>>> Hồ Quang Lợi - Con đường Báo chí, con đường Văn hóa: Nảy mầm xanh trên tuổi thơ cơ cực
>>> Hồ Quang Lợi - Con đường báo chí, con đường văn hóa: Tích tụ và lan tỏa
Những người bạn thành danh và không thành danh. Chắc chắn rồi, họ luôn là một phần đời của anh, có những tác động khác nhau đối với con đường đi của anh. Đó dường như là quy luật chung của cuộc sống, nhưng với Hồ Quang Lợi thì có phần diễn ra theo cách khác.
Cũng phải thôi, Hồ Quang Lợi thường nhắc đến những người thầy ở quê hương Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu ở những năm tháng tuổi thơ cơ cực của anh. Bố mất sớm khi anh vừa lên lớp 2, anh may mắn được các thầy cô thương yêu đùm bọc.
Cô giáo Văn Thị Hường, Hiệu trưởng trường cấp 2 xã Quỳnh Đôi, người chị ruột của nhà giáo nổi tiếng Văn Như Cương, lo cho Hồ Quang Lợi từ bộ sách giáo khoa cũ, an ủi, động viên anh trong những ngày tháng neo đơn nhất.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, trong anh còn lâng lâng cảm xúc về cánh đồng quê hương từ bài thơ “Anh chủ nhiệm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông - nhà thơ lớn, người cùng làng Quỳnh Đôi. Như còn vọng trong tâm trí anh giọng nói truyền cảm của cô giáo Văn Thị Hường khi cô say sưa giảng bài thơ đó trong lớp học mái rạ xung quanh được che chở bằng luỹ đất đắp cao lên sát mái để chống bom Mỹ. Hồ Quang Lợi tưởng như nhà thơ Hoàng Trung Thông viết về ông chủ nhiệm HTX Quyết Tiến và cánh đồng của chính quê hương Quỳnh Đôi vậy.
Ngày anh được Ty giáo dục Nghệ An gọi vào đội tuyển thi học sinh giỏi văn Miền Bắc, cả trường cấp 2 Quỳnh Đôi cũng chỉ có vài thầy cô có xe đạp. Đang chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ, lớp bồi dưỡng đội tuyển Văn của tỉnh được tổ chức tận xã Võ Liệt, huyện miền núi Thanh Chương.
Trước đó mấy ngày, bắp chân Hồ Quang Lợi bị lưỡi bừa nhọn đâm khi anh đi bừa ở ruộng sâu, bị nhiễm trùng rất nặng, sưng vù lên như bắp chuối, không thể đi nổi. Trước tình cảnh đó, nhà trường cử hai thầy giáo là Hồ Sĩ Nghiêm và Lê Xuân Hoàn thay nhau đạp xe gần 100km đèo Hồ Quang Lợi lên Thanh Chương. Gần đến nơi, trời mưa to, đường lầy lội, các thầy thay nhau cõng Hồ Quang Lợi vào nơi tập trung. Anh thương các thầy, cứ trườn xuống, đòi tự đi, nhưng các thầy nghiêm nét mặt nhắc nhở phải nghe lời.
Bây giờ, khi đã thành danh, anh có đủ trải nghiệm để càng thấm thía những cử chỉ ân tình, có sức lay động, có sức vực người ta dậy, có ý nghĩa suốt cuộc đời như thế.
Tôi tự hỏi, nếu không có sự giúp đỡ ân tình ấy thì những người như trò nghèo Hồ Quang Lợi sẽ ra sao? Chuyện vợ chồng cô giáo Hồ Thị Thảo và thầy Đinh Như Hoan cũng vậy. Anh đến nhà cô giáo chủ nhiệm để bồi dưỡng văn nhưng lại được chồng cô là thầy Đinh Nho Hoan, một giáo viên dạy Văn nổi tiếng của tỉnh Nghệ An trực tiếp dạy dỗ, rèn rũa từng câu văn. Sự chăm chút của thầy cô trong những giờ luyện văn ấy gieo vào tâm hồn anh những chân trời, chấp cánh cho niềm say mê và ước mơ tuổi trẻ.
Có thể những dấu ấn văn chương đầu tiên ấy đã góp phần giúp Hồ Quang Lợi bắt đầu hình thành “con đường văn hóa” sau này. Vì sao nhiều học trò thành danh, nổi tiếng ở đất nước ta thường hay có những cảm xúc đặc biệt khi nhớ về thời mình học tiểu học, cấp 1 hoặc cấp 2?
Hồ Quang Lợi kể, bây giờ thì cô Thảo, thầy Hoan đã già lắm rồi, thầy đã gần 90 tuổi mà mình cảm giác trí tuệ của thầy còn mẫn tiệp như thời trẻ vậy. Mỗi lần về quê đến thăm, tặng thầy cô một cuốn sách vừa in, hạnh phúc lắm, hạnh phúc hơn nữa là giữa bình yên của làng quê, thầy trò cùng đàm đạo không dứt về những câu chuyện văn chương, chuyện thế sự cả trong nước và thế giới. Vui nhất là những cuộc điện thoại của thầy gọi từ quê ra, bảo vừa thấy Hồ Quang Lợi trên truyền hình, rồi nhân thể thầy nói vài điều về cuốn sách vừa đọc xong hay một sự kiện văn hóa thời sự mới xẩy ra. Hồ Quang Lợi kính phục thầy như một thần tượng về sự thông tuệ và tình yêu thương học trò.
Ở lớp chuyên Văn tỉnh Nghệ An, dạy văn là thầy chủ nhiệm Nguyễn Huy Tý, một người rất giỏi tiếng Pháp, dáng người nho nhã, đã để lại những dấu ấn vô cùng sâu nặng đối với Hồ Quang Lợi. Ngày còn trẻ, thầy Nguyễn Huy Tý có biệt danh là “ông Tú Tý” vì thầy đỗ tú tài toàn phần. Thầy Tý đem lòng yêu quý một cô gái trẻ đẹp người, đẹp nết, rồi lấy làm vợ tên là Hồ Thị Nguyệt, người Quỳnh Đôi, nhà ở ngay cạnh nhà bố mẹ Hồ Quang Lợi.
Mùa thu năm 2020, trong chuyến hành hương cùng các bạn về xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc thắp hương tưởng nhớ thầy Nguyễn Huy Tý nhân kỷ niệm 50 năm Lớp chuyên Văn Nghệ An, thật xúc động, Hồ Quang Lợi đã gặp lại bà Hồ Thị Nguyệt, năm nay đã gần 100 tuổi, nhưng vẫn còn khoẻ và minh mẫn. Nửa thế kỷ đã trôi qua, hai người ôm lấy nhau, nước mắt tràn my, nhắc đến quê hương Quỳnh Đôi và những người thân ở xóm Đồng,...
Hồ Quang Lợi tâm sự rằng, hồi ở lớp chuyên Văn, có cảm giác khi thầy Tý bước vào lớp là lúc bắt đầu ánh lên những vẻ đẹp của văn chương. Vẻ đẹp của những câu thơ, bài văn của các tác giả trong nước và nước ngoài hiện lên trước mắt các trò lung linh như một bức tranh thủy mặc. Trò viết một câu văn hay, thầy coi đó là niềm vui của mình, trò có những ý tưởng mới sáng tạo trong làm bài, thầy hào hứng say mê, cổ vũ.
Đến bây giờ, Hồ Quang Lợi và các bạn đều nhớ như in những giờ văn của Thầy Tý. Khi thầy giảng truyện Kiều, một không gian đầy xúc cảm mở ra... “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”, ngâm nga câu thơ ấy, thầy Tý lim dim mắt rổi ngửa mặt lên trời hỏi các trò: “Đây là một trong những câu thơ hay nhất, phải không các em?”. “Chúng tôi mong đến giờ giảng văn của thầy Tý, mê thầy giảng văn đến quên cả đói, mê đến mức chúng tôi chỉ muốn giờ văn của thầy được xếp vào cuối buổi trưa, để chúng tôi được nghe giọng thầy giảng mà quên đi cơn đói đang cồn cào trong bụng”, Hồ Quang Lợi kể một cách nghiêm trang, không có vẻ hài hước tý nào. “Dùng” văn để chống đói, xưa nay chỉ thấy chuyện kể của học sinh lớp chuyên Văn Nghệ An!
Mùa hè 1971, máy bay Mỹ ném bom, đốt rụi lớp học và lán ở tập thể làm bằng tre nứa ở xã Nghi Trung, Nghi Lộc, may mà hôm đó tất cả học sinh của lớp đang nghỉ hè ở quê nên tất cả vẫn yên lành. Đến giữa lớp 9, lớp Chuyên Văn phải sơ tán lên xã Nghi Vạn. Một thời gian sau, thấy không an toàn, tỉnh Nghệ An lại quyết định sơ tán lớp này lên huyện miền núi Thanh Chương. Thật không ngờ, tại đây, Lớp chuyên Văn của Hồ Quang Lợi lại suýt hứng phải trận bom rải thảm B52 đêm mùa đông năm 1972. Như được hộ mệnh, cả lớp chuyên Văn không ai hề hấn gì mặc dù các loạt bom đó rơi xuống ngay sát nơi anh và các bạn ở trọ.
Đêm hôm đó, đang nằm ngủ trên chiếc phản gỗ trong nhà của một gia đình nông dân ở xã Thanh Lĩnh, Hồ Quang Lợi bất thần nghe tiếng rít kinh hoàng, rồi ánh chớp xanh lè, theo phản xạ tự nhiên, anh lao xuống đất, chui vào gầm chiếc phản gỗ. Loạt bom nổ xé trời vừa dứt, anh lao ra khỏi nhà, bò đến căn hầm trú ẩn ở góc vườn. Vừa thoát ra khỏi cửa thì toàn bộ mấy cánh cửa lim đổ sập xuống đè sập tấm phản đúng nơi anh vừa nấp.
Loạt bom thứ hai làm rung chuyển trời đất đúng lúc anh bò được vào căn hầm, hai đầu gối rách bươm, máu túa ra. Rồi loạt bom thứ ba, căn hầm chữ A như chao đảo. Sáng ra, nhìn ba vệt hố bom kéo dài, nhiều người nói, chỉ chệch đi một chút nữa thì cả lớp chuyên Văn có thể đã bị “xoá sổ”.
Đó là năm Lớp chuyên Văn của Hồ Quang Lợi gắn bó với thầy giáo chủ nhiệm dạy văn - nhà thơ Phan Huy Huyền. Dịp 20/11/2020 vừa qua, từ huyện Yên Thành, thầy Huyền, đã ngoài 90 tuổi, vẫn về Vinh dự cuộc hội ngộ nhân kỷ niệm 50 Lớp chuyên Văn Nghệ An. Gần như suốt đêm hôm đó, thầy trò cùng ôn lại kỷ niệm những tháng ngày gian khổ, sâu nặng nghĩa tình rất đỗi tự hào trên đất Thanh Chương. Gian nan và đáng nhớ nhất là chuyến đi của lớp anh lên núi chặt nứa, rồi kết bè xuôi theo dòng sông Giăng, có nhiều đoạn ghềnh thác rất nguy hiểm, mà trong chuyến đi đó, một bạn gái tên là Phạm Thúy Ngân bị sốt cao bất tỉnh làm cả lớp lo sốt vó.
Những năm du học trời Tây, không thể không nhắc đến những giáo sư Rumani ở Trường Đại học Tổng hợp Bucharest, trong đó có bà giáo Mariana Repetianu, người hướng dẫn Hồ Quang Lợi viết luận văn tốt nghiệp có tiêu đề "Phân giải tâm lý trong các tiểu thuyết của Stendal”- luận văn về nhà văn Pháp nổi tiếng, tác giả Đỏ và Đen bất hủ mà anh đã bảo vệ xuất sắc, đạt điểm 10 tuyệt đối.
Hồ Quang Lợi nhớ mãi hôm chuẩn bị rời Rumani về nước, anh được vợ chồng bà giáo sư M. Repetianu mời đến chơi và ăn tối. Hôm đó, bà giáo tự tay làm các món ăn dân tộc Rumani, còn anh thì làm món nem của Việt Nam. Lúc chia tay, bà giáo xúc động, lệ tràn my, tặng anh cuốn sách là công trình nghiên cứu của bà với dòng chữ: “Yêu quý tặng Hồ Quang Lợi, người sinh viên kiệt xuất của tôi”.
Dĩ nhiên, trên con đường học rất dài và học mọi nơi mọi lúc như anh, tôi nghĩ Hồ Quang Lợi sẽ còn kể không dứt câu chuyện về những người thầy dạy phổ thông, dạy đại học, dạy ngoại ngữ, dạy kiến thức quân sự, ngoại giao, dạy cao cấp lý luận, dạy nghề báo... Vì thế có thế bài báo của tôi sẽ kéo dài vô tận. Vì thế, tôi đã giành quyền chủ động để hỏi, để nhờ anh xác tín, người thầy đầu tiên trong nghề báo, có phải là Thiếu tướng Trần Công Mân, Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân hay không? Nghe thế, khuôn mặt anh ánh lên niềm vui rồi lặng buồn, thủ thỉ “ Đúng thế, Cụ mất lâu rồi chú ạ...”.
Cuộc hội thảo nhân 20 năm ngày mất của nhà báo,Thiếu tướng Trần Công Mân đã khẳng định rằng, nhà báo Trần Công Mân (20/10/1925 - 25/3/1998) không chỉ là một Tổng biên tập xuất sắc mà còn là một người thầy mẫu mực, một người lãnh đạo giàu lòng nhân ái. Trong ông luôn ẩn chứa một năng lực trí tuệ, một năng lực ứng phó bản lĩnh, một khả năng thuyết phục người khác.
Trong một bài báo của Hồ Quang Lợi viết về Trần Công Mân, có cảm tưởng tác giả không chỉ thể hiện tình cảm biết ơn chân thành sâu thẳm mà qua những con chữ chọn lọc một cách nghiêm cẩn, Hồ Quang Lợi đã vinh danh người thấy lớn với sự tôn kính của người học trò: “Trong quãng đời làm báo 40 năm của mình, càng thấu hiểu nghề cầm bút, thấm thía nỗi cực nhọc của nó, tôi càng cảm thấy may mắn khi được làm việc dưới quyền một tổng biên tập như tướng Trần Công Mân và gặp được một người thầy như ông. Các giải báo chí của thế hệ làm báo chúng tôi, trong đó có 9 giải báo chí toàn quốc và quốc gia về thể tài chính luận mà tôi vinh dự được nhận từ năm 1991 đến 2009 đều có công lao của Tổng biên tập Trần Công Mân, đều có bóng dáng của ông trong cách đặt vấn đề, trong những lập luận, trong bút pháp…”.
Anh bảo, đối với Tổng biên tập Trần Công Mân, anh học ông, nghề báo, tất nhiên rồi, nhưng học ông cả cách bền bỉ thu lượm kiến thức hàng ngày, ở phong thái sống nghiêm túc, nghĩa tình giữa thủ trưởng và cấp dưới như anh em, như cha con; học ông không phải học một ngày, mà học cả đời!
Người thầy ấy đã đi xa hơn 20 năm nhưng trong tiềm thức kính yêu, ngưỡng mộ, người học trò Hồ Quang Lợi đã trào dâng cảm xúc lên ngọn bút, viết nên những câu văn trác tuyệt, làm sống động hình ảnh thân thương của vị tướng, Tổng biên tập Trần Công Mân: “Tôi như vẫn thấy bóng ông khoan thai đi ngang qua đường Lý Nam Đế, mái tóc bạc như mây dưới tán lá xanh rì của những cây sấu già quen thuộc, như vẫn thấy dưới bóng đèn khuya, ngọn bút của ông lao đi gấp gáp như bay trên những trang bản thảo, đuổi bắt cho được những ý tưởng lóe sáng, như vẫn nghe giọng nói ấm áp, trầm lĩnh của ông trong những câu chuyện bình dị về cuộc đời, về nghề nghiệp. Như vẫn còn đây dáng ông nhẹ nhàng lên xuống cầu thang bằng gỗ đã mòn vẹt qua năm tháng, tay cầm tập bản thảo, vẻ mặt trầm tư như đang nghĩ ngợi điều gì...”.
Đọc những câu văn da diết, giàu chất điện ảnh như thế, chúng tôi mừng thay cho Hồ Quang Lợi, cho các thế hệ làm báo của báo Quân đội nhân dân đã sống, lớn lên nhờ một thời hoàng kim dưới dẫn dắt của Tổng biên tập, người thầy Trần Công Mân.
Tôi nghĩ Hồ Quang Lợi cũng có nhiều người thầy gần gũi, theo quan niệm đạo đức của anh. Có thể đó là những nhà văn hóa, các bậc trí thức uyên thâm, những nhà báo cao tuổi nổi tiếng không chỉ ở trong nước, những người lãnh đạo gợi cho anh ý tưởng và phong cách... Họ đức cao vọng trọng, cao tuổi hơn, nhưng coi anh là bạn, từng trao đổi, góp ý, trân quý từng tác phẩm báo chí của anh, quý mến, trân trọng tài năng, thấu cảm từng con chữ của anh.
Có thể kể đến Nhà văn hóa, Anh hùng lao động Vũ Khiêu, Nhà báo, Nhà văn hóa Phan Quang, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Nhà thơ Bằng Việt, Nhà báo, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Nhà sử học Dương Trung Quốc, Nhạc sỹ Hồng Đăng... Xin phép anh cho tôi cảm nhận như vậy để được làm một phép liệt kê rất cơ học, có lẽ còn thiếu nhiều người thầy khác nữa mà tôi không thể biết... Đó quả là niềm hạnh phúc hiếm có đối với một người suốt đời làm một nghề - cầm bút chiến đấu - như Hồ Quang Lợi, lại may mắn được “chơi” với những bậc trí giả đáng kính như thế. Có lần tôi hỏi Hồ Quang Lợi, có thể coi họ là bạn vong niên cũng được, anh chối nguây nguẩy: “Không, Không được chú ơi, đó thực sự là những người thầy của anh...”.
Nhưng nhà báo nổi tiếng Hồ Quang Lợi có những người thầy mà là ít người cơ hội có được. Kể ra đây hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên, đó là những Thầy viết hoa – những người trong tổ cày ở quê Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu cách đây trên 50 năm.
Bố mất sớm, anh trai xung phong đi bộ đội, hơn mười tuổi Hồ Quang Lợi đã phải đánh trâu đi cày để tính công điểm lấy lúa giúp mẹ nuôi cả nhà. Ai bảo đi cày là dễ, nhất là với một cậu bé đang tuổi ăn, tuổi lớn? Nghĩ lại câu chuyện một chú bé loắt choắt đang cố cầm vững chiếc cày đi sau con trâu điều khiển nó lật đất giữa thửa ruộng mênh mông, người viết bài này cũng khó cầm lòng.
Nếu không có tổ cày Quỳnh Đôi yêu thương dạy cho anh, đỡ một chiếu cày như thế nào cho vững, linh hoạt, nhấc cày lên, đặt cày xuống nông, sâu đến đâu là vừa để lật đất. Rồi như thế nào là một đường cày thẳng, không bị sót đất. Sau đó là đi bừa nữa, làm thế nào để bừa ít lần mà đất tơi nhanh, ngấu nước sớm... thì không hiểu Hồ Quang Lợi sẽ bươn chải như thế nào? Không ai dạy, biết đâu cậu học trò chỉ biết đứng bên bờ ruộng tủi thân mà khóc! Thế nhưng những người thầy trong tổ cày ấy đã dạy cho Lợi tất cả những thao tác đầu tiên, chăm chút, khích lệ, chỉ dẫn ân tình, thậm chí đi bên cạnh cậu học trò nhỏ để nắn những đường cày đầu tiên như các thầy cô giáo cấp 1 trường làng dạy anh cách cầm bút, tập viết, tập đọc, tập tính đếm vậy.
Thầy Hà dạy lớp vỡ lòng, cô Lạc dạy lớp 1, thầy Bảo dạy lớp hai, thấy Cầu dạy lớp 3, thầy Nghinh dạy lớp 4, đến giờ anh vẫn nhớ như in gương mặt từng người, dù ngót 6 thập kỷ đã trôi qua. Ánh mắt yêu thương, bao dung của họ đã nâng anh lớn lên, tin cậy ở chính mình. Và như thế, tổ cày ngày ấy không chỉ là ông, là bác, là chú, mà đích thị là những người thầy, những “lão nông tri điền” đã cho anh không chỉ chuyện ruộng đồng nhà nông mà cao hơn là lòng yêu thương; là lòng bao dung; là niềm tin ở con người; là câu chuyện học việc, rèn nghề; là lẽ sống ở làng quê và trong cả cuộc đời.
Thì ra một việc tưởng như dễ nhất là đi cày của người nông dân cũng phải cần học, được dạy một cách bài bản, làm thạo việc mới mong được tôn trọng. Bây giờ thì nhiều người trong tổ cày xóm Đồng, Quỳnh Đôi đã đi xa, còn lại cụ Hồ Sỹ Chung đã 95 tuổi, cụ Hồ Đức Vấn, nguyên chủ nhiệm hợp tác xã nay cũng đã ngoài 90 tuổi. Mỗi lần Hồ Quang Lợi về quê, thể nào cũng ghé thăm, gặp lại hai cụ vẫn vui cười nói chuyện râm ran cùng cậu học trò - tổ viên như ngày xưa vậy. Chao ôi, tôi nói với Hồ Quang Lợi, đó thực sự là niềm hạnh phúc lớn lao và hiếm có, là kỷ niệm “độc nhất vô nhị” như tài sản tinh thần vô giá.
Hồ Quang Lợi có những người bạn thân thiết từ thưở nhỏ và thủy chung như nhất đến bây giờ. Tôi biết có một người bạn học của anh thời phổ thông, sống ở Hà Nội, lúc sa cơ thì cá tính cũng khó chiều, sinh ra những khiếm khuyết trong cách sống. Có lần ông bạn đến chơi nhưng anh không có nhà, con gái anh bị một phen xanh mắt vì bị ông bạn của bố quát to, quát nhiều lần, sai bảo loạn xạ, cả nhà không hiểu chuyện gì chạy cuống lên. Sau rồi mới biết bác ấy yêu cầu “cho một tờ giấy và mượn cái bút để viết thư cho Lợi”.
Theo lời chị Đặng Phương Thảo, phu nhân Hồ Quang Lợi kể lại, bác ấy ngồi trịnh trọng nơi bàn viết của phòng khách, ngồi trầm ngâm rất lâu rồi mới hạ bút, con gái chị sợ sệt đứng nhìn thì bác ấy quát “ đừng đi đi lại lại, rối mắt, để bác tập trung”. Viết xong, người bạn ấy bỏ thư vào phong bì rồi chào tạm biệt ra về. Hồ Quang Lợi đi làm về mở thư đọc thấy có mấy chữ: “Tôi đến chơi, nhưng Lợi đi vắng”, anh cười vui lắm, thương bạn, hiểu ý bạn! Anh vẫn chiều bạn, chiều đến mức, mỗi lần đến nhà anh, thì người bạn ấy vẫn luôn được chào đón ấm áp, thân thương!
Một người bạn khác là người viết văn, thường có những phát ngôn khá cực đoan. Nhưng với Hồ Quang Lợi, anh chỉ tâm sự nhẹ nhàng, không đao to búa lớn. Có thể nói, những khiếm khuyết của những người bạn, anh ân tình cư xử, không bao giờ gây tổn thương ai. Anh còn có nhiều bạn quý mến khác, cả trong và ngoài nước từng gắn bó, sẻ chia trong nghề nghiệp và cuộc sống thường nhật. Họ có nhiều tác động nhân văn đến con đường làm báo của anh. Nhưng do khuôn khổ của bài viết, tôi xin hầu chuyện bạn đọc vào một dịp khác...
Tôi muốn nói tới một người bạn đặc biệt của Hồ Quang Lợi, người bạn đời, phu nhân của anh, Đại tá Quân đội nhân dân Đặng Thị Phương Thảo. Chị sinh ra lớn lên ở Hà Nội, từng du học ở nước cộng hòa Ucraina (1974-1979) thuộc Liên Xô trước đây! Một lần, mới chân ướt chân ráo từ Hà Nội sang nhập học ở Kharkov, chị “thơm lây” vì được hội sinh viên xứ Nghệ ở đang học ở nước cộng hòa này cử sinh viên lớp trên đón các sinh viên mới coong từ trong nước sang. Vì cùng đoàn nên chị Thảo được các anh chị lớp trên hỗ trợ từ xách hộ vali đến mua vé, đưa về tận ký túc xá.
Trong quá trình học ở đây, các anh chị hội xứ Nghệ ở Ucraina, ở một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô thường đến trường thăm nhau và tạo điều kiện giúp đỡ mấy chị em, Phương Thảo cũng được mời tham gia hội này, vì thế như một lẽ tự nhiên, cô nữ sinh ở Hà Nội trở nên thân thiết với nhóm sinh viên xứ Nghệ, trong đó có những bạn cùng học lớp chuyên Văn với Hồ Quang Lợi, nên trong câu chuyện họ thường nhắc tới anh với những kỷ niệm, ấn tượng đẹp. Chị Thảo cũng chỉ biết vậy, vì lúc này Hồ Quang Lợi đang du học ở Rumani.
Thế nhưng, năm 1979 tốt nghiệp về nước, cả Đặng Thị Phương Thảo, Hồ Quang Lợi cùng được điều động vào quân đội, được biên chế vào cùng một đại đội huấn luyện. Cứ như nhân duyên, một lần, nhóm tân binh học ở nước ngoài về được phân công đi thực tế ở tỉnh Ninh Bình giúp dân, có lẽ cốt để “quân sự hóa” số anh em sinh viên “tiểu tư sản” từ “miền bơ sữa” trở về. Cả nhóm mang đàn ghi ta đi, ngoài giờ lao động thì sinh hoạt văn nghệ vui vẻ.
Một bữa, cả nhóm được phân công xuống đồng nhổ mạ, cấy lúa giúp dân. Nhóm Hồ Quang Lợi được phân công nhổ mạ, nhóm Đặng Thị Phương Thảo được phân công cấy lúa. Dĩ nhiên, con gái Hà Nội thì đã cấy lúa lúc nào đâu, Thảo và mấy chị em cứ lóng ngóng. Thấy thế, Hồ Quang Lợi bảo “mấy chị em đồng ý đổi công không, tớ sang cấy cho?”.
Ai cũng nghĩ là Hồ Quang Lợi nói đùa, chứ bộ dạng sinh viên từ Rumani về thì cấy hái cái gì. Nhưng không ngờ, Hồ Quang Lợi chủ động sang đổi công thật. Anh xắn quần, lội sang ruộng cấy, quơ vội một loạt bó mạ để sẵn sau lưng và bắt đầu cấy. Anh vừa cấy vừa lùi, tay này ra mạ, tay kia cấy thoăn thoắt - những động tác rất thuần nông, hàng họ thì thẳng đều tăm tắp. Mọi người trố mắt ngạc nhiên, reo ầm lên hoan hô nhiệt liệt. Mấy bà nông dân ruộng bên cũng ngó sang xem. Riêng Phương Thảo thì thấy ngỡ ngàng và nhớ lại câu chuyện bạn bè thường nhắc tới anh ở Ucraina...
Sau đó, trong nhiều chuyến đi thực tế, trong quan hệ công tác, giữa hai người cơ duyên cứ lớn dần, tình cảm cũng lên men và rồi “tình yêu đến trong đời không báo động”. Ngày anh chị chuẩn bị làm lễ cưới, có một câu chuyện vui mà mỗi lần nhớ lại, chị Phương Thảo kể vui, cười chảy nước mắt kỷ niệm có một không hai.
Số là đầu năm 1981, ngày hẹn nhà gái, Gia đình Hồ Quang Lợi từ Quỳnh Đôi ra đặt lễ dạm ngõ kết hợp cùng ăn hỏi. Anh trai, cựu chiến binh Hồ Quang Thắng cùng mẹ Hồ Thị Niềm đi tàu từ ga Cầu Giát ra Hà Nội mang theo 2 con gà. Chẳng may, tàu chợ chật như nêm, một con gà bị đè chết. Không thể kiếm thêm một con để bù ngay vào, hai mẹ con đành mang con gà còn lại cùng mấy cân gạo nếp đến nhà bố mẹ chị Thảo thưa chuyện.
Trong câu chuyện mở đầu, anh Hồ Quang Thắng cũng nói thật sự tình. Nghe chuyện, bố mẹ chị Thảo vốn người Hà Nội, nhưng cả ông bà đều là sỹ quan quân đội nên rất thấu hiểu cuộc sống thời bao cấp lúc bấy giờ và nét văn hóa từng vùng miền, chỉ cười vui: “Không sao, không sao, một con cũng như hai con”...
Hồ Quang Lợi và Đặng Phương Thảo nên vợ nên chồng ngày đầu tiên cũng giàu chất lính và giản dị tình người như vậy. Chị không chỉ là vợ mà còn là một đồng đội, một người bạn, một cộng sự đắc lực, nhất là những năm chị làm Trưởng phòng Bạn đọc Thư viện quân đội, đã giúp anh rất nhiều trong việc sưu tầm, tập hợp các bài viết của anh trên hàng chục tờ báo trong Nam, ngoài Bắc, đọc bản thảo, tham gia rất hiệu quả các lần in sách, ra mắt sách của anh. Hai người con ngoan của anh chị cũng theo nghề làm báo của bố.
Sống bên người chồng nổi tiếng với từng ấy bài báo, từng ấy cuốn sách, từng ấy vinh quang, với vô vàn quan hệ chằng chịt anh em, bạn hữu, quan khách, chị Phương Thảo dường như vẫn giữ được phong thái riêng, không bị che khuất bởi ánh hào quang của chồng. Là người Hà Nội làm con dâu xứ Nghệ, lại từng du học ở nước ngoài, hiểu nhiều nền văn hóa, chị Thảo gắn bó ruột thịt, tự nhiên với mẹ chồng và anh em bên nội, với dòng tộc họ Hồ Quỳnh Đôi, được mọi người yêu mến, quý trọng.
Tôi từng chứng kiến cảnh chị Thảo về quê chồng ở Quỳnh Đôi, chị thân thuộc từng góc nhà, việc nhà, thân quen với từng xóm giềng của nhà chồng, như đứa con họ Hồ về thăm quê vậy. Còn với anh, tôi cảm nhận rõ trong tiếp xúc nhiều năm, thấy anh Lợi cư xử với chị Thảo như một người bạn thân thiết. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, hẳn trong ngôi nhà ở phố nhà binh Lý Nam Đế, để có những thành công trong sự nghiệp của vợ chồng và con cái, hẳn anh chị từng phải vượt qua rất nhiều những khúc khủy đường đời, trên con đường có cây xanh và bão tố, để giữ ngôi nhà ấy bình yên, xây dựng và giữ gìn hạnh phúc.
Lời kết
Năm 1991, vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, theo gợi ý của Tổng biên tập báo Người Hà Nội cần viết về một nhà báo giỏi nghề để đăng ngày truyền thống, tôi đã nghĩ và chọn viết về nhà báo Hồ Quang Lợi vừa được trao Giải báo chí toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức ở nước ta. Trong bài báo đấy, phần cuối bài, tôi nói lên suy nghĩ rằng, Hồ Quang Lợi là một nhà báo có bản lĩnh chính trị kiên định, giỏi nghề, sành ngoại ngữ để giao lưu, hợp tác với các đồng nghiệp quốc tế, có lẽ là Hội nhà báo Việt Nam cần đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo Việt Nam theo hướng đó.
Lúc viết bài báo này, tôi đang công tác ở Cục bảo vệ an ninh văn hóa - tư tưởng của Bộ Công an, chưa chính thức làm báo. Lúc đó tôi cũng chưa hiểu biết nhiều về anh, thậm chí chỉ gặp thoáng qua nên chưa được gần gũi, tâm sự. Sau này được biết, bài báo của tôi phát hành đúng dịp một người chị của anh ra Hà Nội, được đọc bài báo viết về em mình thì rất phấn khởi, tự hào về cậu em. Khi chị về quê, anh Lợi mua thêm một số tờ báo Người Hà Nội nhờ chị biếu mẹ và anh em họ Hồ Quỳnh Đôi. Nghe chuyện tôi cũng thấy vui về bài báo đầu tiên viết về anh.
Nay vừa tròn 30 năm, tôi lại có cơ hội viết bài về Hồ Quang Lợi. Bây giờ thì do độ lùi về thời gian, theo nhìn nhận của tôi, Hồ Quang Lợi đã trưởng thành rất nhanh, trưởng thành liên tục. Anh đảm đương các chức vụ Phó Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, Tổng biên tập báo Hà Nội mới, Chủ tịch Hội nhà báo Hà Nội, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội và bây giờ là Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, từng giữ chức Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN, hiện là Uỷ viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực do đích thân Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng...
Nhưng điều tôi tâm đắc muốn nói tới sự trưởng thành của Hồ Quang Lợi chính là những đóng góp của anh vào sự phát triển của báo chí cách mạng và văn hóa.
Có thể nói, suốt cuộc đời Hồ Quang Lợi chỉ làm một nghề, đó là nghề báo (anh có gần 6 năm làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhưng mạch báo chí của anh không bị đứt quãng).
Học chuyên Văn, du học Đông Âu, được phân công vào quân đội, dường như nghề báo đã chọn anh một cách ngẫu nhiên. Và rồi anh thủy chung với nó bằng sự tận hiến và dường như vắt kiệt sức cho từng trang viết. Tôi nghĩ, số phận từng con chữ, từng bài báo của anh, từng công trình nghiên cứu của anh sẽ sống lâu hơn cuộc đời anh. Trong hành trình sáng tạo cá nhân ấy, trước trang giấy và bàn phím, Hồ Quang Lợi huy động bản lĩnh chính trị, giá trị truyền thống, văn hóa Việt Nam (trong đó có làng văn hóa Quỳnh Đôi), tinh hoa tri thức nhân loại và tài năng riêng có của mình để tạo nên tác phẩm.
Anh yêu Đảng, tuyệt đối trung thành với Đảng trên nền của những hiểu biết sâu rộng, thấm nhuần từ lịch sử truyền thống, từ văn hóa Việt Nam và thế giới...Và với bản tính thẳng thắn, bộc trực, chân thành của người Nghệ hòa quyện với sự nền nã, lịch thiệp của vùng đất Hà Nội đang sống, Hồ Quang Lợi đã đấu tranh một cách không khoan nhượng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách văn hóa, thuyết phục cả trên các mặt trận báo chí, văn chương và ngoài đời.
Với sự nghiệp riêng, anh đi bằng đôi chân của mình, không cậy nhờ, tranh thủ người thân quen cất nhắc dẫu không phải là không có cơ hội, nhưng bản tính tôi luyện, truyền thống quê hương, bản lĩnh trí thức, nhân cách cá nhân không cho phép anh làm thế.
Nhà báo, nhà văn hoá Phan Quang, trong bài giới thiệu cuốn sách “Việt Nam trên ngọng sóng thời cuộc” của Hồ Quang Lợi, đã viết: “Hồ Quang Lợi nổi bật với nhiều tác phẩm xuất sắc về bình luận quốc tế, có lẽ vì vậy chưa nhiều người có dịp đọc anh đầy đủ. Thật không hổ danh người con làng Quỳnh Đôi, quê hương nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Bà chúa Thơ nôm, cùng nhiều danh nhân trên nhiều lĩnh vực, Hồ Quang Lợi đã thể hiện rõ phong thái của mình qua các thể loại bình luận, xã luận, chuyên luận, bút ký chính luận, tuỳ bút và cả những khi trả lời phỏng vấn, đối thoại về các chủ đề nội địa... Đề cập các bước ngoặt trong quan hệ đối ngoại của đất nước cần sự năng cảm của những người hoạch định và điều hành chính sách quốc gia, hay các vấn đề thời sự có “yếu tố nước ngoài” như việc Hạ viện Mỹ sai trái thông qua dự luật “nhân quyền ở Việt Nam”, mưu đồ “diễn biến hoà bình”, “chiến lược chuyển hoá”, hay việc một số phần tử trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề tôn giáo gây chuyện rắc rối, Hồ Quang Lợi luôn giữ được hơi văn đanh và sắc, có lý có tình.
Khi bàn về các sự kiện lịch sử như Ngàn năm Thăng Long Hà Nội, phát huy cốt lõi văn hoá cội nguồn, cách diễn tả của anh súc tích, có chiều sâu, chỉn chu, cuốn hút, tạo được sự đồng cảm...Những gì anh viết ra gần đây mềm mại, đa chiều, lấp lánh chất văn - có thể hiểu là ít nhiều tuỳ thuộc cương vị công tác mới của tác giả. Sự kiên cường, quyết liệt, hiếu học, bền chí - những đức tính vốn có của người xứ Nghệ đã được bồi đắp thêm, hoà quyện cùng chất hào hoa, lịch lãm, tinh tế của sỹ phu Thăng Long, với tâm hồn Hà Nội từ tình yêu máu thịt.”
Hơn 40 năm làm báo, anh đã cống hiến, xuất bản hàng ngàn tác phẩm báo chí, hàng chục cuốn sách như nhũng công trình nghiên cứu văn hóa đồ sộ. Có thể kể đến: “Cuộc bứt phá toàn cầu”, “Ẩn số thời cuộc”, “Xung chấn kỷ nguyên đột biến”, “ Những chân trời cuộn sóng”, “Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc”, “Hà Nội – cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại”, “Thế sự và mắt nhìn”, “Nước Nga- Hành trình tới tương lai”, “Thời cuộc và văn hóa”... Tôi gọi đây là những công trình nghiên cứu văn hóa tầm vóc và hiện đại. Và tôi cũng muốn mượn lời Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đánh giá “Hồ Quang Lợi là nhà báo, nhà văn, nhà chính trị vững vàng, nhà văn hóa uyên bác” để từ nay, ngoài danh từ Nhà báo Hồ Quang Lợi, chúng ta có đủ thẩm quyền để gọi “Nhà văn hóa Hồ Quang Lợi”.
>>> Hồ Quang Lợi - Con đường Báo chí, con đường Văn hóa: Nảy mầm xanh trên tuổi thơ cơ cực
>>> Hồ Quang Lợi - Con đường báo chí, con đường văn hóa: Tích tụ và lan tỏa
N.H.T
Hà Nội tháng 8/2021