Họa sĩ trẻ hoài niệm cùng tranh nước

GD&TĐ - “Như một hoài niệm” mong muốn đưa công chúng ngược dòng thời gian đến những khung cảnh mơ hồ như một ảo ảnh - được thấm vào giấy rồi loan ra theo nước.

Yếu tố truyền thống luôn hiện diện trong tranh Đoàn Quốc.
Yếu tố truyền thống luôn hiện diện trong tranh Đoàn Quốc.

21 tác phẩm được trưng bày tại Mây Artspace (Bình Thạnh – TPHCM) là những câu chuyện mà họa sĩ trẻ Đoàn Quốc mang lại. Ngoài những bức tranh bằng màu - nước - giấy, công chúng sẽ thấy đôi mắt u hoài đầy lãng mạn của một người thực hành nghệ thuật ở tuổi 26.

Hoài cổ truyền thống Việt

Giám tuyển nghệ thuật Lý Đợi cho biết, Đoàn Quốc sinh năm 1996 tại Quảng Ngãi, có thể nói là một họa sĩ còn rất trẻ. Vì rất trẻ, chưa có nhiều sự hỗ trợ và bảo trợ, nên triển lãm cá nhân đầu tiên “Như một hoài niệm” được làm với tinh thần gần như độc lập ở nhiều khía cạnh.

Quá trình dụng bút chưa thật dài lâu, nhưng bút lực của Đoàn Quốc trong màu nước thật đặc sắc và đáng nể. Nó có đủ đầy các kỹ thuật bậc thầy, để thong dong lột tả các vẻ đẹp đặc trưng của vật liệu, đồng thời mang lại cho màu nước một chiều kích mới.

Với vài vật liệu khác, thì kích thước tranh lớn hoặc nhỏ không mấy quan trọng, vẽ thế nào mới quan trọng. Nhưng với màu nước, thì những bức tranh khổ lớn và rất lớn như cách vẽ của Đoàn Quốc lại đáng chú ý.

Nó làm thay đổi mặc định và cả sự mặc cảm bấy lâu nay của nhiều người về màu nước, thường bị đồng nghĩa là những bản phác thảo nhỏ, tốc họa, diễn họa. Còn với tranh, thường chỉ là những bức vẽ nho nhỏ, không mạnh về giá trị.

Với triển lãm đầu tay “Như một hoài niệm”, Đoàn Quốc trẻ trung về tuổi đời và cả tính cách, nên không muốn bị trói buộc vào một quan niệm cụ thể nào. Bộ tranh dùng ánh sáng để tái hiện thân phận con người, bị kìm kẹp bởi những lề thói xưa cũ.

Qua màn sương thời gian, biết bao hình ảnh về số phận hiện lên như thân phận người phụ nữ 12 bến nước, lận đận gió sương hay đời trai mang theo gánh nặng công danh sự nghiệp.

“Triển lãm này, tôi dùng những hình ảnh đã in sâu trong tâm trí của nhiều người để khắc họa lại khung cảnh xưa. Tôi tin rằng, người thưởng lãm sẽ tự xây dựng được câu chuyện riêng hoặc có những cảm nhận khác nhau dựa trên những gì họ biết”, Đoàn Quốc chia sẻ.

Nếu tinh ý chút khi ngắm tranh của Quốc, công chúng sẽ nhận ra ý thức về những tinh hoa văn hóa truyền thống Việt, đưa vào tranh một cách tinh tế. Không chỉ là hoa, mà phía sau những bông hoa là thấp thoáng những bức tranh tứ bình, tranh dân gian.

Những bình hoa trong tranh cũng rất dễ nhận ra là thuộc những dòng gốm sứ Việt danh tiếng: Bát Tràng, Chu Đậu. Những tủ, kệ, tráp… là chạm khắc gỗ, đồng tinh tế tinh xảo của làng Đồng Kỵ, La Xuyên, Canh Nậu, Chàng Sơn, Vạn Điểm.

Hoạ sĩ Đoàn Quốc muốn gửi gắm qua triển lãm 21 bức tranh, với góc nhìn chủ quan về sự hào nhoáng của thời đại, giá trị cuộc sống sẽ thay đổi theo năm tháng và sự dịch chuyển trong tâm hồn.

Đoàn Quốc thay đổi quan niệm cũ bằng cách đưa màu nước vào sự phát triển chung của hội hoạ.

Đoàn Quốc thay đổi quan niệm cũ bằng cách đưa màu nước vào sự phát triển chung của hội hoạ.

Thay đổi quan niệm cũ

“Trước lúc khai mạc triển lãm “Như một hoài niệm”, có 15/21 bức tranh được dán nơ. Việc dán nơ khi vừa mới trưng bày cho thấy sức hút tự nhiên của tranh Đoàn Quốc. Nhưng điều này chỉ là một phần nhỏ, chính yếu nhất vẫn là tầm nhìn, tính phát hiện và sự nhanh nhạy của các nhà sưu tập. Bởi cho đến lúc này, Đoàn Quốc vẫn chưa là tên tuổi nổi tiếng, đủ tạo sức hút ngoài giá vẽ” – Giám tuyển Lý Đợi.

Xét cho cùng, “Như một hoài niệm” thể hiện cho cuộc trở về của một người trẻ. Ở đó, họ khám phá những hình ảnh giao thời - đó là những chiếc bình gốm cổ, chiếc khăn trải bàn thời Pháp, hộp tráp, bao lì xì, những bức tranh tố nữ… Tất cả nhuốm qua hai lớp quan trọng: Ý niệm sáng tạo khi nhìn về giá trị di sản, và lớp màu thời gian dư âm cổ điển.

Đoàn Quốc nói rằng, một tác phẩm hoàn thiện phải hội tụ được đầy đủ các yếu tố: Kỹ thuật, kỹ năng và chất liệu. Nói về chất liệu màu nước thì sẽ tương đối mới so với các chất liệu truyền thống được phát triển sớm ở Việt Nam. Kỹ thuật màu nước của Quốc trên nền tảng của kỹ thuật màu nước phương Tây, kết hợp với cách nhìn và văn hoá phương Đông tạo ra những tác phẩm tái hiện văn hoá thuần Việt.

Bởi kỹ thuật ấy mà những hoa trong tranh của Quốc như tự phát sáng, dù trong lớp màu bụi vàng, chúng vừa sinh động vừa lặng lẽ lại huyền bí mong manh. Hoạ sĩ đã khai thác triệt để tính tự nhiên của chất màu và giấy, màu chiết xuất từ khoáng chất hiếm và đá quý được ưa chuộng từ thời phục hưng.

Màu nước hiện đại đã làm sống lại những tính chất quý giá, nên giữ được các hạt màu tạo hiệu ứng vỡ hạt rất đặt biệt. Nhờ đó giúp các tác phẩm mang nét hoài cổ thú vị và sắc độ sẽ được trường tồn theo thời gian.

Khác với sơn dầu, màu nước đòi hỏi ở người họa sĩ một trạng thái cân bằng và lặng lẽ xuyên suốt quá trình vẽ. Trong tranh Quốc, tính đục – mờ – nhạt làm nền cho sự phát sáng mạnh mẽ và huyền bí nơi nhân vật chính, đôi khi là bông hoa sen, có khi là bông cúc, bông đào, cánh chim… Chính điều này lại mang đến thẩm mỹ cổ điển sang trọng cho mỗi tác phẩm.

Từ trước đến nay, rất ít hoạ sĩ dùng màu nước trên giấy làm chất liệu sáng tác, nên mặc định chất liệu này chỉ bổ trợ cho việc nghiên cứu (ký hoạ). Để thay đổi quan niệm đó, và để màu nước nằm đúng vị trí trong dòng phát triển chung - Đoàn Quốc nghĩ bản thân phải thay đổi từ chính các tác phẩm của mình.

Thực chất màu nước không hạn chế về cách biểu hiện, mà quan trọng là tâm hồn người họa sĩ có đủ giàu có để khai thác cho nó trở nên phong phú hay không. Thật vậy, cái khó của dụng màu nước không phải ở chỗ chất liệu, mà ở điểm cân bằng và nhạy bén của người sáng tạo.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận định, xem bộ tranh “Như một hoài niệm” với chất liệu màu nước, khiến bản thân nghĩ về sự tiến hóa của “thủy họa” trong mỹ thuật Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.