Của cho không bằng cách cho
- Nhiều người băn khoăn khi ngày 20/11 đang bị “thương mại hóa”. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Mỗi năm, vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lại có nhiều ý kiến về việc tặng quà cho các thầy, cô. Việc tặng quà có bị “thương mại hóa” hay không phụ thuộc vào mục đích của người tặng quà chứ không nằm ở giá trị của món quà đó.
Tặng quà tri ân các thầy, cô giáo vốn là truyền thống của dân tộc ta. Các cụ có câu: “Của cho không bằng cách cho”. Nếu việc tặng quà xuất phát từ lòng kính trọng và biết ơn của HS, cha mẹ HS với sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của thầy, cô giáo không thể nói là “thương mại hóa” được.
Người tặng quà có thể chọn những món quà nhỏ, có ý nghĩa để tặng các thầy, cô giáo thay cho lời cảm ơn hoặc đơn giản chỉ là một lời chúc mừng, một tấm thiệp hay một bó hoa nhỏ cũng đủ để GV cảm thấy có thêm động lực trong công việc thầm lặng nhưng vẻ vang của mình.
Việc tri ân các thầy, cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam có nhiều cách, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi, từng người nhưng tựu chung lại đó phải là những tình cảm chân thành, xuất phát từ truyền thống “Tôn sư, trọng đạo” của dân tộc ta.
- Ông từng nói, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, mỗi nhà giáo phải là nhà giáo dục. Ông có thể phân tích kỹ hơn quan điểm này?
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nhấn mạnh: Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Để đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra, cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn dân, trong đó người thầy đóng vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Người thầy phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong các thiết chế giáo dục của xã hội. Vì thế, trách nhiệm với công việc, nghề là một yêu cầu đạo đức. Đạo đức ấy được thể hiện ở sự tin tưởng, quan tâm, yêu thương và mong muốn sự tiến bộ của người học trong quá trình giáo dục. Mặt khác, đạo đức ấy còn được thể hiện ở ý thức trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của giáo dục nước nhà.
Người thầy trước hết phải là nhà giáo dục với hai nhiệm vụ cốt lõi là: Giáo dục và dạy học. Đó là trang bị cho HS kiến thức, hiểu biết thế giới khách quan, cách học để các em không ngừng phát triển nhận thức, trí tuệ, có thế giới quan khoa học; đồng thời có trách nhiệm xây dựng sức khỏe thể chất và tinh thần, những xúc cảm và kỹ năng cần thiết, cơ bản cho nhân sinh quan của HS.
Vượt qua thách thức
- Theo ông, làm thế nào để GV vượt qua, đáp ứng kỳ vọng của xã hội trong bối cảnh mới?
- Bất cứ sự đổi mới nào cũng hàm chứa những thách thức. Với GV, giảng dạy theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cũng vậy. Thách thức mà các thầy, cô đang gặp phải là sự thay đổi từ phương thức dạy học theo “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”; GV chủ động trong thiết kế bài giảng, được điều chỉnh thời gian biểu dạy học linh hoạt; yêu cầu cao của việc phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh trong quá trình dạy học; yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học (dạy học tích hợp và dạy học phân hóa)… Bên cạnh đó, là sự kỳ vọng của xã hội, của chính cha mẹ HS vào Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Để giúp GV vượt qua thách thức này, các cơ sở giáo dục phải chuẩn bị tốt về mặt tâm lý cho cả GV và phụ huynh; chuẩn bị tốt về năng lực chuyên môn và phương pháp dạy học cho đội ngũ GV; bảo đảm tốt cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và điều rất quan trọng là truyền cho họ cảm hứng, động lực đổi mới để thực hiện tốt Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
- Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học là yêu cầu cấp thiết với đội ngũ, nhất là GV lớp 1. Thực tế này đang diễn ra như thế nào trong các nhà trường, thưa ông?
- Tôi được đi thực tế ở các trường, chứng kiến những đổi mới, sáng tạo của các thầy, cô giáo và các nhà trường. Sau hơn 3 năm thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, có thể nói phong trào này đã “ngấm sâu” và trở thành hoạt động thường xuyên của nhà trường, là nhu cầu tự thân của mỗi GV thông qua những việc làm cụ thể. Qua đó, mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động dạy học. Nhiều địa phương đã triển khai tốt phong trào này như: Hà Nội, Nam Định, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh… Có thể nói, phong trào thi đua đã lan tỏa nhiều ý tưởng mới trong công tác quản lý, dạy - học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng đội ngũ trong toàn ngành.
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ đồng hành với đội ngũ thầy cô giáo như thế nào để các thầy cô tự tin dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới?
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhận thức đầy đủ những lúng túng, khó khăn của GV dạy lớp 1 trong năm đầu thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới. Để giúp GV có thể tự tin trong quá trình dạy học, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã triển khai một số hoạt động hỗ trợ: Chỉ đạo Công đoàn giáo dục các cấp quan tâm, làm tốt công tác truyền thông, giúp giáo viên hiểu rõ mục tiêu, yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới; giúp họ vượt qua trở ngại tâm lý, sẵn sàng và tự tin thực hiện đổi mới.
Ngoài ra, hỗ trợ kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến cho GV thông qua chương trình “Đồng hành cùng nhà giáo” trên fanpage của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng và GV đang trực tiếp giảng dạy lớp 1. Cùng với đó, tổ chức tọa đàm, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm đối với GV trực tiếp dạy lớp 1. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức thành công tại Lào Cai, sắp tới sẽ tổ chức ở miền Trung và miền Nam.
- Xin cảm ơn ông!