Hiếm có nước nào trên thế giới có được truyền thống chống ngoại xâm vẻ vang như dân tộc Việt Nam. Từ thời Hai Bà Trưng dựng cờ: “Lĩnh non riêng một triều đình” giành độc lập đầu công nguyên (năm 40-43), đến nay đã trải qua 13 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Hiển hách nhất là vào thời đại Hồ Chí Minh. Trước ách đô hộ của thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cho rằng không thể đánh đuổi chúng bằng cách “đuổi hổ cửa trước, rước báo vào cửa sau”, mà cần phải bằng một con đường khác.
Người đã đi khắp năm châu, lĩnh hội chủ nghĩa Mác-Lênin để rồi vận dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam vạch ra lộ trình cách mạng: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thuộc địa cách mạng để đi lên xã hội cộng sản”.
Với ý chí: “Dù hi sinh tất cả nhưng nhất định không để mất nước, không chịu làm nô lệ”. Cách mạng Việt Nam từ một nước thuộc địa lạc hậu, giành được độc lập, thoát khỏi ách thực dân, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân tiến lên CNXH là một sáng tạo chưa từng có trong tiền lệ lịch sử loài người; đóng góp về lý luận và thực tiễn vào kho tàng chủ nghĩa Mác-Lênnin và kinh nghiệm quý báu cho các dân tộc cùng hoàn cảnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội thiếu sinh quân đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại chiến khu Việt Bắc (19-5-1950). Ảnh: TTXVN |
Tư duy Hồ Chí Minh cách mạng là đổi mới, Người nói: “Khi tình thế đổi mới, ta đủ gan góc, đủ tinh thần phụ trách để quyết định phương thức chính trị mới, thay đổi cách thức công tác và đấu tranh”.
Một thế giới ngày càng đổi mới, xã hội ngày càng phát triển thì “hành động, năng lực, sáng kiến của ta cũng phải thay đổi cho kịp”.
Với Việt Nam hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, gần trăm năm thuộc địa, với nền công nghiệp lạc hậu, trình độ khoa học kỹ thuật thấp kém, xã hội tiêu điều, đói khổ đi lên bằng cách nào để nước nhà độc lập, để ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành… quả là một cuộc chiến đấu không kém gì với đánh giặc.
Người chỉ ra rằng: “Cuộc cách mạng XHCN là cuộc cách mạng biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa hề có trong lịch sử dân tộc ta”…
Vận dụng Cách mạng Tháng Mười nhưng Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam đi lên CNXH không giống như ở Nga, Việt Nam vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, vừa bước vào thời kỳ quá độ xây dựng CNXH.
Trong hoàn cảnh đó Hồ Chí Minh cho rằng cần phải có nội dung, cách làm và biện pháp xây dựng XHCN phù hợp với hoàn cảnh của nước ta.
Nghiên cứu Di sản Hồ Chí Minh về CNXH thấy rõ đặc trưng, mục tiêu, động lực của CNXH khoa học vẫn theo học thuyết Mác-Lênin nhưng rất Việt Nam, xây dựng CNXH gắn với bản sắc và đặc điểm Việt Nam.
Đó là CNXH đi liền với độc lập dân tộc, là do dân, vì dân, là “mở ra một chân trời cho phát triển vô hạn của dân tộc, xã hội và con người”. Đó chính là mục tiêu tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng với cường quốc năm châu.
Tư duy mang tầm thời đại của Hồ Chí Minh ở chỗ khi tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, Người cho rằng: “Việt Nam không làm cách mạng vô sản mà làm cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản”.
Đảng cộng sản ở Việt Nam không chỉ kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân mà còn là “Đảng của giai cấp công nhân của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”. Đây là điều rất mới về xác định tính chất của Đảng, là cống hiến về lý luận xây dựng Đảng cộng sản mang giá trị thời đại.
Cùng với việc tập trung tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Hồ Chí Minh đã nêu ra cách làm cần thiết để thức tỉnh các dân tộc thuộc địa đang chìm đắm trong sự áp bức, bóc lột đứng lên tranh đấu.
Người nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc gắn với quyền con người và mở rộng, nâng cao quyền con người thành quyền của các dân tộc, đây là điểm mới mẻ.
Chỉ có Hồ Chí Minh với tư duy thời đại mới nhận ra vẫn có điểm chung mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với chủ nghĩa Tôn Dật Tiên, Khổng Tử giáo, Thiên chúa giáo và Phật giáo.
Chính tư duy đó mà Hồ Chí Minh đã tạo ra cơ hội để gắn kết các dân tộc, sợi dây nối liền, xóa bỏ rào cản của các nền văn hóa khác nhau liên quan đến chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo và thể chế chính trị.
Dân tộc Việt Nam tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Truyền thống dân tộc và giá trị thời đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ triết lý nhân văn, bởi vậy mà UNESCO đã vinh danh Hồ Chí Minh là Nhà văn hóa kiệt xuất.
Khi Hồ Chí Minh nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đó là khẳng định khát vọng về những giá trị chung không chỉ của dân tộc Việt Nam mà là của toàn cầu, của nhân loại, theo tinh thần: “Năm châu, bốn biển đều là anh em”, là tình hữu nghị, hữu ái giữa nhân dân các nước, là thái độ và tấm lòng vị tha, nhân văn, nhân đạo cao cả.
Người đã kết tinh được phẩm giá của nhân loại tiến bộ, tỏa sáng giá trị nhân văn trường tồn mang tầm thời đại, như Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Robert Chenđra đã đánh giá: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do ở đó có Hồ Chí Minh, bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý ở đó có Hồ Chí Minh, bất cứ ở đâu chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, lạc hậu ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.
Dân tộc Việt Nam tự hào về Hồ Chí Minh con người của thời đại, người con của dân tộc, Bác Hồ của chúng ta; Người tiêu biểu cho những giá trị của nhân loại và thời đại là: Hòa bình, hợp tác, độc lập dân tộc, tự do, bình đẳng và tiến bộ, Người sống mãi với non sông đất nước, trường tồn với lịch sử nhân loại.