Tiếp xúc với các hóa chất khác nhau xảy ra hàng ngày và thông qua nhiều cách khác nhau như uống, hít phải, tiếp xúc qua da và qua dây rốn ảnh hưởng đến bào thai. Nhiều hóa chất vô hại nhưng cũng có nhiều hoá chất là mối đe dọa đối với sức khỏe của con người và môi trường. Tình hình sản xuất hóa chất tiếp tục tăng và làm tăng tiềm năng tiếp xúc với hóa chất.
Các hoá chất thường gặp trong môi trường nhưng rất nguy hiểm đối với sức khoẻ con người bao gồm thuốc trừ sâu, amiăng, các hóa chất gia dụng và hoá chất nghề nghiệp khác, ô nhiễm môi trường xung quanh và ô nhiễm không khí gia đình, khói thuốc lá, chì và arsen. Quản lý môi trường tốt có thể làm giảm phơi nhiễm hoá chất nguy hiểm đến sức khoẻ con người.
Tiếp xúc với hoá chất độc hại có thể gây ra các bệnh lý thuộc nhóm không lây nhiễm và các bệnh lý thuộc nhóm chấn thương do ngộ độc không chủ ý hoặc do tự hại.
Dưới đây là biểu đồ phân bố nguyên nhân tử vong do các bệnh lý do tiếp xúc hoặc có liên quan đến phơi nhiễm các hoá chất độc hại:
Phân bố tỷ lệ tử vong do các nhóm bệnh lý có liên quan đến hoá chất (WHO-2016) |
Dưới đây là biểu đồ phân bố tần suất tử vong (trên 1.000 dân) do nhóm bệnh không lây nhiễm và nhóm bệnh chấn thương do tiếp xúc hoá chất độc hại theo các khu vực trên thế giới:
Tần suất tử vong do chấn thương và bệnh không lây nhiễm do tiếp xúc hoá chất độc hại theo các khu vực trên thế giới (WHO-2016) |
Tình hình các loại bệnh tật phổ biến có liên quan đến hoá chất độc hại:
Hơn một phần ba (35%) bệnh tim thiếu máu cục bộ, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới, và khoảng 42% bệnh đột quỵ, nguyên nhân lớn thứ hai đối với tỷ lệ tử vong toàn cầu, có thể được ngăn chặn bằng cách giảm hoặc loại bỏ tiếp xúc với hóa chất như ô nhiễm không khí xung quanh, ô nhiễm không khí gia đình, khói thuốc lá thụ động và chì.
Các hóa chất như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, dung môi, sơn, chất tẩy rửa, dầu hỏa, carbon monoxide và thuốc có thể dẫn đến ngộ độc không chủ ý tại nhà và tại nơi làm việc. Các trường hợp ngộ độc không chủ ý được ước tính gây ra 193.000 ca tử vong hàng năm với phần lớn là do phơi nhiễm hóa chất có thể phòng ngừa.
Các hóa chất được phân loại là chất gây ra bệnh ung thư ở con người đã được nhận diện và là một danh sách khá dài.
Các chất gây ung thư do nghề nghiệp ước tính gây ra từ 2% đến 8% của tất cả các loại ung thư. Đối với dân số nói chung, ước tính có 14% ung thư phổi là do ô nhiễm không khí xung quanh, 17% là do ô nhiễm không khí gia đình, 2% do hít khói thuốc lá thụ động và 7% là do tiếp xúc hoá chất nghề nghiệp.
Tiếp xúc với một số hóa chất nhất định, như chì, đã được chứng minh có liên quan đến giảm phát triển hệ thần kinh ở trẻ em và làm tăng nguy cơ bị chứng rối loạn thiếu tập trung và khuyết tật trí tuệ. Bệnh Parkinson có liên quan đến việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu.
Ô nhiễm không khí và hít khói thuốc lá thụ động là các yếu tố nguy cơ cho một kết cục thai kỳ bất lợi như trọng lượng sơ sinh thấp, sinh non và thai chết lưu. Ví dụ, tiếp xúc trước đây với khói thuốc lá thụ động được ước tính làm tăng nguy cơ tử vong sơ sinh 23% và dị tật bẩm sinh 13%. Ngoài ra, khoa học đã chứng minh mối liên quan giữa nhiều hóa chất khác và kết cục thai kỳ bất lợi hoặc dị dạng bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
Đục thủy tinh thể, nguyên nhân quan trọng nhất gây mù lòa trên toàn thế giới, có thể phát triển do tiếp xúc với không khí trong gia đình bị ô nhiễm. Trong đó, tiếp xúc với khói do nấu ăn là nguyên nhân gây ra 35% các trường hợp đục thủy tinh thể ở phụ nữ và 24% tổng số trường hợp bệnh đục thủy tinh thể.
Hít khói thuốc lá thụ động và ô nhiễm không khí cũng chịu trách nhiệm chính cho 35% các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính, bao gồm viêm phổi, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản (là những nguyên nhân quan trọng nhất gây tử vong ở trẻ em), và cũng liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp trên và viêm tai giữa.
Hơn một phần ba (35%) gánh nặng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là do tiếp xúc với hóa chất trong hít khói thuốc lá thụ động, ô nhiễm không khí hoặc khí nghề nghiệp, khói và bụi.
Ô nhiễm khói thuốc và ô nhiễm không khí có thể làm giảm chức năng phổi và khuynh hướng dễ bị bệnh phổi ở bào thai và trẻ sơ sinh.
Khói thuốc lá và ô nhiễm không khí có thể dẫn đến phát triển và tăng tần suất mắc bệnh hen phế quản. Ô nhiễm không khí làm tần suất khởi phát cơn hen và làm tăng tỷ lệ nhập viện. Bệnh hen phế quản nghề nghiệp là một trong những bệnh thường gặp nhất liên quan đến ô nhiễm không khí nơi làm việc.