Qua các cuộc tiếp xúc với các nhân vật quan trọng của Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ như Chủ tịch điều hành Uỷ ban Tài chính Thượng viện Orrin Hatch, Thượng nghị sĩ Mazie Hirono, Phó Cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Mira Ricardel, Bộ trưởng Bộ Thương mại W.Ross, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Munchin, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Trưởng đại diện Thương mại Robert Lighthizer..., phía Hoa Kỳ bày tỏ thái độ trọng thị khi tiếp đoàn Chính phủ Việt Nam và thể hiện quan điểm khi cho rằng chuyến thăm Hoa Kỳ của đoàn Việt Nam là nhằm thúc đẩy thực hiện trên thực tế các cam kết đã đạt được trong các chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ tháng 5/2017 và Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam tháng 11/2017.
Giới chức Hoa Kỳ cũng thể hiện mong muốn tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai bên, trước mắt là đoàn cấp cao của Việt Nam tới Hoa Kỳ trong năm 2018 và thúc đẩy trao đổi thương mại, gia tăng đầu tư, hợp tác năng lượng, đưa Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hai nước cho rằng cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh…
Thượng nghị sĩ Orrin Hatch đánh giá Việt Nam là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ và cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển hơn nữa.
Trong khi đó, ngay trước cuộc gặp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Munchin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump và chuyển lời đánh giá cao của Tổng thống Hoa Kỳ về chuyến làm việc của đoàn Chính phủ Việt Nam tại Washington khi ghi nhận phía Việt Nam đã hiểu những quan tâm của Hoa Kỳ và có trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp cụ thể, thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước phát triển tích cực.
Quan điểm hợp tác của Hoa Kỳ đối với Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với hai nền kinh tế
Theo đó, trong bối cảnh Hoa Kỳ thắt chặt quan hệ thương mại, đầu tư, thì việc hợp tác với Việt Nam đã chứng tỏ Hoa Kỳ coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam đối với lợi ích của quốc gia mình.
Trên thực tế, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế không cạnh tranh lẫn nhau mà có tính bổ sung, tương hỗ. Việt Nam muốn xuất khẩu các mặt hàng nông sản là thế mạnh, đặc sắc của khu vực nhiệt đới tới Hoa Kỳ và nhập khẩu các thiết bị máy móc, công nghệ có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao từ Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, mục tiêu của Hoa Kỳ được Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan nêu là ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, góp phần duy trì hoà bình ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các vấn đề cùng quan tâm.
Thể hiện tinh thần hợp tác của Hoa Kỳ với Việt Nam, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Hoa Kỳ vẫn mở cửa thị trường với hàng hoá và nông sản Việt Nam. Mới đây nhất, quả vú sữa nhập khẩu từ Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của thị trường Hoa Kỳ. Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ Stephen Censky cung cấp thông tin quan trọng cho đoàn là Bộ này đang hoàn tất cả thủ tục cuối cùng để nhập khẩu xoài Việt Nam, đồng thời phía Hoa Kỳ cũng sẽ phối hợp với Việt Nam trao đổi các biện pháp xem xét đề xuất của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc Hoa Kỳ nhập khẩu quả bưởi trong thời gian tới.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng bày tỏ xem xét tích cực để sớm công nhận hệ thống pháp quy về quản lý cá da trơn của Việt Nam là tương đương với Hoa Kỳ và sẽ có phản hồi trong thời gian sớm nhất. Về phía Việt Nam, Bộ NN&PTNT hiểu các quy định của USDA là để bảo vệ ngành nông nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam cũng tích cực thực hiện các quy định về chất lượng trên cơ sở thiện chí, đề nghị Hoa Kỳ công nhận tương đương cho Việt Nam vào tháng 9 năm nay.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sớm công nhận hệ thống pháp quy về quản lý cá da trơn của Việt Nam là tương đương với Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng trong giảm thiểu rủi ro xuất khẩu, chi phí thương mại cho doanh nghiệp sản xuất cá da trơn trong nước, đồng thời góp phần tăng cường năng lực thực thi kiểm soát chất lượng sản phẩm cho các cơ quan của Việt Nam.
Bên cạnh các cuộc làm việc với chính giới Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng có nhiều buổi thảo luận với các học giả, cộng đồng doanh nghiệp và làm việc trực tiếp với lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ như Coca-Cola, Visa, Exxon Mobil, Microsoft, Facebook, Boeing, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin...
Đoàn công tác làm việc tại Viện Nghiên cứu doanh nghiệp Hoa Kỳ. Ảnh: VGP |
Các học giả, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) đánh giá cao tầm nhìn và chính sách đối ngoại, kinh tế, hội nhập quốc tế của Việt Nam, mong muốn quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục được củng cố trong bối cảnh cục diện thế giới đang có những biến chuyển và thúc đẩy hợp tác sâu rộng với quan chức, học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đều khẳng định Việt Nam là thị trường năng động với nhiều tiềm năng và các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn mở rộng các hoạt động kinh doanh, đầu tư và thể hiện rõ vai trò xã hội tại Việt Nam như Coca-Cola, Nike, Murphy Oil...
Về phía Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân FLC cũng thực hiện chương trình quảng bá kêu gọi đầu tư và ký kết hợp đồng mua 20 máy bay của hãng chế tạo máy bay lớn nhất của Hoa Kỳ- Boeing - trị giá 5,6 tỷ USD.
Có thể thấy rõ quan hệ thương mại, đầu tư đã và đang là động lực mạnh mẽ cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ.