Tuy nhiên, cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế lại cho rằng quyết định trên có phần vội vàng và cần xét nghiệm lại. Như vậy, sau vụ xúc xích Vietfoods chứa chất gây ung thư được phát hiện tại Hà Nội lại thêm một phát hiện nữa cho thấy quy định đôi khi chưa theo kịp cuộc sống.
Kiểm nghiệm lại
Với hàm lượng phenol chứa trong gần 30 tấn cá nục ở Quảng Trị được xác định ở mức 0,037 mg/kg. Đoàn kiểm tra đã tạm thời niêm phong để chờ xử lý. Tuy nhiên, ngay tại địa phương này đã có sự tranh cãi giữa hai ngành Y tế và NN&PTNT về việc sử dụng chất trên trong thực phẩm. Trong khi ngành Nông nghiệp thì cho rằng chất phenol không có trong quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành còn đại diện Sở Y tế lại khẳng định phenol là chất độc không được phép có trong thực phẩm.
Được biết số cá trên được mua của nhiều hộ, có chứng nhận đánh bắt xa bờ nên chủ sở hữu số cá trên cho rằng cá nhiễm phenol không nhiều. Trước những ý kiến trái chiều, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, tỉnh Quảng Trị (đơn vị đã thực hiện kiểm nghiệm trước đó) quyết định tiến hành kiểm nghiệm lại 30 tấn cá nục theo cách làm là lấy mẫu ở từng bao cá một thay vì lấy mẫu đại diện như trước. Sau khi có kết quả sẽ đưa ra kết luận cuối cùng
Trước đó, tại Hà Nội cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tháng 4/2016, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra lô hàng hơn 3.000 sản phẩm xúc xích nhãn hiệu Vietfoods của Công ty TNHH TM Thực phẩm Hùng Anh. Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) cho thấy cả 4/4 mẫu xúc xích mà lực lượng quản lý thị trường gửi sang đều chứa chất Sodium nitrate. Theo Thông tư 27 của Bộ Y tế, chất Sodium nitrate – 251 không được sử dụng trong thực phẩm, duy nhất chỉ được dùng trong pho mát tươi. Chất Sodium nitrate – 251 có trong xúc xích khi được hấp, rán, nướng thì nó sẽ tạo ra một hoạt chất khác là tác nhân gây bệnh ung thư...
Liên quan đến chất Sodium nitrate – 251 trong xúc xích, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mặc dù chất trên được quy định dùng trong sản xuất pho mát tươi nhưng Bộ Y tế cũng có thông tư hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Như vậy, chất trên vẫn có thể sử dụng trong sản xuất xúc xích và hiện E251 được nhiều nước trên thế giới cho phép sử dụng trong sản xuất xúc xích như Úc, Nhật, New Zealand, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, EU… Sau khi có thông tin trên, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã trả lại số hàng trên.
Cần quy định rõ ràng
Trao đổi với báo chí, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long cho biết, theo một số nghiên cứu của cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), lượng phenol ăn vào hằng ngày chịu được của cơ thể người là 0,18 mcg (microgam)/kg thể trọng/ngày. Như vậy, mới mức công bố phenol trong cá nục ở Quảng Trị, với sáu mẫu chỉ có một mẫu có phenol với hàm lượng 0,037 mg/kg thì tính trung bình một người Việt Nam nặng 50 - 55 kg, ngày nào cũng ăn hai lạng cá có chứa phenol như hàm lượng ở Quảng Trị công bố sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Cũng theo ông Long, phenol là chất rắn không màu hoặc màu trắng, thường được sử dụng nhiều trong ngành Công nghiệp. Con người có thể tiếp xúc với phenol qua nhiều nguồn khác nhau qua đất, nước, qua môi trường làm việc như sản xuất nilon, nhựa đều có phenol trong môi trường đó. Thậm chí phenol cũng có trong thực phẩm và có thể tìm thấy trong xúc xích, gà rán... Trong thực phẩm tự nhiên, phenol có trong cà chua, chuối, ca cao, quả dâu tây...
Có thể nói việc kiểm tra hóa chất tồn dư trong thực phẩm là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhưng trong bối cảnh quy định chưa rõ ràng hoặc phụ thuộc vào tiêu chuẩn quốc tế cần sự cẩn trọng của cơ quan chức năng thông qua số liệu, kết quả xét nghiệm cụ thể để tránh gây hoang mang cho người dân cũng như thiệt hại cho nhà sản xuất, kinh doanh.