi không định giá thì không có vụ kiện với Vinasun.

Phía đại diện Vinasun cũng cho rằng GrabTaxi có dấu hiệu vi phạm trách nhiệm với Nhà nước khi trong vòng 3 năm, doanh nghiệp này khai lỗ hơn 938 tỷ đồng, lớn gấp 4,7 lần vốn điều lệ của Grab. Trong khi đó, số xe ở TP.HCM lên tới 12.000 chiếc, nhưng chỉ đóng thuế 9,5 tỷ.

Còn phía Grab Taxi khẳng định cáo buộc của Vinasun là hoàn toàn chưa thuyết phục và không hợp lý. Gần đây nhất, Chi cục Thuế quận 10 đã xác nhận Grab nộp hơn 142 tỉ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước và nhận được bằng khen. Vì vậy, Vinasun cáo buộc Grab vi phạm nghĩa vụ thuế là không có căn cứ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.