Hỗ trợ kịp thời, giúp 'hồi sinh' sản xuất sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các chính sách đã kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68 của Chính phủ.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68 của Chính phủ.

Ngày 26/12, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị tổng kết một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ.

Giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch

Đầu năm 2020, Covid-19 xuất hiện và nhanh chóng lây lan trở thành đại dịch toàn cầu gây khủng hoảng y tế và xã hội. Tại Việt Nam, làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát cuối tháng 4/2021 tác động mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông lao động... ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, việc làm của hàng chục vạn người lao động.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I năm 2021 đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Trong đó 540 nghìn người bị mất việc, 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ ngay từ đầu năm 2021 là kiên quyết thực hiện “mục tiêu kép”. Đó là vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

Căn cứ chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất cần tiếp tục ban hành các chính sách để kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Mục đích nhằm góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Từ đó, sớm phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, đảm bảo ổn định đời sống và an toàn cho người lao động.

Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 với 12 chính sách, tập trung vào 2 nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19. Chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp, với các nguyên tắc cơ bản, đó là hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch.

Thành lập 12 đoàn kiểm tra, giám sát

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23.

Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các công điện, công văn chỉ đạo, hướng dẫn chung đối với các địa phương. Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các địa phương.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành triển khai tổ chức thực hiện chính sách, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp các nội dung chính sách. Lập 6 số điện thoại để hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận gần 25.000 cuộc gọi đề nghị giải đáp của người dân, người lao động và người sử dụng lao động.

Đồng thời cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Thiết lập chuyên mục hỏi - đáp về chính sách hỗ trợ, hồ sơ thủ tục trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Trong đó, tập trung vào các nhóm chính sách hỗ trợ có nhiều thắc mắc để người dân, người lao động, người sử dụng lao động biết trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, ở các kênh tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để kịp thời giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

Quá trình triển khai, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thành lập 12 đoàn kiểm tra, giám sát tại 27 tỉnh, thành phố để nắm tình hình, giải đáp các vướng mắc, hướng dẫn, tháo gỡ cho các địa phương và tiến hành kiểm tra, giám sát tại 9 tỉnh. Đó là Đắk Lắk, Hậu Giang, Phú Yên, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, TPHCM, Đồng Nai.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã phát hiện có những vướng mắc, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai. Tuy nhiên đều có sự uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm việc thực hiện các chính sách đúng đối tượng, đúng chế độ. Đến nay chưa phát hiện có hành vi trục lợi chính sách của các tổ chức và cá nhân.

Nghị quyết số 68 được ban hành nhanh chóng, kịp thời, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống người dân, người lao động và người sử dụng lao động trước tác động của đại dịch. Đồng thời, được người dân, doanh nghiệp, người lao động tích cực ủng hộ thực hiện. Qua đó ngày càng tạo được niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công tác chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 36.434.593 người lao động, 394.440 đơn vị sử dụng lao động và 508.127 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.665,263 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…