Câu chuyện về các cuộc thi hoa hậu đang được công chúng và giới chuyên môn bàn luận sôi nổi. Một năm có đến trên 20 cuộc thi hoa hậu, năm 2022 sẽ có khoảng 25 cuộc thi được tổ chức.
Việc nhớ được tên các cuộc thi hoa hậu, với nhiều người cũng đã rất khó khăn. Nhiều cuộc thi trùng tên, dẫn đến tranh chấp gay gắt và sẵn sàng đưa nhau ra tòa.
Trên 20 cuộc thi mỗi năm, đồng nghĩa việc mỗi năm lại có trên 20 hoa hậu. Người đẹp thi xong, đoạt vương miện hoa hậu rồi không biết làm gì nữa – cũng là một câu chuyện khôi hài, hay đúng hơn là một hệ lụy “mất giá” khi có quá nhiều cuộc thi.
Thực ra, việc “loạn” các cuộc thi hoa hậu đã được dự báo từ trước khi Nghị định 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm mới của Nghị định là lần đầu tiên, việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp sẽ do UBND tỉnh, thành phố chấp thuận, không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Việc tổ chức dễ dàng, không giới hạn số lượng, có thể sẽ thêm cả chục cuộc thi với quy mô “ao làng”. Công ty, đơn vị nào có đủ tiềm lực đứng ra tổ chức cuộc thi hoa hậu đều dễ dàng xin phép. Và thế là, nỗi lo trước kia bây giờ đang hiện hữu.
Tháng 6 vừa qua, công chúng chứng kiến cuộc tranh cãi chưa phân thắng bại giữa hai đơn vị tổ chức hai cuộc thi khác nhau là Công ty Minh Khang và Công ty Sen Vàng xung quanh cái tên Hoa hậu Hòa bình. Cũng trong tháng 6 và tháng 7, hai cuộc thi hoa hậu liên tiếp được tổ chức đều có vấn đề về chất lượng thí sinh, khiến cho công chúng đặt dấu hỏi về chất lượng cuộc thi.
“Loạn” thi nhan sắc đã là một chuyện rõ như ban ngày, nhưng câu hỏi “thi hoa hậu để làm gì?”, vẫn là câu hỏi bị bỏ ngỏ.
Tiến sĩ Đoàn Hương từng “hoài nghi mục đích của các cuộc thi sắc đẹp hiện nay, không phải chỉ để tôn vinh vẻ đẹp bên ngoài”. Theo bà, thi hoa hậu là vấn đề về con người, sản phẩm của nó là biểu tượng cho sắc đẹp và văn hóa quốc gia.
Thế nhưng, trong bối cảnh hoa hậu nhiều như nấm sau mưa và ra ngõ gặp hoa hậu, thì có lẽ phải hoài nghi về sắc đẹp và văn hóa quốc gia đối với hoa hậu.
Chất lượng hoa hậu thấp, ứng xử thiếu văn hóa và kém văn minh – thì không thể là biểu tượng cho sắc đẹp và văn hóa quốc gia. Bởi vậy, người xưa đúc kết “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, hoa hậu nhiều mà chất lượng thấp thì không chỉ tốn kém tiền bạc và thời gian, mà danh hiệu hoa hậu nhiều khi chẳng có chút giá trị nào.
Để lập lại trật tự các cuộc thi nhan sắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên rà soát, đánh giá tổng thể để có điều chỉnh phù hợp.