Xứng danh phù thủy
Đến Việt Nam từ cuối năm 2017, HLV Park Hang Seo đưa người Việt Nam đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sau mỗi giải đấu và thứ hạng lịch sử, người ta luôn đặt câu hỏi đâu là điểm dừng của chiến lược người Hàn.
Thậm chí, vào những thời khắc khó khăn, nhiều người còn đặt ra vấn đề, phải chăng ông Park đã hết bài!? Thế nhưng, một lần nữa ông Park ghi dấu ấn đậm nét trong trận chung kết SEA Games 30 khi giúp U22 Việt Nam đè bẹp U22 Indonesia với tỉ số 3-0 để giải cơn khát vàng đeo đẳng, đè nặng kéo dài hơn nửa thế kỷ.
Chiến thuật sở trường của ông là phòng ngự chặt, phản công nhanh với sơ đồ 3-4-3 dựa nhiều vào sức mạnh ở hai cánh. Chiến thuật này giúp tuyển Việt Nam không còn choáng ngợp trước các đối thủ mạnh ở tầm châu lục, từ cấp độ U23 cho đến tuyển quốc gia.
Cái hay nằm ở chỗ ông tạo ra sự cân bằng cần thiết cho đội bóng. Nếu gặp đội mạnh hơn, tuyển Việt Nam chơi phòng ngự cực kỳ khó chịu, nhưng chúng ta cũng có thể chơi tấn công áp đảo khi gặp đối thủ yếu hơn với cùng một hệ thống. Đây là điều mà rất nhiều HLV nổi tiếng trên thế giới không làm được.
Đẳng cấp của HLV người Hàn Quốc là giúp đội bóng thực hiện những mảng miếng đơn giản một cách nhuần nhuyễn nhất. Trong đó, đáng kể nhất tất nhiên là các pha phối hợp trong các tình huống cố định. Ngay trong trận chung kết với U22
Ông thầy người Hàn Quốc sẵn sàng đương đầu với HLV đối thủ, trọng tài để bảo vệ học trò |
Indonesia, U22 Việt Nam đã có hai bàn thắng quan trọng (một khai thông bế tắc - một kết liễu đối thủ) bắt nguồn từ các quả đá phạt ở hai biên. Đến thời điểm này, các đối thủ của U22 Việt Nam hay tuyển Việt Nam có lẽ chẳng lạ gì chiến thuật của HLV Park Hang Seo, nhưng họ lại không cách nào hóa giải.
Tất nhiên, chỉ việc tập trung vào các miếng đánh sở trường là không đủ giúp HLV người Hàn Quốc trở nên “bá đạo” đến vậy, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á.
Một điểm hay khác cho thấy bộ óc thiên tài của thầy Park là khả năng sắp xếp, điều chỉnh nhân sự hợp lý. SEA Games 30 với lịch thi đấu dày đặc là nơi tuyệt vời cho HLV Park Hang Seo chứng minh điều này, và ông thực sự đã làm được.
Ở trận đấu với U22 Thái Lan, HLV Park Hang Seo tung Đức Chinh vào thay Tấn Tài ngay ở phút 18, thời điểm U22 Việt Nam vừa rút ngắn tỉ số xuống 1-2 và về lý không cần tăng cường hàng công quá vội. Sự thay đổi này cho thấy HLV Park Hang Seo không chỉ đọc trận đấu tốt mà còn là người dám nhận sai, sửa sai.
Việc sử dụng Tấn Tài ở cánh phải, đẩy Trọng Hoàng lên hàng công khiến U22 Việt Nam lúng túng trước người Thái và thủng liền 2 quả trong 12 phút đầu tiên. Chỉ bằng một sự thay đổi, thầy Park đã đưa mọi chuyện trở lại tầm kiểm soát.
Đến trận bán kết với U22 Campuchia, HLV Park Hang Seo lại gây bất ngờ khi xếp Đức Chinh và Tiến Linh cùng ra sân ngay từ đầu. Không những vậy, ông còn đẩy Đức Chinh ra cánh. Cầu thủ của Đà Nẵng thường bị chỉ trích vụng về, chuyền kém bỗng lột xác. Ngoài các pha càn lướt quen thuộc, anh còn nhiều đường tạt nguy hiểm, trong đó có pha kiến tạo cho Tiến Linh mở tỉ số.
Nhưng tất cả vẫn chưa hay bằng cách HLV Park Hang Seo sử dụng Văn Hậu, đặc biệt ở trận chung kết. Ít ai ngờ thầy Park sẽ hy sinh khả năng tấn công vượt trội của Văn Hậu để kéo anh vào đá trung vệ suốt cả giải. Và càng ít người ngờ ông cho phép trung vệ này dâng cao trước U22 Indonesia.
Để thấy rõ điều này, bạn cần phải tự hỏi tại sao Tấn Tài lại được đá chính ở chung kết thay vì Thanh Thịnh. Trong khi Thanh Thịnh là hậu vệ cánh đơn thuần, thì Tấn Tài lại là mẫu cầu thủ đa năng có thể đá mọi vị trí ở hàng thủ. Tấn Tài tấn công không quá hay, nhưng phòng ngự rất chắc. Khi Văn Hậu lao lên phía trước, số 4 luôn ở trạng thái sẵn sàng bọc lót.
Nhờ vậy, ngôi sao đang chơi bóng ở Hà Lan phát huy hết sức mạnh và sự tinh quái. Ngoài các tình huống đeo bám quyết liệt (ví dụ như pha phạm lỗi khiến Evan Dimas phải rời sân), Văn Hậu còn nhiều lần băng lên giữa sân để châm ngòi cho đợt tấn công của U22 Việt Nam.
2 bàn thắng của Văn Hậu, mở tỷ số là đòn giáng mạnh vào sự hưng phấn của U22 Indonesia đầu trận và bàn nâng tỷ số 3-0 chính thức kết liễu số phận của đội bóng trẻ xứ Vạn đảo trong trận chung kết.
“Dụng nhân như dụng mộc”
Đoàn thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games 30 với tổng cộng 286 tấm huy chương, trong đó có 98 HCV. Mọi chiến thắng đều có ý nghĩa, nhưng để chọn ra ánh vàng ý nghĩa nhất, đó sẽ là màn lên ngôi của đội U22 Việt Nam.
Nói rõ hơn, nếu như những chiến thắng ở các bộ môn như Điền kinh, các môn Võ, Bơi, hay kể cả Bóng đá nữ... là sự khẳng định vị thế, sự thống trị của thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực thì với bóng đá nam, màu vàng của tấm huy chương kết thúc nỗi khắc khoải.
Một sự chờ đợi, một nỗi đau, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh khi đã có đến 5 lần vào chung kết mà chỉ trở về với duy nhất một màu bạc của tấm huy chương. Nói theo cách của giới chuyên môn, bóng đá Việt Nam ở SEA Games là “kẻ về nhì vĩ đại”. Biệt danh ám ảnh biết bao thế hệ cầu thủ, bao đời HLV...
Nhưng, trong những ngày cuối năm 2019, điều đó đã không còn nữa. Màu bạc đã được chuyển thành màu vàng, bởi đôi chân, bàn tay và khối óc của chính mình. Tấm huy chương chỉ đến sau khi đội chiến thắng đi qua hành trình dài nhất (bóng đá nam nằm trong số các môn khởi tranh sớm nhất và kết thúc muộn nhất). Trên hành trình đó, tất cả đều thấy được những tính toán cực kỳ chi tiết và hợp lý của HLV Park Hang Seo và các cộng sự.
Ngay từ đầu là những khó khăn về nhân sự (chỉ được đăng ký 20 cầu thủ) cho đến điều kiện sân bãi (sân cỏ nhân tạo) và lịch thi đấu (trung bình 2 ngày/trận). Có thể, đó là khó khăn chung của các đội bóng tham dự, nhưng vấn đề tạo ra sự khác biệt chính là ông Park.
Chiến lược gia 60 tuổi đến từ Hàn Quốc nhưng sẽ không quá nếu cho rằng, ông đã tự biến mình thành một người Việt Nam để sống với cảm xúc cũng như sự khắc khoải của bóng đá Việt Nam. Để từ đó, ông biết phải làm những gì cần thiết.
Bắt đầu từ việc chọn Trọng Hoàng và Hùng Dũng cho 2 suất quá tuổi cùng lời giải thích ngắn gọn là “vì sự đa năng của họ”, thầy Park đã giải quyết được cùng lúc nhiều bài toán khó khăn trên.
Thực tế chứng minh điều đó đúng đắn thế nào, khi 2 nhân tố này đã có đóng góp - hay nói chính xác là “gánh vác trọng trách”, dìu dắt lứa đàn em vượt qua mọi kiểu khó khăn của từng trận đấu.
Không chỉ là việc tả xung hữu đột trên khắp mặt sân mà là kinh nghiệm, bản lĩnh khi đối mặt với từng tình huống. Rõ ràng, sự điềm đạm của họ trong các đường bóng đã trấn an các đồng đội trẻ trong bối cảnh bị đối thủ dẫn trước hoặc bị rơi vào sức ép ghê gớm.
Trong thất bại của những kỳ SEA Games trước đây, bóng đá Việt Nam luôn phải trả giá bằng những sai lầm. SEA Games 30, sai lầm vẫn xuất hiện, nhưng điều mà HLV Park Hang Seo làm được là không để cho những sai sót đó làm suy sụp cá nhân và kéo theo sự sụp đổ của một tập thể.
Không ai bị bỏ rơi cả. Không ai phải nhận lời chỉ trích nào cả. Tất cả luôn là sự bảo vệ, che chắn mà có lẽ đã được chuyển thành ý chí, sức mạnh trên sân để thực hiện “khẩu quyết”: “Sai lầm cần được sửa chữa bởi cả tập thể chứ không phải tìm ra người chịu trách nhiệm”. “Người chịu trách nhiệm lớn nhất và duy nhất là HLV”, ông Park nói vậy.
Ngay sau trận chung kết SEA Games 30, ông Park nhanh chóng đến bên học trò đang dưỡng thương Quang Hải |
Sống trong một tập thể có người thầy như thế, những người đàn anh như thế, dễ hiểu vì sao các nhân tố như Hoàng Đức, Đức Chinh, Tiến Linh lại chơi bùng nổ, những Thành Chung, Tấn Sinh, Việt Hưng, Đức Chiến lại lì lợm đến thế và bất cứ ai vào sân cũng đều phát huy được hết những gì mình có.
Cộng thêm những nhân tố còn rất trẻ nhưng đã là trụ cột ở ĐTQG như Văn Hậu, Quang Hải, tất cả là sự tự tin của từng cá nhân tạo thành một tổng hòa khó có thể bị phá vỡ. Bản lĩnh của các cầu thủ trẻ Việt Nam thực sự đáng nể sau khi đã chinh chiến trên nhiều mặt trận. Và họ, cùng HLV Park Hang Seo cũng như BHL đã trở thành những chất liệu tuyệt vời cho màu vàng tuyệt đẹp của tấm huy chương.
Hành trình của các đội tuyển Việt Nam dưới bàn tay của HLV Park Hang Seo trong hơn hai năm qua thành công ngoài sức tưởng tượng. Truyền thông Hàn Quốc kinh ngạc thừa nhận rằng đã có những quan điểm sai lầm cho rằng ông Park đã hết thời. Truyền thông Việt Nam chuyển từ sự hồ nghi ban đầu tới việc tin rằng ông Park chính là nhân tố quyết định nhất đưa bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử.
Như thế, ông Park đương nhiên trở thành HLV xuất sắc nhất lịch sử nền bóng đá Việt Nam.