Hoa sen trong văn hóa Việt

GD&TĐ - Từ xa xưa, hoa sen đã trở thành biểu tượng cái đẹp, sự thần bí hay ý nghĩa trong Phật giáo.

Hổ phù cách điệu hoa sen tại đình Kim Liên.
Hổ phù cách điệu hoa sen tại đình Kim Liên.

Cho đến nay, dù chưa có công bố chính thức nào công nhận hoa sen là Quốc hoa Việt Nam, song loài hoa này luôn có những ảnh hưởng sâu sắc nhất trong văn hóa Việt.

Từ trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, vấn đề lựa chọn Quốc hoa được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa số cho rằng hoa sen xứng đáng là biểu tượng không chỉ bởi ý nghĩa về đối ngoại hay tín ngưỡng mà còn bởi các giá trị văn hóa.

Từ tôn giáo tới tín ngưỡng dân gian

Từ xa xưa, hoa sen đã trở thành biểu tượng cái đẹp, sự thần bí hay ý nghĩa trong Phật giáo. Năm 2015, Tòa cửu phẩm liên hoa ở chùa Giám (Hải Dương) được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Tòa tháp bằng gỗ có tuổi đời khoảng 300 năm cao 4,44m với 9 tầng, mỗi tầng có 5 lớp cánh hoa sen. 9 tầng đài sen này tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo.

Năm 2020, Tòa cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) cũng được công nhận là Bảo vật quốc gia. Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư”, cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp được dựng từ thế kỉ 14, thời Thiền sư Huyền Quang.

Tháp tồn tại cùng với sự thịnh hành của pháp môn Tịnh Độ, chiếm một vị trí đặc biệt trong hệ thống kiến trúc và điêu khắc Việt Nam. Qua hàng trăm năm, tháp vẫn có thể xoay mà không phát ra âm thanh. Đây cũng là tòa cửu phẩm liên hoa được đánh giá là đẹp nhất trong 3 toà của Việt Nam.

Không dừng lại ở biểu tượng tôn giáo, sen còn đi vào tín ngưỡng dân gian với hình tượng đặc biệt “sen hoá quỷ” hay “hổ phù sen hoá” tại đình Kim Liên (Hà Nội). Hổ phù có mắt quỉ tròn mũi sư tử, miệng nhe, răng lớn, tóc xoắn đuôi nheo, sừng nai, tai thú, má bạnh, hàm nở rộng ngậm mặt trăng hay chữ Thọ, chữ Hỷ, cũng có khi phun ra bông hoa.

Sau thời gian dài nghiên cứu về hình tượng lạ tại đình Kim Liên, giới chuyên gia cho rằng, người Việt có một nỗi sợ hãi tâm linh, đó là ma quỷ. Mặt hổ phù hiện rõ những cánh sen vàng, chiếc mũi lớn chính là đài sen, ngay cả những vây nhỏ lẫn hai chân lớn cũng là hóa thân của sen.

Bởi vậy, hình tượng hổ phù trên nghi môn đình Kim Liên không đem đến sự sợ hãi, ngược lại là cảm giác thiêng liêng chốn đình đền và thanh khiết của một loài hoa “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, hình ảnh hổ phù ngậm chữ Thọ là biểu tượng của sự trường tồn. Còn hổ phù nhả Trăng là biểu hiện của sự no ấm bội thu, bởi Việt Nam là đất nước có nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Hình tượng hổ phù sen hóa ở đình Kim Liên là cách điệu hiếm có của Hà Nội xưa.

Không chỉ trong tín ngưỡng, tôn giáo – hình ảnh hoa sen với cách điệu đa dạng còn được dân gian sử dụng trong kiến trúc nhà cổ. Những gắn bó xa xưa với hoa sen, và chính sự ảnh hưởng sâu sắc của loài hoa này trong đời sống sinh hoạt và văn hoá là căn cốt cảm tình đặc biệt của người Việt đối với hoa sen.

Bảo vật quốc gia Tòa cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).

Bảo vật quốc gia Tòa cửu phẩm liên hoa chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).

Những lớp văn hóa

Năm 2020, tại văn bản gửi Thủ tướng, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) chất vấn: “Bao giờ Thủ tướng chỉ đạo xây dựng đề án phát triển cây sen và xác định hoa sen là Quốc hoa của Việt Nam?”.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh rằng: Từ lâu hoa sen với những đặc tính ưu việt nổi trội về hương sắc, khả năng sống và phát triển, mang nhiều biểu tượng văn hoá, cốt cách của con người Việt Nam, hội tụ nhiều yếu tố để trở thành Quốc hoa của Việt Nam. Tuy nhiên, việc lựa chọn cần được tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tính khoa học, tính xã hội và nhận được sự đồng thuận chung của cả nước.

Đến nay, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì xây dựng đề án “Quốc hoa Việt Nam”. Tuy chưa có một công bố chính thức nào, song hoa sen vẫn luôn là biểu tượng bởi ngoài ý nghĩa văn hoá, tín ngưỡng thì còn những ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống sinh hoạt của người Việt.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Trần Thị Quốc Khánh cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên có tơ sen chứ không phải Myanmar. Ngày xưa Tuệ Trung Thượng Sĩ - anh ruột của Hưng Đạo Đại Vương từng viết “Phóng trước liên ti phược hổ nhi” (nghĩa là: Liệng sợi tơ sen trói mãnh hổ). Mãi đến năm 1910, Myanmar mới xuất hiện nghề dệt vải lụa thủ công từ tơ sen - khởi nguồn từ ngôi làng KyaingKan.

Gắn bó lâu đời với người Việt, song cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn cần giải mã về hoa sen với những lớp văn hoá đặc trưng. Gần đây, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, Group Đình làng Việt tổ chức tọa đàm “Sen trong đời sống văn hóa Việt”, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu văn hoá.

Cố nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương từng cho rằng: Trong văn hóa Việt Nam, hoa sen không chỉ là loài hoa đẹp mà còn là biểu tượng văn hóa trong tâm thức người Việt, là biểu tượng của nhân cách Việt. Đây cũng là loài hoa duy nhất hội tụ đủ ý nghĩa nhân sinh cao quý, ý nghĩa triết học, âm - dương và sự vươn dậy mạnh mẽ, ý chí sống mãnh liệt như dân tộc Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.