Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19: Giáo viên có được hưởng?

GD&TĐ - Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ quy định về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Các bé sớm hòa nhập với trường, lớp sau kỳ nghỉ dài.
Các bé sớm hòa nhập với trường, lớp sau kỳ nghỉ dài.

Thực hiện Nghị quyết trên, các trường học đã lập danh sách giáo viên (GV) để đề xuất, xin hỗ trợ theo quy định.

Mầm non gặp khó

Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Trên địa bàn có hơn 200 trường mầm non tư thục, mỗi cơ sở có từ 3 - 5 GV. Trong năm 2020, có 20 trường phải giải thể. Năm nay, một số trường cũng thông báo giải thể, do không duy trì được.

“Hầu hết các cơ sở mầm non trên phải thuê nhà vài chục triệu đồng/tháng. Ảnh hưởng dịch bệnh, trường tạm dừng hoạt động. Trong thời gian ngắn, nhà trường vẫn hỗ trợ cho GV, nhưng dịch bệnh kéo dài, nhiều trường không duy trì được, dẫn đến giải thể.

Phòng GD&ĐT quận Hà Đông đang yêu cầu các trường lập danh sách GV bị ảnh hưởng. Sau đó, phòng sẽ tập hợp và đối chiếu với bên bảo hiểm, rồi gửi danh sách về Phòng, Sở LĐ,TB&XH để duyệt hỗ trợ theo quy định” - bà Hằng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Tám – Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), đa phần các trường mầm non ngoài công lập sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Nhà trường phải dừng hoạt động trong thời gian dài, GV không có việc làm.

Tại Nghệ An, việc Sở GD&ĐT Nghệ An cho phép cơ sở giáo dục hoạt động trở lại không chỉ đáp ứng nhu cầu phụ huynh, mà còn là tin vui với giáo viên, nhân viên. Bởi với các trường tư thục, thời gian tạm nghỉ học do ảnh hưởng dịch Covid-19, đồng nghĩa với cán bộ, giáo viên, nhân viên rơi vào cảnh “thất nghiệp”, không thu nhập.

Cô Lô Thị Yến (GV cơ sở mầm non tư thục Yên Bình) quê ở huyện miền núi cao Tương Dương, Nghệ An. Tốt nghiệp sư phạm mầm non, Trường ĐH Vinh, cô ở lại thành phố để tìm kiếm việc làm. Nhưng vào nghề được 3 năm, thì 2 năm qua công việc của bị gián đoạn bởi dịch Covid-19.

Cô giáo trẻ người dân tộc Thái chia sẻ: “Gần 2 tháng, TP Vinh thực hiện Chỉ thị 16 rồi 15, cơ sở nghỉ học nên em cũng tạm thời thất nghiệp. Nhưng em cũng không dám trả phòng trọ về nhà, để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Trong thời gian đó, em buôn bán online để kiếm chút thu nhập, trang trải cuộc sống, sinh hoạt ở trọ tại thành phố. Vì vậy, bây giờ được đi làm trở lại, em mừng lắm”!

Theo cô Nguyễn Thị Cẩm, cơ sở mầm non Yên Bình có 14 giáo viên, nhân viên bếp ăn. Trong thời gian nghỉ, cơ sở cố gắng duy trì đóng BHXH, chứ không có nguồn để trả lương.

Cô Vương Thụy Phương – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi thơ cho hay: Trường có trên 50 giáo viên, nhưng đáng mừng là thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19, không có nhân sự nào xin nghỉ. Vì thế, với quy mô 600 trẻ, khi hoạt động trở lại, nhà trường vẫn đáp ứng đầy đủ các hoạt động chuyên môn, chương trình giáo dục và chăm sóc trẻ theo quy định.

“Trong thời gian nghỉ, mặc dù khó khăn, trường vẫn đóng BHXH đẩy đủ cho giáo viên, nhân viên. Đó cũng là cách để chúng tôi giữ nhân sự ở lại. Vì tuyển giáo viên tuy không quá khó, nhưng sẽ mất thời gian để đào tạo, làm quen với công việc. Chúng tôi cũng tìm hiểu các quy định về chính sách hỗ trợ cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Chính phủ để hướng dẫn giáo viên làm hồ sơ hợp lệ”, cô Thụy Phương chia sẻ.

Cô Lô Thị Yến (bên trái) - GV Cơ sở mầm non Yên Bình, Hưng Đông, TP Vinh - được trở lại việc chính của mình sau thời gian tạm thất nghiệp.
Cô Lô Thị Yến (bên trái) - GV Cơ sở mầm non Yên Bình, Hưng Đông, TP Vinh - được trở lại việc chính của mình sau thời gian tạm thất nghiệp.

Không… bỏ rơi giáo viên

Theo thống kê của Công đoàn Giáo dục Nghệ An, toàn tỉnh có khoảng 5.000 lao động thuộc các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong năm 2020, công đoàn ngành đã có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động này. Bởi vậy, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68, trong đó giáo viên mầm non tư thục là một trong nhóm được hưởng trợ cấp gói 26 nghìn tỷ đã đáp ứng mong mỏi của lao động ngành Giáo dục.

Sau khi có thông tin về gói hỗ trợ, cô Nguyễn Thị Cẩm đã hướng dẫn giáo viên làm hồ sơ hưởng gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ của Chính phủ. Hiện có 9 cô giáo hồ sơ đủ yêu cầu và được đưa vào danh sách nhận trợ cấp với số tiền 3,7 triệu đồng/người. Ngoài ra, có 3 cô do mới làm việc và chưa chuyển hồ sơ BHXH nên đang đợi để hoàn thiện thủ tục.

“Số tiền trợ cấp trong điều kiện hiện nay là nguồn động viên rất lớn với giáo viên, nhân viên, để họ cảm thấy không “bị bỏ rơi”. Đặc biệt là các cô mầm non mới ra trường đang ở trọ, hoặc lập gia đình, nuôi con nhỏ rất vất vả”, cô Cẩm nói.

Tại Hà Nội, các trường đang lên danh sách giáo viên để đề xuất hỗ trợ. Cô Nguyễn Thị Hợp - Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Trải Nghiệm Xanh (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết: Trường có 8 GV, nhưng không có việc, 2 cô đã xin nghỉ, kiếm công việc khác để lo cho gia đình. Hiện, trường đã hoàn tất danh sách giáo viên bị ảnh hưởng của dịch và gửi lên Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ. Hy vọng, sớm được duyệt, để giúp các cô trang trải thêm trong cuộc sống” - cô Hợp nói.

Cô Lê Thị Hoàng Mai - Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Sao Mai (Hoài Đức – Hà Nội) chia sẻ: Nhà trường phải tạm dừng hoạt động từ nhiều tháng nay, mỗi tháng mất gần 50 triệu đồng tiền thuê mặt bằng. Trong thời gian nghỉ, trường vẫn duy trì đóng BHXH cho GV. Tuy nhiên, nhiều người vì hoàn cảnh đã phải chuyển công việc khác như: Buôn bán, trông trẻ riêng lẻ, làm thuê tự do… để có tiền lo cho gia đình.

“Trường đã nộp danh sách để xin được hỗ trợ cho 6 GV có đủ điều kiện, hoàn cảnh khó khăn. Một số GV do đã nghỉ việc, đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không được” - cô Mai thông tin.

Cô Nguyễn Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Ánh Dương – Mê Linh (Hà Nội) cho biết: Trường đã dừng hoạt động từ năm ngoái do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện, các GV của trường phải nghỉ việc để tìm kiếm công việc khác.

“Theo quy định, phải đóng BHXH cho GV mới được hỗ trợ. Nhà trường không đủ kinh phí để đóng cho GV nên không lập danh sách để xin hỗ trợ” - cô Dung nói.

Công đoàn ngành đang phối hợp với các cơ sở giáo dục thống kê, rà soát, nắm số lượng người lao động bị ảnh hưởng, đáp ứng các điều kiện phù hợp quy định, lập danh sách trình cấp có thẩm quyền xem xét. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm triển khai thực hiện Nghị quyết 68 để gói hỗ trợ kịp thời đến tay người lao động. - Ông Đặng Văn Hải – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.