Giới chơi chim đang nói đùa với nhau như vậy. Những chú chim họa mi vốn có tiếng hót lảnh lót sẽ không còn giá trị trong các cuộc thi “đấu tiếng” trực tiếp. Giới chơi chim thậm chí sẽ không cần phải tốn sức nuôi chim để nghe tiếng hót của chúng, vì đã có bản thu âm – mở nghe khi cần.
Những lời nói đùa ấy liên quan đến Nghị định 144/2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thay thế cho Nghị định 79 và có hiệu lực từ ngày 1/2/2021. Nhiều người lo ngại quy định mới sẽ tiếp tay tạo ra một thị trường âm nhạc bát nháo, kéo lùi thẩm mỹ, vàng thau lẫn lộn.
Dư luận quan tâm, bởi vì trong nghị định mới không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định 79.
Trước đây, công chúng từng phải chứng kiến cảnh hát nhép tràn lan của giới ca sĩ. Ê chề nhất có lẽ là các trường hợp rơi micro mà tiếng hát vẫn vang lên. Sau đó là hàng trăm kiểu ngụy biện của ban tổ chức lẫn lời xin lỗi của ca sĩ hát nhép.
Cách đây 9 năm tại lễ trao giải âm nhạc, nữ ca sĩ Thủy Tiên chiêu đãi khán giả bằng bản nhạc sôi động “Vẫn mãi yêu anh”. Bản nhạc kèm loạt vũ đạo nóng bỏng, cuốn hút. Rủi là vì quá tập trung vào phần nhảy mà Thủy Tiên quên bài, không kịp đưa micro lên miệng dù tiếng hát vẫn đang văng vẳng bên tai.
Video ghi lại được lưu truyền đến muôn đời trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong muôn vàn trường hợp kinh điển mà các ca sĩ hát nhép mắc phải. Nó thể hiện cho sự bất tài lẫn thái độ khinh thường khán giả.
Trước thực trạng đó, giới chức từng bàn đến phương án cấm biểu diễn nếu phát hiện ca sĩ hát nhép. Thậm chí, xử phạt luôn cả những người phụ trách kỹ thuật âm thanh hỗ trợ ca sĩ hát nhép; đồng thời phạt nặng đối với các đơn vị tổ chức chương trình cho ca sĩ hát nhép.
Tuy nhiên, theo Nghị định 144 mới ban hành thì việc hát nhép không còn là hành động trái pháp luật. Hành vi hát nhép không còn bị cấm, đương nhiên hát nhép sẽ không bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng như trước đây. Đó thực sự là một tin vui cho các ca sĩ hát live kém. Đây cũng là kẽ hở cho rất nhiều người dù không biết hát vẫn trở thành ca sĩ trên sân khấu bởi sự hỗ trợ của kỹ thuật phòng thu.
Trước thông tin gây hoang mang này, lãnh đạo thuộc Cục Nghệ thuật biểu diễn nói nghị định không có quy định cấm hát nhép, đàn nhái, nhưng cũng không có quy định cho phép hát nhép, đàn nhái.
Câu nói này có vẻ rất trừu tượng và rất khó hiểu. “Không có quy định cấm hát nhép” – rõ ràng ca sĩ có thể hát nhép – công dân được làm những gì pháp luật không cấm.
Rồi đây công chúng sẽ có cảm giác như thế nào khi bỏ tiền mua vé, để bản thân không biết ca sĩ đang hát thật hay hát nhép? Hát là quyền của ca sĩ, nhưng họ có trách nhiệm với khán giả hay không lại là chuyện khác. Còn uy tín – nếu ca sĩ cần, họ chỉ việc học cách cầm micro cho giỏi và nhép đúng tiếng mà bản thu âm đang phát.
Thế là xong!