Hỗ trợ giáo viên TPHCM vướng ở hồ sơ minh chứng

GD&TĐ - Hiện, TPHCM có nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Nhiều chính sách được triển khai hỗ trợ đội ngũ này nhưng vẫn còn vướng nhiều ở thủ tục, hồ sơ minh chứng…

Giáo viên TPHCM mang sách giáo khoa đến nhà cho phụ huynh học sinh. Ảnh: Như Ý
Giáo viên TPHCM mang sách giáo khoa đến nhà cho phụ huynh học sinh. Ảnh: Như Ý

Khó khăn trong chi trả lương cho người lao động

Trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM (ngày 22/9), Sở GD&ĐT TPHCM đã có báo cáo với về thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo viên gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến ngành Giáo dục. Đời sống đội ngũ nhà giáo, người lao động trong ngành đang gặp nhiều khó khăn, nhất là với giáo viên đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi… Từ tháng 5 đến nay, tất cả các cơ sở giáo dục đã phải dừng việc dạy và học trực tiếp, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học, kế hoạch tổ chức các kỳ thi, công tác tuyển sinh, chuẩn bị năm học mới 2021 - 2022.

Trong đó, các cơ sở giáo dục công lập gặp khó khăn trong việc chi trả lương cho giáo viên, người ký hợp đồng lao động như bảo vệ, phục vụ, bảo mẫu, nhân viên nấu ăn… Còn các cơ sở giáo dục ngoài công lập đứng trước nguy cơ không có khả năng chi trả các khoản tiền thuê mặt bằng, điện, nước… Đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ ngày 1/5 đến nay.

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM vào đầu tháng 9, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động toàn ngành bị mất việc làm hơn 12 nghìn người và hơn 3,3 nghìn giáo viên đang thuộc diện F0… Quá trình triển khai các chế độ chính sách hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động của ngành Giáo dục TPHCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện nay, vẫn còn người lao động trong ngành đủ điều kiện nhưng chưa được nhận trợ cấp.

Đại diện Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, những khó khăn phần nào ảnh hưởng đến quá trình xét duyệt hồ sơ. Chẳng hạn thành phần hồ sơ đề nghị trợ cấp yêu cầu nhiều loại giấy tờ như bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu, chứng minh người lao động đang mang thai... Tuy nhiên, việc xác nhận các giấy tờ nêu trên là rất khó khăn do TPHCM thực hiện giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, thực tế có những trường hợp quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập do không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện nên chưa đủ điều kiện để được nhận trợ cấp theo NQ số 09/2021/NQ-HĐND của HĐND TPHCM nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Từ đó, phía Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất thủ tục hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục được hưởng các chế độ, chính sách cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện linh hoạt, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô Kim Phục - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hoa (Q.8, TPHCM) cho biết, nhà trường có 4 GV, NV hợp đồng với trường nên 4 tháng qua không có nhận lương, thuộc trường hợp được hỗ trợ, tuy nhiên đã gửi hồ sơ cho địa phương từ tháng 6 nhưng đến nay chưa thấy phản hồi.

“Lúc đầu địa phương yêu cầu chuyển hồ sơ qua Phòng GD&ĐT, sau đó Phòng GD&ĐT có trao đổi lại thì địa phương mới nhận hồ sơ” -  cô Kim Phục chia sẻ.

Một giáo viên TPHCM tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Một giáo viên TPHCM tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. 

Khó trong hồ sơ minh chứng

Hiện nay, Liên đoàn Lao động TPHCM cũng đang triển khai việc hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 theo Quyết định số 3022 ngày 9/8/2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong đó, những trường hợp công đoàn viên, người lao động là F0, F1, hoặc phải nghỉ việc để cách ly y tế, hoặc đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, được hỗ trợ kinh phí…

Theo ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, hiện các trường đang trong giai đoạn làm việc trực tuyến, nên đến thời điểm hiện tại Liên đoàn Lao động TP chỉ nhận được hồ sơ một vài trường có đề nghị hỗ trợ. Trong đó, mỗi trường vài trường hợp F0, F1… đến giờ này không nhiều.

Bà Trần Thị Thu Thủy - Chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Văn Lang cho hay, hiện trường có 25 trường hợp CĐV là F0 đủ các thủ tục xin hỗ trợ. Công đoàn trường linh hoạt ứng trước từ Quỹ Công đoàn để chi kịp thời hỗ trợ cho các trường hợp này. “Khi hết giãn cách, chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Liên đoàn Lao động TP để nhận lại kinh phí này sau” - bà Thủy chia sẻ.

Tương tự công đoàn một số trường như: ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM… cũng linh hoạt xử lý tạm ứng trước cho những trường hợp CĐV đủ hồ sơ minh chứng.

Tuy nhiên, theo phản ánh từ một số lãnh đạo công đoàn trường và một số CĐV thì việc xin hỗ trợ kinh phí theo hướng dẫn của Liên đoàn Lao động TPHCM cũng bị khó khăn ở khâu minh chứng hồ sơ. Chị H.M.T - chuyên viên HUFLIT (ngụ Q. Bình Thạnh, TPHCM) cho biết: Ngày 14/7, khi thấy có dấu hiệu ba mẹ chị và chị test nhanh bằng bộ kit. Mẹ và ba chị hiện 2 vạch rõ ràng, còn chị thì 1 vạch rõ 1 vạch mờ.

Sau khi test xong cả nhà liên hệ với tổ Covid chung cư và được y tế phường vào lấy mẫu để test PCR. Đến sáng 16/7, y tế phường gọi điện báo là mẹ với ba chị dương tính, còn chị thì âm tính, nhưng tổ y tế bảo chị nên đi cách ly. Lúc đó chị cũng lo vì thấy cũng có dấu hiệu nhiễm Coivd nên xin tổ test nhanh lại. Chị mua thêm 1 bộ kit nữa để test thì hiện rõ ràng 2 vạch. Sau đó chị gửi hình kit test cho tổ Covid và cũng theo ba mẹ vào khu cách ly.

“Sau 7 ngày trong khu cách ly test lại những người có kết quả PCR từ ngày 16/7 thì chị có kết quả âm tính. Trong khi ba mẹ chị vẫn còn dương tính nhưng chỉ số CT cũng gần được 30 và 2 ngày sau test lại thì âm tính. Khi ra viện ba mẹ tôi có giấy ra viện nhưng do tôi 2 lần test PCR âm tính nên chỉ có bản cam kết cách ly tại nhà thêm 2 tuần. Trong đó có mộc vuông của UBND quận Bình Thạnh ở khu cách ly tập trung, thêm chữ ký của bác sĩ trong khu cách ly nữa nên hồ sơ không được công nhận” - chị H.M.T chia sẻ.

Tương tự, chị B.Ng - giảng viên một trường ĐH (ngụ ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, việc ban hành các quyết định cách ly đối với các trường hợp ở địa phương còn nhiều vấn đề cần cải thiện.

“Chồng tôi bị F0 cách ly tại nhà, khu phố tới căng dây, làm bản cam kết tự cách ly xong rồi thôi. Sau đó, gia đình đòi mãi Trưởng ấp mới đi làm cho cái quyết định phong tỏa nhà do chủ tịch UBND xã ký, đóng dấu. Tuy nhiên, trong quyết định phong tỏa nhà thì nó chung chung chỉ có cái địa chỉ nhà mà không có họ tên các thành viên trong gia đình gì cả.

Sau đó, chúng tôi đòi miết, thì mới được bổ sung thêm cái danh sách đính kèm có họ tên các thành viên trong gia đình áp dụng cách ly tại nhà. Nhưng ngày chồng tôi bị dương tính là ngày 5/8 thì quyết định phong tỏa nhà của xã ghi ngày 16/8 và đến nay chúng tôi hoàn thành thời gian cách ly đã lâu nhưng không thấy xã ban hành quyết định hoàn thành cách ly gì cả” - chị B.Ng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ