Hai đề tài quan trọng nhất mà anh Hồ Sĩ Bình tâm huyết và theo đuổi là cố hương và văn nghệ sĩ. Anh là người con của làng Võ Thuận, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Gần nửa thế kỷ sống xa quê nên cố hương thường hay thảng thốt hiện lên trong những trang viết đầy ắp nội tâm rung rức thương nguồn nhớ cội.
Nhất là khi người viết đã có tuổi, đã nếm trải nhiều vị cuộc đời, đã gần như cạn chén buồn vui của một kiếp người rồi chưng cất hoài niệm trong xao xác tâm tư một trung niên thi sĩ: “Nghe tin anh mất ở xa tôi không về thăm anh được. Phải mấy tháng sau có dịp trở lại quê mới đến thắp cho anh một nén hương, nén hương tạ tội đối với một người mà mình thật sự quý trọng và thương yêu. Ngày trước, mỗi lần về quê tôi đều đến chơi với anh.
Nhà anh ở bên sông Thạch Hãn, nơi khúc sông lượn vòng quanh làng một hình cánh quạt mênh mông diệu vợi và hiu quạnh đến lạnh người. Anh dựng một cái chòi sau vườn nhà cạnh bến sông như một thảo am, bao nhiêu năm chăm lo kinh tế gia đình mình chị ngược xuôi chạy chợ gần nhà. Anh ngồi đó như một ẩn sĩ thời xưa, như một thiền sư đời nay đã bỏ ngoài tai mọi chuyện phù hư thế sự” - (“Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”trang 74, sách đã dẫn).
Hình bóng và cả thần thái một người anh, người bạn vong niên thông kim bác cổ mang phong thái Lão Trang trong một bài viết mà tên gọi như thơ cứ hiện dần lên qua tiếc nhớ của một tâm hồn đa cảm. Chính con người kiến văn sâu dày đó đã luận về tên dòng sông quê hương theo cách hiểu của mình và điều này cũng rất đáng lưu tâm cho những ai nặng nghĩa với quê nhà: “Hai chục năm trước, ngồi tư lự bên dòng sông này, anh nói. Ai đó lãng mạn, rồi thơ với với thẩn giải thích cái tên Thạch Hãn theo lối chiết tự một cách ngớ ngẩn. Thạch là đá, Hãn là mồ hôi. Mồ hôi của đá thành ra một hình thượng văn học cho một vùng đất cơ cực đến nỗi đá cũng oằn mình vì đau đớn để toát ra mồ hôi. Trời ạ, hãn là chặn lại, ngăn lại. Thạch Hãn là đá chặn lại, ngăn lại. Thạch Hãn là đá chặn, cứ lên đầu nguồn Đắk Krông mới thấy lớp đá chặn như thế nào, nhìn đá ngợp lạnh khếp cả người, nó chặn ngang cả mặt sông.
Người xưa đâu mơ mộng đến nỗi mà đẻ ra một hình tượng bay bổng viễn mộng để tưởng tượng ra mồ hôi của đá. Cơm chưa đủ ăn nói chi chuyện mơ màng…” - (“Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn”trang 75, sách đã dẫn).
Cũng trong bài viết này tác giả say sưa bàn về cơm hến dân dã và sau khi rong ruổi dọc theo những con sông đã coi món đặc sản chân quê này là có “bản quyền” Quảng Trị (chứ không phải là của Huế) hay khi nhìn lại sông đào Vĩnh Định người viết tiếc rẻ rằng đây không chỉ đề tài của sử học mà còn là cảm hứng của văn chương.
Chợ mà lại là chợ quê cố hương cứ đeo đẳng Hồ Sĩ Bình không dứt, vì đó tấm vé thông hành cho anh về lại tuổi thơ, về với mẹ xưa tảo tần, lam lũ, với món bánh ướt của làng chấm nước mắm Cửa Việt mà anh xếp hạng thuộc vào loại ngon nhất nước. Hương vị tuổi thơ không chỉ là chuyện món quà quê, chuyện văn hoá ẩm thực mà chứa chan những chuyện không thể nào nói hết cứ mãi theo anh đến hết cuộc đời.
Đó quả tình là những thứ mà ta quen gọi nhiều khi mòn cũ là kỷ niệm mà khi khi nhớ lại dù cho người từng trải cũng không khỏi xốn xang: “Thiệt lòng mà nói tôi ngồi nhìn anh chị trong đoàn ăn một cách ngon lành không gì sướng bằng, thầm tự hào về đặc sản chợ Thuận quê miềng. Ngon dở cũng tuỳ khẩu vị nhưng có một điều cái vị giác của mình từ ngày thơ dại đã quen với hương vị đầu đời mà mẹ nấu cho ta ăn, kể cả mấy món hàng vặt mẹ mang về cho con, nó như đóng đinh vào vị giác quen thuộc của mình. Huống chi những ngày ấy trong đôi mắt mẹ ngập tràn niềm vui khi nhìn đứa con út ăn một cách say sưa.
Với một không gian tâm cảm như thế đã in đậm lên tâm hồn tôi một sự tiếc nuối vì biết mọi thứ đã qua đi không bao giờ quay lại được. Ngày ấy tôi quá vô tư, để có những món quà vặt trong thời buổi mọi thứ còn khó, mẹ đã dè sẻn cắt xén chút ít chi tiêu bữa ăn của cả nhà để mua quà cho tôi”. (“Chợ Thuận trong tâm thức người xa xứ”, trang 102, sách đã dẫn).
Người mẹ của anh vốn sinh hạ ở cù lao Bắc Phước, một người mẹ chân đất mà minh triết dầu rằng không biết chữ. Nhớ công ơn trời biển mẹ sinh thành dưỡng dục, người viết gọi quê mẹ là “miền đất Cù Lao” mà hai chữ cuối viết hoa tượng trưng cho người Mẹ vô vàn yêu dấu: “Mẹ tôi không biết chữ, một chữ bẻ đôi cũng không biết, vì thế đọc sách Thiền tôi rất thích Lục tổ thiền sư Huệ Năng vì ngài không biết chữ mà ngộ được những điều Phật dạy. Bù lại, mẹ tôi là một kho ca dao, tục ngữ đầy mình. Cuộc sống đụng đến bất kỳ chuyện nhỏ gì mẹ tôi cũng đều kịp ra “thơ” bằng ca dao, tục ngữ, phương ngữ để xử lý. Khi thì khuyên lơn dạy bảo con cái, những kỹ năng làm việc hay là những kinh nghiệm về thời tiết, cây cỏ, món ăn, quan hệ vợ chồng, xóm làng, láng giềng…” - Nơi miền đất Cù Lao”, trang 164, sách đã dẫn).
Trong nỗi cảm hoài về mẹ và cố hương, trong đêm trăng hoài niệm ngay trên quê ngoại, bước chân hiện tại cứ muốn ngược về quá khứ, muốn vượt qua những ý niệm thời gian, không gian vật lý để được một lần về bên mẹ: “Đêm rảo bước trên cây cầu Triệu Phước, trăng hạ huyền ở miền cửa sông vằng vặc một màu đáo để. Trong nỗi niềm giữa yên ba thâm xứ bỗng ray rứt nhớ mẹ vô cùng. Giá như mẹ còn sống, tôi sẽ cùng mẹ qua sông để khoả lấp nỗi mong ước đời mẹ về lại quê nhà không còn chiến tranh và đò giang cách trở” - (“Nơi miền đất Cù Lao”, trang 169, sách đã dẫn).
Kiếp người giằng xé nỗi lòng nhất vẫn là chuyện sinh ly tử biệt nên nhiều khi cứ muốn ngược về quá khứ hay níu giữ thời gian dù biết muôn phần bất khả thi nhưng tình cảm, đặc biệt là tình thân thì luôn có lý lẽ riêng của nó, thật là vi diệu. Cho nên khi nhắc đến cố xứ và những người ruột thịt, một bài viết của Hồ Sĩ Bình lấy ý một câu thơ Thiền: “Nhạn qua sông bóng còn in mặt nước” dẫu biết rằng cố định thời gian và kỷ niệm bao giờ cũng giống chuyện vớt trăng, hay mộng mị mông lung như “khắc dấu mạn thuyền”.
Văn nhân kể chuyện một chàng trai gốc Việt ở trời Tây lần đầu tiên về quê nội bên dòng Thạch Hãn đã thản nhiên lội thẳng xuống sông mà không hề e ngại trong khi bao người trên bờ lo lắng. Hình như sâu thẳm chảy trong huyết quản của người con cha Việt, mẹ Tây có điều gì huyền bí thiêng liêng và thầm kín mách bảo, dìu dắt anh khi bước chân về cố quận hay một lẽ nào khác mà người ngoài và có thể chính anh cũng khó lòng cắt nghĩa.
Rồi tác giả hân hoan khi chứng kiến và phát hiện một tình yêu cảm động trước quê cha đất tổ: “Chao ôi, trên dòng sông này tôi khám phá thêm một điều kỳ diệu cho dù từ ngàn dặm xa xôi, chỉ cần động đến quê quán thì dù là người đến từ nền văn hoá nào mà khi tiếp cận bởi dòng dông quê nhà đều thao thiết nỗi niềm cố xứ. Và người ta phải làm một điều gì đó để không thẹn với dòng sông. Joen Nguyễn đã làm như thế, anh ta bốc một nắm đất để về quỳ lạy mộ cha nơi đất khách. Có lẽ cha anh cũng xúc động dưới suối vàng bởi trong hành trang trở về không chỉ là nắm đất sông Thạch Hãn mà còn là những nắm đất của làng quê, nhà thờ họ và ngôi nhà cũ bên sông” - (“Nhạn qua sông bóng còn in mặt nước”, trang 138, sách đã dẫn).
Hồ Sĩ Bình cũng đã viết khá nhiều về văn nghệ sĩ, trong đó có những người đã thành danh như các nhà văn, nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi, Tần Hoài Dạ Vũ… các hoạ sĩ như Vĩnh Phối, Hoàng Đặng, Võ Xuân Huy…
Tuỳ theo cảm quan và câu chuyện cụ thể mà chân dung văn nghệ sĩ có độ đậm nhạt khác nhau nhưng hầu như bao trùm lên hết thảy là sự yêu mến, quý trọng về cách sống và lao động nghệ thuật, bàng bạc bóng dáng liên tài của người viết. Ấn tượng nhất, theo tôi là chân dung hai người dù họ không phải là những nhân vật thành đạt trong cuộc đời và nghề nghiệp, thậm chí còn ngược lại: Trần Hữu Nghiễm và Đoàn Thạch Hãn, một đồng môn và một đồng hương, cả hai đều có cuộc đời không hề phẳng lặng cho đến phút lìa trần.
Bút ký nhân vật, nói rõ hơn là bút ký thân phận về hai chân dung văn nghệ thể hiện thế mạnh trong cách tiếp cận đối tượng phù hợp với “thể tạng” viết lách của Hồ Sĩ Bình ở những tác phẩm thành công: Hiểu rõ nhân vật, nhạy cảm với những phận người truân chuyên, khả năng phát hiện những góc khuất, những éo le nhiều khi khó nói của đời người…
Nhớ nhà thơ Trần Hữu Nghiễm, một cái tên rất quen thuộc với báo chí một thời bao cấp, anh bắt đầu phục dựng chân dung bạn, một gương mặt có nhiều nét đặc dị không giống ai: “Trong đời tôi từng tiếp xúc với rất nhiều người, nhà thơ rất mê thơ, sống chết một đời với thơ nhưng có lẽ không ai như Nghiễm, nói không quá, thơ với bạn là tất cả niềm vui sống, thơ đi suốt cuộc đời bạn trong tận cùng đau khổ và hạnh phúc, tưởng như không có thơ bạn sẽ sống thế nào” - (“Nhớ Trần Hữu Nghiễm”, trang 34, sách đã dẫn).
Cả cuộc gặp lại giữa hai người bạn gần như đồng cảnh ngộ ở đất mũi Cà Mau cũng khác thường sau bao phen cuộc đời quăng quật, họ đã phải kiếm sống và xô dạt nhiều nơi: “Nghiễm kéo tôi xuống ngồi ở một quán nhỏ dưới chân cầu gần chợ. Hai đứa ngồi uống rượu ngồi nói chuyện trên trời dưới đất, không quên nhắc về Huế, về trường xưa bạn cũ với rất nhiều uất nghẹn. Đúng là một cuộc rượu sầu nghiêng chén của Hành phương nam…Thà cứ ngồi đây, ngồi giữa chợ/Uống say mà gọi thế nhân ơi(N.B). Rồi Nghiễm đọc thơ một cách say sưa, giọng thơ buồn da diết. Mọi người chung quanh tưởng hai thằng say nói sảng. Hình như người ta cũng không hiểu mình đang nói một thứ ngôn ngữ gì. Bạn hỏi tôi có viết lách gì không. Chữ nghĩa vứt hết trên núi rồi bạn ơi…” - (“Nhớ Trần Hữu Nghiễm”, trang 36, sách đã dẫn).
Nhớ lại chuyện cũ, người viết không khỏi ngậm ngùi cho bạn mà cũng cho mình: “Cái bi kịch của chúng tôi ngày đó là hãy cố quên đi quá khứ để sống. Chao ôi sống mà để thực hiện một nhiệm vụ duy nhất trong đời là quên đi quá khứ thì còn gì để sống nữa” - (“Nhớ Trần Hữu Nghiễm”, trang 38, sách đã dẫn).
Trần Hữu Nghiễm cũng là một “người thơ phong vận như thơ ấy” đã có những câu thơ như buộc vào phận số đời mình. “Nghiễm là người nói lời vĩnh quyết với bạn bè sớm nhất lớp. Bạn đã nằm lại với Cà Mau như trong một câu thơ đầy sức tiên cảm về cố hương của một thời tuổi trẻ. Đứng thẫn thờ trông về phương cũ/Dáng ai cười sao ướt lá cây xanh…” - (“Nhớ Trần Hữu Nghiễm”, trang 38, sách đã dẫn).
Còn cuộc đời của nhà báo, nhà thơ Đoàn Thạch Hãn cũng thật nhiều uẩn khúc, đa đoan và giông bão, gần giống như một nhân vật luôn bị giằng xé của tiểu thuyết chiến tranh oan nghiệt. Nhưng dù ngả nghiêng giữa dòng đời anh vẫn còn lại trong lòng nhiều bạn bè văn nghệ: “Trong một lần về Quảng Trị mới đây, tôi cùng Lê Đức Dục, Lê Diễn và Lê Hải về Đông Dương, Hải Lăng thăm mộ Đoàn Thạch Hãn - một người bạn, một nhà thơ mà anh em chúng tôi quý mến” - (“Bên mộ Đoàn Thạch Hãn”, trang 39, sách đã dẫn).
Hoàn cảnh éo le, cuộc đời nghiêng ngả vì sự xuất thân cứ như thể gắn chặt với thời cuộc và những ngã ba số phận. Cứ thế mọi sự đã xô đẩy Đoàn Thạch Hãn vào những lựa chọn khó khăn, những thị phi nghiệt ngã và cả những ngộ nhận đáng buồn. Nhưng nhiều bằng hữu, trong đó có người viết vẫn nhận ra: “Tội cho anh, chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì, nhiều phụ nữ đã đến rồi đi, họ xem anh như một cuộc chiếc cầu để đi quan một đoạn đời mà anh mãi mãi là người đứng lại bên kia cầu để khóc cho phận mình. Đời anh đau buồn đến thế mà chẳng bao giờ nghe anh than vãn”- (“Bên mộ Đoàn Thạch Hãn”, trang 41, 42, sách đã dẫn).
Một cuộc đời trầm thống luôn biến động không yên với những phong ba không dễ vượt qua nhưng trước sau Đoàn Thạch Hãn vẫn thương nhớ khôn nguôi quê cũ, vẫn quặn lòng khi nhắc đến cố hương. “Và anh viết: Chao ôi những phố phường mơ ước/Chẳng thấy gì đâu chỉ thấy buồn. Với anh quê hương là tất cả. Những bài thơ hay nhất vẫn là những bài thơ về làng quê, về dòng Thạch Hãn nơi nhau rốn của mình. Ngay cả khi cuối đời bệnh tật đang trải qua những đau thương cho quên mấy thưở trầm luân ở đời, anh cũng ngùi ngụi hoài vọng hai chữ cố hương”- (“Bên mộ Đoàn Thạch Hãn”, trang 43, sách đã dẫn).
Văn Hồ Sĩ Bình ở những bài viết, trang viết có chất được người đọc ghi nhận thường giàu cảm xúc, một thứ văn xuôi gần với thơ và bén duyên thơ, khá tinh tế và nhiều lúc lộ vẻ tài hoa, một thứ văn nhiều khi thiên về cảm giác, đôi lúc bảng lảng, mơ hồ nhưng nếu cần vẫn riết róng đến cùng “chẻ sợi tóc làm tư”, tạo dựng được không khí và để lại dư vị.
Hồ Sĩ Bình vẫn đi và viết, cầu chúc cho anh chín tới văn mình.