Hoàn cảnh bĩ cực của người anh tàn tật nuôi em bại liệt

GD&TĐ - Bố mẹ mất sớm để lại con thơ bơ vơ, côi cút giữa dòng đời thế nhưng, tai họa vẫn liên tiếp ập tới khiến gia đình anh Cao Ngọc Bình, ở xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) rơi vào tình cảnh bi thương.

Anh Cao Ngọc Bình bên căn nhà lụp sụp ở xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).
Anh Cao Ngọc Bình bên căn nhà lụp sụp ở xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Bố mẹ mất sớm, anh chị em bơ vơ

Từ UBND xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) hỏi thăm về gia đình anh Cao Ngọc Bình (44 tuổi, ở thôn Phong Mỹ), ít ai không biết. Bởi, theo người dân địa phương, gia đình anh có hoàn cảnh éo le, khổ sở nhất làng.

Căn nhà của vợ chồng anh Bình nằm sâu trong làng. Thay vì không gian tĩnh mịch hay tiếng cười reo vui của trẻ nhỏ, lại là tiếng kêu la đau đớn của người em trai Cao Ngọc Vui (33 tuổi), bị bại liệt nhiều năm nay.

Khập khiễng trên đôi chân không lành lặn do bị tật bẩm sinh, anh Bình vẫn niềm nở mời khách vào nhà. Hôm nay, anh được thảnh thơi hơn mọi ngày vì không phải tất bật dậy từ lúc gà chưa gáy, để chuẩn bị hàng ra chợ.

Trên khuôn mặt hiền từ của người đàn ông tuổi ngoài “tứ tuần” toát lên nét buồn thăm thẳm, khi chia sẻ về những khó khăn chồng chất, kể từ ngày cha mẹ lần lượt qua đời.

“Năm tôi 12 tuổi, em trai út chưa đầy 1 tuổi thì bố tôi đột ngột qua đời sau cơn bạo bệnh. Một mình mẹ gồng gánh nuôi 5 chị, em tôi. Thế nhưng, toàn bộ tiền ăn học, sinh hoạt hàng ngày của gia đình chỉ phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Những năm mất mùa, bữa đói thì nhiều hơn bữa no”, anh Bình trải lòng.

Chứng kiến nỗi vất vả của mẹ, anh Bình quyết định không học tiếp lên cấp ba, để có thời gian phụ giúp mẹ. Tuy nhiên, 7 năm sau ngày cha mất, người mẹ thương yêu cũng theo cha ra đi mãi mãi sau lần đổ bệnh nặng tại nhà.

Hàng ngày, anh Bình và vợ phải thay phiên nhau nhau chăm sóc, cho em ăn uống và tắm rửa.

Hàng ngày, anh Bình và vợ phải thay phiên nhau nhau chăm sóc, cho em ăn uống và tắm rửa.

Kể từ ngày ấy, anh Bình cùng các em bơ vơ, côi cút giữa dòng đời. Thương các em nhỏ dại đang tuổi ăn học, anh Bình xin đi nấu ăn cho xưởng đóng gạch tại Hà Nội.

Tuy nhiên, do công việc thường xuyên xa nhà, nên năm 2001, anh Bình quyết định về quê vay mượn mở quán cắt tóc ở gần nhà. Tuy thu nhập từ nghề này hồi ấy không đáng bao nhiêu nhưng phù hợp với đôi chân với một bên bị tật nguyền.

“Hồi ấy, công cắt tóc chỉ được 2.000 đồng mỗi người thôi. Nếu ngày nào đông khách cũng được vài chục nghìn đồng, để lo cho các em và trang trải cuộc sống”, anh Bình tâm sự.

Năm 2004, anh Bình xây dựng gia đình với người con gái kém anh 2 tuổi. Một năm sau, vợ chồng anh vỡ òa niềm vui khi chào đón đứa con trai đầu lòng. Sau 6 năm, vợ chồng anh đón thêm thành viên thứ hai là một bé trai bụ bẫm đáng yêu.

Những tưởng cuộc sống từ đây sẽ ngập tràn niềm vui và vơi dần khó nhọc, nhưng rồi biến cố lại lần nữa xảy đến với gia đình anh. Năm 2017, anh Bình bị bức tường rào của gia đình đổ đè trúng người, khiến một bên chân bị gãy. Kể từ đó, anh không thể tiếp tục nghề cắt tóc sau hơn chục năm gắn bó.

Do bị bại liệt nửa người sau tai nạn lao động, anh Vui (em anh Bình) không thể tự chăm sóc cho mình.

Do bị bại liệt nửa người sau tai nạn lao động, anh Vui (em anh Bình) không thể tự chăm sóc cho mình.

Chưa dừng lại, cuối năm 2018, người em trai út Cao Ngọc Vui làm việc ở Đồng Nai, trong lúc lao động không may bị ngã từ tầng hai xuống đất. Tai nạn lao động nghiêm trọng đã khiến anh Vui bị tụ máu não, liệt nửa người, hôn mê sâu nhiều tháng.

“Lúc nhận tin dữ, gia đình tôi vô cùng hoang mang, lo sợ. Sau khi vay mượn khắp nơi nhưng cũng chỉ vỏn vẹn được hơn 10 triệu đồng để vào với em. Nhìn em nằm im lìm trên giường bệnh, gia đình tôi gần như suy sụp.

Trong suốt thời gian em nằm viện, chỉ có chị gái và các em tôi thay nhau chăm sóc. Trong khi đó, em dâu chỉ vào viện thăm chồng một vài lần rồi thôi”, anh Bình trải lòng.

Khi bác sĩ kết luận không có nhiều hy vọng bình phục lại như trước, gia đình quyết định chuyển em về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị.

Tuy nhiên, gần 5 tháng điều trị tại đây nhưng cũng không có kết quả khả quan. Gia đình lại tiếp tục chuyển sang Bệnh viện phục hồi chức năng (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) điều trị.

“Sau hơn 3 tháng điều trị, gia đình được bác sĩ cho biết không có nhiều hy vọng bình phục bởi vậy, gia đình đành phải đưa em về nhà chăm sóc. Tất cả mọi hoạt động từ ăn uống, đến tắm rửa em đều không thể tự làm một mình.

Thức ăn phải xay nhuyễn rồi mới cho em ăn. Những hôm trở trời, nhìn em đau đớn, tôi vô cùng thương xót, nhưng không có cách nào để giúp”, anh Bình nghẹn ngào.

Vợ anh Bình cùng con trai thứ hai của anh chị - cháu Cao Ngọc Thái (lớp 5B, Trường Tiểu học Hoằng Phong). Thái nói sẽ học thật giỏi, sau này lớn lên có công việc ổn định sẽ lo cho bố mẹ và chú.

Vợ anh Bình cùng con trai thứ hai của anh chị - cháu Cao Ngọc Thái (lớp 5B, Trường Tiểu học Hoằng Phong). Thái nói sẽ học thật giỏi, sau này lớn lên có công việc ổn định sẽ lo cho bố mẹ và chú.

Đôi mắt ngấn lệ, bà Cao Thị Định (chị gái anh Bình) nức nở khi kể về hoàn cảnh éo le của gia đình mình. “Cứ nghĩ đến cảnh mấy chị em bơ vơ khi bố, mẹ không còn tôi lại ứa nước mắt.

Lúc đó, tôi chỉ mới lập gia đình, hoàn cảnh thiếu thốn. Giữa lúc bơ vơ, chị em tôi được chú, thím (em của bố) đùm bọc cưu mang. Nhờ vậy, cuộc sống tuy thiếu thốn nhưng cũng tạm qua ngày.

Thế nhưng, tai họa lại ập đến khiến em của tôi từ một chàng trai khỏe mạnh giờ đây chỉ nằm một chỗ. Mọi ăn uống, tắm rửa, sinh hoạt… đều phải có người lo. Nhìn em bị đau đớn, tôi chỉ ước ao một ngày nào đó sẽ có phép màu để giúp chị em tôi vượt qua nghịch cảnh”.

Tích cóp từng đồng nuôi con và lo cho em

Theo anh Bình, từ ngày em trai chuyển về quê, người vợ được cưới hỏi đàng hoàng nhưng không một lần gọi điện về hỏi han. Tuy có đôi chút buồn lòng, nhưng gia đình anh Bình không hề trách móc.

Hiện nay, mọi chi phí sinh hoạt của cả nhà, tiền đóng học cho các con đều phụ thuộc vào đồng lương công nhân ít ỏi của vợ anh. Mặc dù, anh Bình và em trai được nhận chế độ trợ cấp xã hội cho người tàn tật nhưng cũng không đáng kể. Đó là chưa kể những lần mang em đi khám bệnh, thuốc men…

Để giảm bớt gánh nặng “cơm áo” cho vợ, anh Bình quyết định vay mượn tiền từ chính sách hỗ trợ của nhà nước, để mua một chiếc xe ba bánh. Sau khi tập tành thành tạo, anh Bình mua trái cây trên chợ đầu mối (TP Thanh Hóa) rồi đem về chợ gần nhà bán cho người dân.

Bà Cao Thị Định (chị gái anh Bình) nghẹn ngào khi kể về nghịch cảnh của gia đình.

Bà Cao Thị Định (chị gái anh Bình) nghẹn ngào khi kể về nghịch cảnh của gia đình.

“Mỗi ngày phải dậy từ lúc gà chưa gáy, để sắp xếp lại hàng trước khi mang ra chợ bán. Công việc vất vả nhưng thu nhập cũng chỉ được vài chục nghìn đồng. Nhiều hôm ế ẩm, không có người mua”, anh Bình thở dài.

Rong ruổi bán trái cây, nhưng mỗi buổi anh Bình cũng chỉ tranh thủ bán vài tiếng, rồi lại tất tưởi về chuẩn bị cơm nước, cho em ăn. Nhiều hôm xe bị hư hỏng dọc đường không kịp về nhà, anh Bình lại cảm thấy có lỗi với người em tội nghiệp.

“Tôi chỉ ước ao có một phép màu nào đó, để giúp em trai có thể đi lại được dù chỉ là một chút thôi, tôi cũng cảm thấy ấm lòng rồi. Bản thân là một người anh, tôi cũng chỉ biết cố gắng vì em và các con”, anh Bình nghẹn lòng.

Là người đồng hành cùng chồng suốt những năm tháng qua, chị Lê Thị Tiến (41 tuổi) cũng không khỏi nghẹn ngào khi nói về gia cảnh của mình.

“Thương chồng tật nguyền giờ đây lại thêm em bại liệt, cuộc sống khó khăn cứ tiếp nối khó khăn. Đến căn nhà cấp 4 cũ kỹ cứ đến mùa mưa bão nước lại lênh láng, vợ chồng tôi cũng phải dành dụm từng đồng để sửa chữa, nhưng cũng không đủ chỗ cho sinh hoạt.

Nhờ họ hàng cho vay mượn, vợ chồng tôi vay thêm ngân hàng để xây nhà, nhưng kinh phí ít ỏi nên chỉ được một phòng nhỏ cho con. Hai vợ chồng tôi hiện vẫn sinh hoạt ở căn nhà cấp 4 của bố mẹ chồng để lại”, chị Tiến nói.

Theo chị Chu Thị Tuyết (39 tuổi, hàng xóm), gia đình anh Bình có gia cảnh vô cùng bi thương ở địa phương. Bố mẹ mất sớm, anh Bình phải vất vả lao động lo cho các em dù bản thân bị tật nguyền bẩm sinh.

Để chia sẻ gánh nặng với vợ, anh Bình tranh thủ bán thêm trái cây dù đôi chân với một bên bị tật nguyền.

Để chia sẻ gánh nặng với vợ, anh Bình tranh thủ bán thêm trái cây dù đôi chân với một bên bị tật nguyền.

“Khi em trai bị tai nạn lao động dẫn đến bại liệt, khó khăn lại thêm chồng chất. Là hàng xóm, tôi chỉ mong các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ phần nào đó để gia đình anh vượt qua khó khăn, nghịch cảnh”, chị Tuyết chia sẻ.

Ông Cao Trọng Khoán – Trưởng thôn Phong Mỹ (xã Hoằng Phong) cho biết, gia đình anh Bình thuộc hộ nghèo nhiều năm tại địa phương. Bố mẹ mất sớm để lại mấy chị em côi cút, nên người dân địa phương ai cũng thương xót.

“Từ ngày em trai của anh Bình bị tai nạn lao động dẫn đến tình cảnh hết sức đáng thương. Anh tàn tật nuôi em bại liệt, điều kiện gia đình quả là vô cùng khó khăn. Hiện nay, cả hai người con của anh Bình đều đang tuổi ăn học, mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều phụ thuộc vào đồng lương công nhân của chị Tiến.

Nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân hỗ trợ gia đình anh Bình. Tôi cũng hy vọng các nhà hảo tâm có thể giúp đỡ một phần nào đó, để gia đình anh có thêm động lực, vượt qua khó khăn”, ông Khoán nói.

Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Cao Ngọc Bình, xin gửi về:

Văn phòng đại diện thường trú Báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ.
Số TK: 111601684999 Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Hà Tĩnh.
Hoặc: Số TK: 681253666888 Ngân hàng PVbank, chi nhánh Thanh Hóa. Chúng tôi sẽ trực tiếp chuyển tới gia đình anh Cao Ngọc Bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ