Hỗ trợ tân sinh viên trang bị 'bức tường' bảo vệ mình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tân sinh viên các trường đại học bắt đầu mùa nhập học. 

Phụ huynh và học sinh được bộ phận hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tư vấn nơi ở trọ.
Phụ huynh và học sinh được bộ phận hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tư vấn nơi ở trọ.

Chân ướt chân ráo đến môi trường sinh sống và học tập mới, các em có thể đối diện nhiều cạm bẫy đang rình rập. Để người học “nói không” với các tệ nạn, chiêu thức lừa đảo của kẻ xấu, trường đại học sớm đưa ra cảnh báo.

Tăng cường tư vấn, hỗ trợ

Dù chưa bắt đầu Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa cho tân sinh viên, nhưng để hạn chế tối đa nguy cơ lừa đảo, cạm bẫy rình rập vào đầu năm học, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) đã đưa ra các cảnh báo.

Theo bà Hoàng Thị Thoa - Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông HUFI, dù năm nào sinh hoạt đầu khóa trường cũng nhắc nhở tân sinh viên về chiêu trò lừa đảo nhưng luôn có người sập bẫy, nhất là đa cấp.

“Sinh viên từ các tỉnh về TP nhập học phải xa gia đình, đối mặt với nhiều điều mới lạ và cám dỗ. Tại các quán ăn, quán nước xung quanh trường đại học luôn có đội ngũ bán hàng đa cấp túc trực, nhất là trong thời gian đầu năm học. Vì vậy, nếu tân sinh viên không được tiếp nhận những thông tin trước, rất dễ rơi vào cạm bẫy chốn thành thị. Năm 2021, dù là thời điểm dịch Covid-19 nhưng trường cũng ghi nhận nhiều em bị lừa chuyển tiền học phí, hay bị dụ dỗ vào nhóm bán hàng đa cấp. Có sinh viên vì vướng vào nợ nần, buộc phải cầu cứu gia đình, nhà trường”, bà Thoa nói.

Theo TS Huỳnh Anh Bình – Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TPHCM, việc nhẹ lương cao, tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp là những cạm bẫy tân sinh viên dễ vướng vào nhất. Bên cạnh đó là hoạt động lừa đảo dưới dạng xin việc làm, giúp kiếm phòng trọ… Cao cấp hơn là mời hợp tác vào các dự án khởi nghiệp mà công ty đang cần tìm đối tác cùng làm, kèm theo lời hứa hẹn tự do thời gian, tài chính.

“Các đối tượng nắm bắt được tâm lý của giới trẻ vừa rời khỏi ghế nhà trường, xa vòng tay gia đình với sự tự tin cao như học giỏi, mong muốn kiếm tiền để thể hiện bản thân đã trưởng thành, hay đơn thuần chỉ muốn kiếm thêm thu nhập để phụ giúp gia đình…. Vì thế, đối tượng núp bóng doanh nhân thành đạt, hội nhóm kinh doanh kiếm nghìn đô/tháng để tiếp cận tân sinh viên, vẽ ra những viễn cảnh vô cùng rực rỡ. Đây chính là mô thức và vỏ bọc lừa đảo phổ biến để “đánh chiếm” tâm lý của tân sinh viên. Chỉ một chút lơ là, thiếu cảnh giác, mong muốn thể hiện cái tôi, sự trưởng thành thì nguy cơ sập bẫy lừa đảo lớn hơn bao giờ hết”, TS Bình nhấn mạnh.

Để sinh viên không rơi vào hệ lụy không đáng có, Trường ĐH Hoa Sen thường xuyên đăng khuyến nghị trên website. Trong đó, trường đặc biệt lưu ý tân sinh viên lần đầu tiên xa nhà, vấn đề tài chính, an ninh và môi trường sinh hoạt học tập cần lưu ý.

Nhà trường nhấn mạnh, sinh viên khi gặp bất cứ vấn đề gì liên quan đến cuộc sống, điều kiện ăn ở, học tập, thậm chí là khó khăn về tài chính… thì điều đầu tiên cần nghĩ đến “điểm tựa” tinh thần chính là đội ngũ cố vấn học tập (hay có thể gọi là giáo viên chủ nhiệm), các phòng ban, trợ lý khoa… Bởi đây là kênh các em nên tiếp cận để có các thông tin và hỗ trợ chính thống.

“Các thông tin thiết thực, tình huống mà tân sinh viên có thể đối mặt được nhà trường giới thiệu thông qua Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa. Đây là nội dung các em phải thật sự lưu ý, điều cần thiết cho học tập, sinh hoạt, đảm bảo an ninh… cũng như những định hướng cho tương lai”, bà Nguyễn Thị Tuyết Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Trải nghiệm - Việc làm sinh viên, Trường ĐH Hoa Sen cho biết.

Trung tâm Hỗ trợ người học là địa chỉ đáng tin cậy nhất cho tân sinh viên khi gặp bất cứ khó khăn gì.

Trung tâm Hỗ trợ người học là địa chỉ đáng tin cậy nhất cho tân sinh viên khi gặp bất cứ khó khăn gì.

Xây dựng “tường lửa” để bảo vệ mình

Theo ThS Đặng Kiên Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, học đại học, sinh viên sẽ phải thay đổi môi trường sinh hoạt và cách học tập. Để thích nghi với thay đổi này, tân sinh viên cần có tư thế chuẩn bị từ trước, thông qua việc tìm hiểu các hoạt động của trường, chuyên ngành học tập qua kênh nhà trường, bạn bè, anh chị em. Khi vào trường, các em cần tiếp cận thầy cô, tổ chức Đoàn, Hội để có hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết nhất.

“Học đại học là môi trường độc lập, sinh viên cần phải chủ động trong thời gian, trong sinh hoạt và các mối quan hệ bạn bè. Vì vậy, các tổ chức, đội nhóm của trường đưa ra hỗ trợ, định hướng ban đầu, sau đó sinh viên có thể tự vạch hướng đi phù hợp. Đội nhóm, bạn bè cũng sẽ hỗ trợ và chia sẻ những khó khăn trong sinh hoạt và học tập.

Hiện, đa số trường đại học đều tổ chức học tập theo hình thức tín chỉ, nên việc chủ động và linh hoạt đóng vai trò rất quan trọng. Sinh viên phải vạch ra kế hoạch học tập trong từng học kỳ, năm học, để đạt được mục đích là tích luỹ đủ tín chỉ theo yêu cầu, cộng với kỹ năng cần thiết như ngoại ngữ, tin học. Quan trọng hơn khi có kế hoạch chi tiết cho việc học tập, chi phí sinh hoạt hàng tháng và cả quỹ thời gian dành cho việc tìm kiếm công việc làm thêm…, các em sẽ chủ động tự bảo vệ được mình trước những cạm bẫy”, ThS Cường chia sẻ.

Đồng tình với góc nhìn trên, ThS Huỳnh Trọng Hiếu - Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn - cho rằng, với sự phức tạp của xã hội, rất nhiều “bẫy” đang rình rập tân sinh viên. Không chỉ là lừa đóng học phí, các đối tượng còn có thể dẫn dắt sinh viên đi theo nhiều hướng khác, thậm chí là sa đọa trong lối sống, dẫn tới vi phạm pháp luật. Vì vậy, các em phải tỉnh táo trước những chiêu trò lừa đảo và những thứ bày ra trước mắt mình một cách quá dễ dàng. Để trang bị “bức tường” bảo vệ mình, sinh viên và tân sinh viên hãy quan tâm tới những câu lạc bộ ở trường đại học. Đây là môi trường tốt nhất để các em sinh hoạt, nắm bắt nhiều thông tin bổ ích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ