Hoài niệm thầm lặng về cô

Hoài niệm thầm lặng về cô

(GD&TĐ) - Cô tôi khá nổi tiếng trong huyện. Người lớn nể trọng cô vì cô lãnh đạo giỏi, chuyên môn sâu. Trẻ con, đứa khoái cô ở phong cách giảng bài, ấn tượng luôn cả cá tính của cô; có đứa phục cô ở sự trải đời, cảm động trước sự sốt sắng của cô đối với những học trò khó khăn, đau ốm; có đứa sợ cô một vành mà chẳng rõ lí do…

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Hồi ấy, đôi khi tôi còn trách cô tại sao tạo nhiều áp lực cho tôi; tôi chỉ muốn học Văn một cách vô tư, hồn nhiên nhất, viết bằng niềm yêu thích của tôi chứ đâu phải vì giải này, giải nọ mà cô kỳ vọng ở chúng tôi. Nhưng thôi, đó là chuyện riêng của mỗi người. Ở mỗi chặng dừng của cuộc đời, nhận thức của chúng ta về những chuyện ấy rồi cũng sẽ đổi thay. Ở đây, tôi chỉ mong bạn bè cùng trường với tôi ngày xưa biết một hình ảnh khác về cô. Lặng thầm, sau những tăm tiếng trên kia.

1. Trong một lần giảng bài ở lớp toán, tâm sự đong đầy, cô hỏi học sinh: “Có bạn nào biết cô vẫn mơ ước điều gì không?”. Đám học trò thưa: “Cô muốn nước mình giàu có, không thua kém gì Mỹ, Nhật?”, “Cô thích trường mình năm nay xếp thứ nhất tỉnh trong kỳ thi HSG?”, “Cô ước mẹ mình sống lại?”, “Cô muốn hai em nhà cô học thật xuất sắc”… Cô cười, lắc đầu, nhìn quanh cả lớp như chờ đợi. Cuối cùng, một cậu bạn, sau hồi im lặng, đứng lên thưa: “Cô ước có nhiều học sinh yêu thích môn Văn, nhiều người hiểu và trân trọng giá trị của văn học”.

Cô gật đầu, nét mặt rạng ngời. Cô bảo dù rất thương nhớ mẹ nhưng điều gì đã mất nên để nó qua; còn những ý kiến khác, cô cũng rất thích nhưng có những thứ hơi xa vời, có những cái không mang giá trị lâu dài… Điều cô vẫn luôn canh cánh là một môn học  bồi dưỡng những tình cảm cao quý, giúp người ta biết yêu cái đẹp… lại bị nhiều người thờ ơ chỉ vì nó không “hot”, không giúp họ kiếm được nhiều tiền. Bởi vậy, cô ước mong được nhìn thấy những ánh mắt say sưa của học trò đáp lại những lời cô giảng, được gặp những tấm lòng đồng điệu trong niềm yêu thích văn chương… Bài giảng ở lớp toán hôm đó, có lẽ cô đã tìm thấy tâm hồn đồng điệu.

2. Chúng tôi vốn là khóa đầu tiên của trường năng khiếu huyện, hồi đó gọi là phân hiệu chất lượng cao. Năm đầu nên thiếu thốn nhiều: Lớp học dột nát, khu nội trú còn tạm bợ,… Nhiều học sinh ở những xã xa tít tắp, hoàn cảnh khó khăn vẫn phải xa nhà hoặc đạp xe hàng mấy chục cây số/ ngày với mục tiêu thi HSG. Để khích lệ chúng tôi, hàng tháng, cô tổ chức trao học bổng cho những học sinh xuất sắc. Mỗi đội tuyển 2 suất, mỗi suất 50.000 đồng, tính ra mỗi tháng các thầy cô phải đi xin 900 nghìn đồng cho học sinh (số tiền khá lớn vào thời điểm cách đây 8 năm). Cô với vị trí lãnh đạo phân hiệu, cũng là người chủ đạo trong việc xin học bổng. Song không phải ai cũng hào phóng đóng góp cho… sự nghiệp giáo dục của huyện. Nhiều lần thấy cô đến, họ ra tiếp với thái độ lãnh đạm. Vì chúng tôi, cô lại vòng xe khắp thị trấn giữa những trưa nắng giãy. Lễ trao học bổng nào, cô cũng cười khoe hết cỡ hàm răng trắng, ánh mắt sau cặp kính lấp lóa niềm vui khi bắt tay, chúc mừng từng đứa học trò. Đám học trò, mặt mày sáng láng niềm hân hoan, tự hào, chắc chẳng hình dung nổi những vất vả thầy cô đã trải qua.

Cho đến bây giờ, tôi mường tượng được ánh mắt của cô khi nghe cậu bạn lớp toán nói mơ ước của cô. Bên cạnh đó hình ảnh cô lặng lẽ đi gõ cửa từng nhà để gây quỹ học bổng vẫn làm tôi rưng rưng hơn cả. Điều này, chắc cô chẳng biết đâu.

Mã số: 1085

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ