Gần nửa năm sau chiến thắng tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, gặp lại Hà vẫn toát lên sự hồn nhiên và chân thật của một nữ sinh mới bước qua tuổi 19.
Hành trình “cô đơn”
Đã có nhiều ý kiến nhận xét về điều đó, sau khi chứng kiến thành công ngoạn mục của cô gái đến từ một huyện lẻ của xứ Nghệ tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2016. Đến nhà của Đào Thị Hà ở xóm 9, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, một lần nữa, bà Hồ Thị Châu, mẹ của Hà lại nhắc về kỷ niệm đó.
Chỉ có điều, trong câu chuyện của bà, không giấu được niềm tự hào và cả sự tin tưởng vào cô con gái bé bỏng. Bà kể: “Ngày chung khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh, do lo lắng bố mẹ đi xa nên Hà nhất quyết bảo bố mẹ không vào.
Vì thế, chỉ có một cặp vé duy nhất, Hà dành tặng cho hai người bạn đến từ Đức. Nhưng rồi, thương con một thân một mình, chúng tôi giấu cháu, vào đến nơi mới thông tin để Hà biết”...
Hoa hậu biển 2016 Đào Thị Hà.
Có quá nhiều điều đặc biệt đã đến với Đào Thị Hà trong năm 2016, đặc biệt là kể từ sau sự kiện Hà nghe lời “xúi” của anh Bí thư Đoàn xã đi tham dự cuộc thi Người đẹp Phố biển Cửa Lò.
Nghĩ đơn giản, đây là cuộc thi mang tính “phong trào” nên hành trang đến với vòng sơ khảo của cô sinh viên năm thứ nhất Học viện Hành chính Quốc gia chỉ là một chiếc quần bò, mấy áo sơ mi và đôi giày thể thao giản dị.
Tuy nhiên, với chiều cao nổi bật 1,74 m, mái tóc ngắn, làn da nâu khỏe khoắn và đặc biệt là nụ cười tỏa sáng, nên lần đầu tiên đứng trên sân khấu Hà đã gây được sự chú ý.
Sau đó, dù chưa có kinh nghiệm tham gia bất cứ một cuộc thi nào, dáng đi khi thể hiện các phần thi có phần cứng, nhưng sự tự tin, ngoại hình “ăn” sân khấu đã giúp Hà xuất sắc giành danh hiệu hoa khôi trong sự đồng tình, ủng hộ cao của tất cả các thành viên ban giám khảo...
Từ chiến thắng của cuộc thi này, Hà được chọn tham dự vòng chung khảo Hoa hậu Việt Nam khu vực phía Bắc và là thí sinh Nghệ An duy nhất được chọn tham dự vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam toàn quốc.
Đào Thị Hà và mẹ.
Vào thành phố Hồ Chí Minh, đến với cuộc thi hoa hậu có quy mô lớn nhất toàn quốc này, Đào Thị Hà vẫn “hồn nhiên quê kiểng”. Cũng chính vì thế, dù nói “trọ trẹ” giọng xứ Lường, chưa có nhiều kinh nghiệm giao tiếp, nhưng Hà vẫn chiếm được cảm tình của tất cả mọi người.
Trong sân chơi lớn đó, Đào Thị Hà cũng chính là cô gái bình dị nhất bởi Hà không có ê-kip đi theo hỗ trợ. Gần một tháng với các sự kiện liên tiếp, nhưng Hà chỉ có một vài bộ trang phục tự chuẩn bị. Bước vào đêm chung kết Hà cũng là thí sinh duy nhất không thuê trang phục mà mặc trang phục do chính Ban tổ chức tài trợ.
Giản dị là vậy, nhưng cũng theo Hà, đó là từ tâm thế rất thoải mái “có thế nào thì thể hiện như vậy, nếu thua cũng không có gì để mất!”... Những ngày thi với lịch trình căng thẳng, Hà cũng không nói nhiều với bố mẹ vì sợ cả hai lo lắng.
Với thành tích Hoa hậu biển và lọt tốp 5 thí sinh đẹp nhất của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hà hài lòng với bản thân mình. Thậm chí, cô còn tự nhận đã may mắn, vì cuộc thi hội tụ quá nhiều hoa khôi, người đẹp. Sau đêm chung kết, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối và đưa ra nhiều phân tích về màn ứng xử không như kỳ vọng của Hà.
Tuy nhiên, nhắc lại sự kiện này, Hà chia sẻ một cách đơn giản: “Câu hỏi ấy hoàn toàn không khó. Tuy nhiên, lúc bấy giờ khi được xướng tên vào 5 người ở vòng thi cuối cùng em quá bất ngờ và đã quên luôn câu hỏi ngay khi vừa đọc xong.
Hơn thế, em cũng thừa nhận: Danh hiệu Hoa hậu biển đã là điều quá tuyệt vời đối với em rồi, bởi so với các thí sinh khác tuổi đời, bản lĩnh sân khấu, kinh nghiệm sống... em còn rất non nớt”.
“Khách lạ” ở showbiz
Trở về từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam với một thành tích khá ấn tượng, Đào Thị Hà trở thành một hiện tượng “lạ”, một bông hoa đồng nội đầy tươi mới của làng người đẹp Việt.
Sau cuộc thi, cuộc sống của Hà cũng thay đổi với rất nhiều lời mời dự sự kiện, chụp ảnh, quảng cáo, trình diễn thời trang.
Lịch trình dày đặc cộng với lịch học phải tăng lên để đuổi kịp chương trình, nên thời gian về nhà của Hà cũng co ngắn lại. Phải gần hai tháng sau đêm chung kết Hà mới có dịp trở về gia đình.
Đào Thị Hà trên vườn hoa của Tập đoàn TH (Nghĩa Đàn). Ảnh: Sách Nguyễn
Mang trên mình danh hiệu mới, tự bản thân Hà cũng biết mình đã là “người của công chúng”, nghĩa là không thể xuề xòa, không thể thiếu chỉn chu khi đi ra đường.
Dẫu vậy, ít ai biết rằng, sau ánh đèn sân khấu, sau những bộ trang phục lộng lẫy, khi trở về đời thường Hà và cô em họ vẫn sống giản dị trong một dãy nhà trọ sinh viên trên đường Cầu Giấy, gần với ngôi trường cô đang học.
Hà cũng cho biết, điều kiện gia đình và tiền công cho những chương trình mà cô tham gia đủ cho cô sống một nơi tốt hơn. Nhưng bản thân Hà không muốn thay đổi, vì đây mới chính là cuộc sống, đúng với chất sinh viên và lứa tuổi của mình.
Một ngày cuộc sống của Hà vẫn xoay quanh giảng đường và những lớp học. Thời gian còn lại, cô tập trung để trau dồi thêm ngoại ngữ, tập thể dục và học thêm về kỹ năng dẫn chương trình - những kỹ năng mà Hà tự nhận mình còn rất yếu.
Đào Thị Hà trong bộ sưu tập áo dài do hoa hậu Ngọc Hân thiết kế.
Sự “chậm trễ” đôi lúc cũng khiến Hà nhận ra mình như một “khách lạ” trong giới những người nổi tiếng. Vậy nhưng nhiều khi Hà cho phép mình đứng ngoài cuộc, thậm chí cô từ chối rất nhiều những lời mời hấp dẫn vì không muốn một cuộc sống quá bon chen, xô bồ, không muốn đánh mất đi “cái tôi” của mình.
Sinh ra trong một gia đình đông con, bố mẹ làm kinh doanh nên từ nhỏ Hà đã là một cô bé tự lập mà lại rất nghịch ngợm. Ngày còn đi học, đã có thời điểm “một tuần em bị ghi sổ đầu bài bốn đến năm lần, thi vào cấp III không đủ điểm vào công lập”.
Nhưng, cũng từ sự thất bại đó, Hà lại mạnh mẽ, nỗ lực hơn. Thành công lớn nhất của Hà là thi đại học được 25,5 điểm (khối C) - cao nhất trường. Cũng chính nhờ bản lĩnh này, nên khi đến với cuộc thi hoa hậu, càng khó khăn, Hà lại càng kiên cường, tự tin vào bản thân.
Hiện tại, dù sống rất “chậm”, nhưng Hà không lo lắng bởi với cô “đây là thời gian để em làm mới mình, rèn luyện thêm cho mình kinh nghiệm, kỹ năng sống”.
Hơn thế, cô cũng tin rằng, khi đã hội tụ đủ yếu tố sẽ tự tin bước đến nhiều sân chơi mới, quy mô và tầm cỡ hơn. Ở đó, không có sự may mắn, không có “đích đến” cho sự vội vã./.