Thời điểm hai phiên tòa diễn ra gần như cùng lúc khá nhạy cảm này đã dậy lại làn sóng tranh cãi ở Mỹ. Rice có bị đối xử bất công hay Solo quá được ưu ái? Có hay không vấn đề kỳ thị giới tính trong cách xử lý hai vụ việc là điều khiến dư luận Mỹ xôn xao.
Vô tội?
Cáo buộc với Solo bắt nguồn từ một sự cố hôm 21/6 với chị gái cùng cha khác mẹ và cháu trai 17 tuổi tại một bữa tiệc gia đình. Theo tài liệu của cảnh sát, Solo và cháu trai đã nảy sinh tranh cãi trong bữa tiệc dẫn tới ẩu đả. Chị gái của Solo đã cố gắng can thiệp song bị vạ lây.
Liền đó, cháu trai của Solo đã lấy một cây chổi bằng gỗ tấn công vào đầu của tuyển thủ Mỹ và dùng một khẩu súng hơi (đã hỏng) để đe dọa người họ hàng của mình.
Luật sư của Solo, ông Todd Maybrown, khẳng định trước báo chí rằng thân chủ của mình vô tội và thực tế là nạn nhân của vụ ẩu đả. Những bức ảnh chụp Solo được cảnh sát cung cấp cho thấy nữ cầu thủ bị xây xước nhiều ở mặt, cánh tay.
Trong một tuyên bố đăng tải trên Facebook ngay sau vụ việc, Solo chia sẻ: “Tôi hiểu rằng công chúng mong muốn biết thêm thông tin liên quan đến các cáo buộc chống lại tôi. Nhưng một khi tất cả được đưa ra ánh sáng tôi tự tin rằng mình vô tội”.
Solo có đáng bị treo giò?
Solo đã bị giải tới đồn cảnh sát (sau đó được bảo lãnh tại ngoại). Hai ngày sau, cô được tuyển Mỹ triệu tập để chuẩn bị cho những trận cầu thuộc vòng loại World Cup 2015. Ngay lập tức, những trang báo nổi tiếng tại Mỹ như Washington Post, New York Times và ESPN bắt đầu xuất bản những bài viết so sánh trường hợp của Solo và Ray Rice.
Họ cho rằng Liên đoàn bóng đá Mỹ và nhà tài trợ Nike quá ưu ái khi vẫn dành sự ủng hộ cho Solo trong khi Ray Rice (hầu tòa vì hành hung vợ) bị Liên đoàn bóng bầu dục Mỹ cấm thi đấu và CLB Baltimore Ravens thanh lý hợp đồng.
“Liên đoàn cần phải phát đi thông điệp đúng đắn. Họ cần phải nhận thức rằng bạo lực gia đình không được phép tồn tại và dung thứ” - Jill Loyden, cựu cầu thủ Mỹ và là đồng đội cũ của Solo lên tiếng.
Dẫu hai VĐV đều bị cáo buộc tội danh bạo lực gia đình nhưng trường hợp của Solo khác với Rice.
“Đối với Hope Solo, điều chúng ta biết được bây giờ đều thông qua báo cáo của cảnh sát”- Brian Pinero, Giám đốc dịch vụ kỹ thuật số cho đường dây nóng quốc gia về bạo lực gia đình, nói với FoxNews.com.
Trong khi đó, trường hợp của Rice rõ ràng là một vụ bạo hành. Đoạn video được trang TMZ đăng tải cho thấy ngôi sao 27 tuổi này đấm bà xã Janay Palmer bất tỉnh trong thang máy ở sòng bạc thuộc New Jersey. Rice thậm chí còn lôi xồng xộc Palmer ra khỏi thang máy khi cô vẫn chưa tỉnh lại.
Vụ việc này khiến nước Mỹ chấn động. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích hành động của Rice và xem trọng quyết định treo giò vĩnh viễn VĐV này của NFL. “Những gì diễn ra trong video là không thể tranh cãi” - Pinero nói.
Đại học New Haven cũng tổ chức hội thảo về vấn đề này. Tại đó, chuyên gia về bạo lực gia đình Kendell Coker cho rằng ở trường hợp của Solo, sự chú ý nên dồn về vấn đề bạo lực gia đình, không phải bóng đá. Hoặc chí ít phải chờ đợi quyết định của tòa án mới đưa ra án cấm.
Thông báo của Liên đoàn bóng đá Mỹ cho thấy sự đồng tình trong quan điểm với Coker. “Chúng tôi coi vấn đề bạo lực gia đình rất nghiêm túc. Ngay từ đầu, chúng tôi đã xem xét các thông tin có sẵn và đã đưa ra một cách tiếp cận thận trọng và chu đáo về tình trạng Hope Solo với đội tuyển quốc gia.
Dựa trên sự xem xét đó, chúng tôi quyết định để Solo tiếp tục tham gia vào đội tuyển. Quyết định cuối cùng sẽ được chúng tôi đưa ra khi có kết luận của tòa án”.