Hoãn phiên xử cựu Phó Chánh án TAND Quận 4

GD&TĐ - Diễn ra trong thời gian 30 phút, Tòa án nhân dân TPHCM đã phải tạm hoãn phiên xét xử vụ án Xâm phạm chỗ ở người khác đối với 2 bị cáo Nguyễn Hải Nam (nguyên Phó Chánh án TAND Q.4)

Bị cáo Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng được hộ tống ra xe, sau khi phiên tòa bị hoãn. Ảnh: CTV
Bị cáo Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng được hộ tống ra xe, sau khi phiên tòa bị hoãn. Ảnh: CTV

Bị hại vắng mặt, luật sư yêu cầu hoãn

Theo đó, ngày 9/12, TAND TPHCM mở phiên xét xử vụ án Xâm phạm chỗ ở người khác đối với 2 bị cáo Nguyễn Hải Nam (nguyên Phó Chánh án TAND Q.4) và Lâm Hoàng Tùng (nguyên giảng viên Trường Nghiệp vụ kiểm sát). Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn làm chủ tọa. Đại diện Viện KSND TPHCM tham gia phiên tòa là kiểm sát viên Nguyễn Quang Duyệt, Lê Trọng Tấn.

Tuy nhiên, ở phần khai mạc phiên xét xử, khi HĐXX xét nhân thân các bị cáo cùng kiểm tra sự có mặt, vắng mặt của những người liên quan đến vụ án thì toàn bộ các bị hại (gồm bà Hoàng Thu Thảo, 4 trẻ do bà Thảo làm đại diện hợp pháp và người giúp việc), người đại diện cho bị hại đã không có mặt tại phiên tòa. Đồng thời, một số cá nhân, tổ chức được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng không có mặt.

Trước tình hình này, các luật sư tham gia phiên tòa đề nghị HĐXX triệu tập đầy đủ những người tham gia tố tụng, đồng thời, đề nghị hoãn phiên tòa hôm nay. Trong khi, các bị cáo Lâm Hoàng Tùng và Nguyễn Hải Nam cho rằng, việc khởi tố các bị cáo là oan sai. Tham gia tranh tụng tại tòa, bị cáo Tùng có bảy luật sư và bị cáo Nam chỉ có một luật sư bào chữa. 

Liên quan đến vụ án, tòa cũng triệu tập các cá nhân và đơn vị Văn phòng Thừa Phát Lại Quận 1 (TPHCM), Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Thành Hồ, Công ty TNHH dịch vụ vệ sĩ Hoàng Phát. Trước đó, thẩm phán thụ lý hồ sơ đã từng ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung một số vấn đề vụ án. Tuy nhiên, đến nay, hồ sơ truy tố vẫn giữ nguyên như trước. 

Cáo trạng của Viện KSND TPHCM xác định bị cáo Nam không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ nào theo quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Hai bị cáo Tùng, Nam bị áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với người dưới 16 tuổi.

Theo diễn tiến vụ án, chiều 19/9/2019, ông Nam cùng Tùng, Tâm và hơn chục người thuộc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Thành Hồ (huyện Bình Chánh, TPHCM)... xông vào số nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TPHCM) - nơi gia đình Hoàng Thị Thu Thảo đang sinh sống, đuổi mọi người ra khỏi nhà.

Đồng thời, Nam, Tùng và Tâm mỗi người bế một đứa con của bà Thảo (từ 3 tháng đến 3 tuổi) đưa lên taxi. Bị ngăn cản, họ để các bé vào nôi trước cửa rồi bỏ đi. Nhóm bảo vệ đóng cửa nhà, chiếm đóng bên trong không cho người nhà bà Thảo vào.

Tại cơ quan điều tra, ông Tùng khai rằng đã hùn tiền mua nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm với Hoàng Trọng Anh Chi nhưng để bà này đứng tên. Chi sau đó bán căn nhà cho Thảo nhưng chưa sang tên. Quá trình xây dựng căn nhà và thực hiện hợp đồng cả hai xảy ra mâu thuẫn (do Thảo thi công sai phép khiến Chi bị xử phạt). Không lấy được tiền từ Thảo, Chi ủy quyền cho Tùng giải quyết tranh chấp.

Tùng kêu người đến lập vi bằng lấy lại căn nhà “để làm đúng giấy phép xây dựng”. Do người nhà Thảo không chịu bế 3 đứa trẻ ra ngoài nên Tùng, Nam và Tâm bế các cháu đưa lên taxi để giao cho Thảo.

Ông Nam khai, do gia đình đang xây nhà nên thuê phòng tại số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm của Tùng để ở. Hôm Nam đến nhận phòng thấy có nhiều người đang đứng trước nhà xô xát, cãi nhau; nghe có người nói “bế giùm cháu bé” nên ông ta bế, sau đó đặt lại vào nôi. Lúc sau, Tùng và Tâm nói đưa cháu bé lên taxi mang đến khách sạn cho người mẹ, ông mở cửa taxi giúp họ.

Phía Viện KSND TPHCM cho rằng, dù hai bị can không nhận tội nhưng chứng cứ là dữ liệu camera thu tại hẻm 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm ghi lại đầy đủ những hành vi của các bị can, đã đủ yếu tố cấu thành tội Xâm phạm chỗ ở của người khác.

Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa. Theo dự kiến phiên tòa sẽ mở lại vào ngày 29/12.

Nguyên nhân từ mâu thuẫn trong mua bán nhà?

Theo cáo trạng, căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, (P.Đa Kao, Q.1, TPHCM) được chuyển nhượng từ bà Nguyễn Thị Lê G. (sinh năm 1950) sang bà Hoàng Trọng Anh Chi (ngụ Q.3, TPHCM). Ngày 16/10/2015, bà Chi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà đối với nhà đất nêu trên.

Đến ngày 6/3/2017, bà Chi thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà trên cho ngân hàng. Ngày 27/4/2017, UBND Q.1 (TPHCM) cấp giấy phép xây dựng cho công trình nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm với quy mô hầm, trệt, 5 lầu, do bà Chi làm chủ đầu tư.

Ngày 10/10/2017, bà Chi ký hợp đồng bán căn nhà trên cho bà Hoàng Thị Thu Thảo (ngụ Q. Bình Thạnh, TPHCM) với giá 25 tỷ đồng (hợp đồng chưa được chứng thực), số tiền trên được thanh toán trong 4 đợt (đợt 1: Đặt cọc 1 tỷ đồng; đợt 2: Đặt cọc tiếp 6 tỷ đồng để bên bán thanh toán nợ cho ngân hàng lấy hồ sơ thế chấp; đợt 3: Thanh toán 17,5 tỷ đồng khi hoàn tất thủ tục công chứng; đợt 4: Thanh toán 500 triệu đồng khi sang tên chính thức cho bên mua).

Theo đó, bên bán sẽ giao công trình nhà đang xây dựng để bên mua tiếp quản và thực hiện việc quản lý thi công còn lại ngay sau khi nhận tiền đặt cọc lần 1. Tình trạng căn nhà đang được xây dựng khoảng 80%, chưa hoàn công, dự kiến hoàn công khoảng 2 tháng (cuối tháng 12/2017).

Thực hiện hợp đồng trên, từ ngày 10/10/2017 đến ngày 23/11/2019, bà Thảo đã thanh toán cho bà Chi số tiền đặt cọc 7 tỷ đồng và chi phí xây dựng, chi phí hoàn công, xin giấy phép xây dựng là 1,1 tỷ đồng. Đồng thời, bà Chi đã bàn giao công trình nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm để bà Thảo tiếp tục giám sát thi công.

Đến ngày 10/1/2018, bà Chi và bà Thảo làm phụ lục hợp đồng mua bán căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm với nội dung gia hạn thời hạn hoàn công đến cuối tháng 1/2018. Bên bán sẽ thanh toán lãi của số tiền đặt cọc đã nhận của bên mua 7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công căn nhà trên, do xây dựng sai nội dung giấy phép nên Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM đã ra quyết định xử phạt đối với chủ đầu tư công trình là bà Chi và cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với công trình nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Từ việc xây dựng sai giấy phép, tính đến tháng 4/2018, công trình chưa hoàn công và thủ tục chuyển nhượng căn nhà chưa được thực hiện. Do dó, bà Thảo yêu cầu bà Chi trả lại tiền đặt cọc và chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng nhưng bà Chi không đồng ý. Sau đó, bà Thảo khởi kiện tại TAND Quận 1 (TPHCM), yêu cầu bà Chi trả số tiền đặt cọc 7 tỷ đồng, phạt tương đương số tiền 7 tỷ đồng và số tiền đã đưa cho bà Chi 2,2 tỷ đồng.

Tháng 9/2018, bà Thảo thuê Công ty TNHH xây dựng kinh doanh thương mại Thiên Phát tiếp tục thi công hoàn thiện căn nhà. Đến tháng 3/2019, sau khi hoàn thành công trình, bà Thảo cùng các con chuyển đến đây sống. Đến ngày 19/9/2019 thì xảy ra vụ việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.