Không chỉ bù lấp kiến thức, việc tăng cường hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục trên thế giới.
Cầu nối giữa học sinh và giáo viên
Trước khi bắt đầu tiết học, cô giáo Karen Letourneau, giáo viên lớp 4 tại Trường Tiểu học Walton, thành phố Auburn, bang Maine, Mỹ và học sinh thường dành khoảng 5 - 10 phút để tập yoga và thả lỏng cơ thể.
Cô Karen cho biết: “Tôi bắt đầu tập yoga, thực hành chánh niệm trong thời gian dịch Covid-19 và cảm thấy bình tĩnh, thư giãn hơn. Khi trở lại lớp học, tôi khuyến khích học sinh dành ít phút buổi sáng để luyện tập. Các em rất thích thú và mong chờ hoạt động này”.
Theo cô Karen, yoga giống như “cầu nối” giữa cô giáo và học sinh. Sau một thời gian cùng nhau thư giãn, học sinh bắt đầu chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và khó khăn của các em với giáo viên chủ nhiệm. Nhiều học sinh bày tỏ cảm thấy bình tĩnh và mạnh mẽ hơn nhờ các bài tập.
Tại Mỹ, khi việc học trực tiếp được nối lại từ cuối năm học 2021 – 2022, trường học bắt đầu thử nghiệm các kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần dành cho giáo viên, học sinh như tập yoga, thiền định thực hành chánh niệm... Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những kỹ năng trên có thể giảm căng thẳng hay trầm cảm.
Hồi năm 2021, Mỹ thông qua “Kế hoạch Giải cứu người Mỹ” (ARP) trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, trong đó, đầu tư cho giáo dục nhằm giúp trường học mở cửa an toàn và giải quyết tình trạng gián đoạn học tập, sức khỏe tâm thần.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các trường học sử dụng khoản trợ cấp thuê giáo viên, nhân viên cố vấn học đường, nhà tham vấn tâm lý học đường... để cải thiện đồng chất lượng giáo dục và sức khỏe tâm thần cho học sinh. Đồng thời, ông hy vọng các trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý, quan tâm, chăm lo đến sức khỏe tâm thần cho học sinh khi các em trở lại học trực tiếp.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh, thiếu niên trên toàn thế giới. Gần 20 nghiên cứu toàn cầu, được công bố trong hai năm dịch 2020 và 2021, cho thấy tỷ lệ trẻ em mắc vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, tự tử, rối loạn tăng giảm chú ý... tăng cao đột biến.
Đơn cử, đầu năm 2022 Ủy ban quốc gia về Trẻ em Australia đã tiến hành khảo sát gần 5 nghìn trẻ em 9 - 17 tuổi. Kết quả cho thấy, 41% trẻ em trả lời đại dịch đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của các em. Các em cảm thấy chán nản, sợ hãi và lo lắng tăng so với trước đại dịch Covid-19.
Còn theo Khảo sát Hành vi và Trải nghiệm vị thành niên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) năm 2021, 37% học sinh tại các trường phổ thông công lập và tư thục có sức khỏe tâm thần kém và mắc các triệu chứng như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm. 44% học sinh trung học cảm thấy buồn bã hoặc tuyệt vọng gần như hàng ngày trong 12 tháng liên tiếp.
Không chỉ học sinh phổ thông, sinh viên đại học cũng bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19. Khảo sát của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) vào năm 2021 cho thấy, hơn 1/3 sinh viên năm nhất tại Anh có triệu chứng lo lắng và trầm cảm. 38% tân sinh viên cảm thấy mất khả năng học tập do học trực tuyến trong dịch Covid-19 không hiệu quả. Trong khi hơn 40% sinh viên cho biết sức khỏe tinh thần được cải thiện khi các trường bắt đầu năm học mới theo hình thức trực tiếp.
Học sinh Mỹ tập yoga để giảm căng thẳng. |
Nỗ lực nhưng còn hạn chế
Tại châu Á, Singapore là một trong những quốc gia đi đầu triển khai các công tác hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Cuối năm 2021, Bộ Giáo dục Singapore công bố chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần tại cấp tiểu học, trung học và dự bị đại học kéo dài 2 năm, tính từ năm 2022.
Đầu mỗi học kỳ, giáo viên sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe thể chất và tâm thần của học sinh. Thông qua chương trình học này, học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng xây dựng khả năng phục hồi, củng cố tinh thần và giải quyết khó khăn. Ví dụ, các em sẽ học cách phân biệt căng thẳng thông thường với các bệnh tâm thần; học cách vượt qua suy nghĩ tiêu cực và các vấn đề về cảm xúc xã hội; tìm kiếm giúp đỡ khi cần.
Tại Trung Quốc, Bắc Kinh là địa phương đầu tiên chỉ đạo các trường phổ thông đưa giáo dục sức khỏe tâm thần vào chương trình dạy và bảo đảm mỗi trường học có ít nhất một cố vấn tâm lý học đường. Học sinh từ lớp 4 - 12 sẽ phải làm đánh giá tâm thần thường xuyên để nhà trường quản lý và theo dõi sát sao sức khỏe của các em.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng yêu cầu tổ chức khóa học sức khỏe tâm thần bắt buộc trong trường đại học; thúc đẩy tăng cường số lượng cố vấn học tập, bác sĩ tâm lý trên cả nước. Năm 2022, nước này kêu gọi tăng tỷ lệ số lượng cố vấn học đường lên ít nhất 1 cố vấn trên 4 nghìn học sinh.
Tuy nhiên, chị Wang, phụ huynh sống tại Bắc Kinh, bày tỏ lo ngại về chương trình dạy sức khỏe tâm thần trong các trường học.
“Con gái tôi có một tiết học về sức khỏe tâm thần vào thứ Năm hàng tuần. Nhưng cháu kể rằng giáo viên chỉ giới thiệu về hệ giác quan và bộ phận cơ thể người. Đó không thực sự là giáo dục sức khỏe tâm thần nên tôi hơi phân vân về hiệu quả của tiết học này”, chị Wang cho biết.
Đây cũng là vấn đề chung của các quốc gia châu Á do sức khỏe tâm thần, đặc biệt sức khỏe tâm thần học đường, là khái niệm tương đối mới mẻ. Các trường học, nhất là trường công lập, chưa phổ biến vị trí cố vấn tâm lý học đường. Nhận thức của phụ huynh, học sinh về sức khỏe tâm thần còn chưa sâu rộng nên việc ổn định sức khỏe tâm lý cho học sinh sau dịch Covid-19 còn hạn chế.