Số phận trái ngược
Sự thất thế của HLV Chung Hae-seong khiến người ta dễ rơi vào trạng thái so sánh với ông Park Hang Seo, chiến lược gia người Hàn khác đang thành công rực rỡ ở Việt Nam. Tấm ảnh HLV Park Hang Seo và ông Chung khi còn là trợ lý của Guus Hiddink ở đội tuyển Hàn Quốc được "xới lại". Trong bức ảnh về những nhân vật lịch sử của bóng đá Hàn Quốc tại World Cup 2002, trợ lý Park miệng cười tươi và giơ ngón tay cái ra dấu "Number One", trong khi ông Chung thần thái thoải mái, hai tay chống nạnh. 15 năm sau chiến tích tầm thế giới trên sân nhà, ông Park và ông Chung cùng có mặt tại Việt Nam. Nhưng giờ đây, một người ở đỉnh cao, một người dưới vực sâu trong sự ngậm ngùi.
Truyền thông xứ sở kim chi đánh giá ông Chung là "một trong những nhà cầm quân tài năng nhất Hàn Quốc". Cựu thuyền trưởng CLB TPHCM có 4 năm dẫn dắt Jeju United ở K.League Classic, 2 lần giành hạng Nhì cúp quốc gia Hàn Quốc, từng thay chính ông Park để làm dẫn dắt Jeonnam Dragons FC. Bên cạnh kinh nghiệm gần 30 năm huấn luyện tại các CLB trong nước, cũng như từng là trợ lý HLV ĐT Hàn Quốc tại World Cup 2002 (lọt vào bán kết) và 2010 (lọt vào vòng 1/8), ông Chung còn có thời gian đảm nhận vị trí Giám đốc đối ngoại của Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc. Trong khi đó, ngay trên mảnh đất quê hương, ông Park liên tục bị các đội bóng sa thải, thường xuyên rơi vào thất nghiệp trước khi được bầu Đức đưa đến Việt Nam.
Tân HLV TPHCM là ông Ailton dos Santos Silva. Nhà cầm quân người Brazil 53 tuổi sang Thái Lan thử sức vào năm 2019 trên cương vị HLV của Chiangrai United. Ngay lập tức, ông đã gây bất ngờ khi giúp Chiangrai United lần đầu tiên trong lịch sử giành chức VĐQG Thái Lan (Thai League). Có thể coi đây là kỳ tích bởi trước đó, Thai League đã có 10 mùa giải liên tiếp bị thống trị bởi 2 ông lớn là Buriram United và Muangthong United.
Thế rồi số phận 2 ông thầy người Hàn đảo ngược khi đến với bóng đá trên mảnh đất hình chữ S. 3 năm sau ngày đặt chân đến Việt Nam, HLV Park Hang Seo vẫn đang ngạo nghễ đứng trên vị thế của người hùng. Ông đưa bóng đá Việt Nam giành nhiều chiến tích như Á quân U23 châu Á 2018, vô địch AFF Cup 2018, tứ kết Asian Cup 2019, HCV SEA Games 2019… Trong khi đó, ông Chung long đong, lận đận từ HAGL cho đến TP HCM. Thành tích nổi bật của ông chỉ là vị trí á quân V-League 2019 cùng TPHCM và để rồi bây giờ, chiến lược gia tài năng người Hàn khép lại cuộc phiêu lưu trong sự thất vọng cùng cực.
Thành bại luận anh hùng! Người thắng nói gì cũng… đúng! Park Hang Seo và Chung Hae-seong có lẽ hơn kém nhau ở một chữ duyên. Nếu ông Chung nổi tiếng hơn ông Park ở xứ sở kim chi, thì khi đến Việt Nam là điều ngược lại. HLV Park Hang Seo đến vào thời điểm bóng đá Việt Nam sa sút trầm trọng về mọi mặt. Không có nhiều sự kỳ vọng dành cho chiến lược gia người Hàn. Những yếu tố ấy vô hình trung đã giúp ông Park cùng các học trò trong tâm trạng thoải mái tạo nên cơn địa chấn châu lục ở Thường Châu. Bước chạy đà ấn tượng ấy tiếp thêm sự tự tin và sức mạnh cho ông Park, giúp ông kiên định hướng đi của mình, phát huy tối đa sức mạnh lứa cầu thủ vàng của bóng đá Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ.
Triết lý phòng ngự của ông Park, thật ra cũng giống như HLV Calisto ngày trước, cũng phù hợp với con người và tư duy của bóng đá Việt Nam. Nhưng mức độ thành công của ông thầy người Hàn nhiều hơn, cao hơn nên ông được coi là người sinh ra dành cho bóng đá Việt Nam. Chung Hae-seong với tâm thế là chiến lược gia tài năng, đến Việt Nam với tham vọng tiếp tục tạo dựng tên tuổi sau những thành công rực rỡ ở Hàn Quốc. "Mục tiêu cao nhất của tôi là đến V-League 2019 HAGL sẽ vô địch". Đó là lời tuyên bố của ông Chung Hae-seong vào cuối năm 2017 khi tới Việt Nam nhận vị trí GĐKT tại HAGL. Lộ trình được ông Chung đặt ra là sẽ giúp HAGL lọt vào top 5 V.League 2018, tạo tiền đề để hướng đến chức vô địch V-League 2019.
Chìm ở "vũng trũng"
Nhưng tiếc thay, môi trường, điều kiện dành cho đội tuyển Việt Nam và V-League khác nhau một trời, một vực. Bóng đá Việt Nam sau 20 năm bước lên chuyên nghiệp vẫn còn trong giai đoạn "tranh tối tranh sáng", tính nghiệp dư hỗn độn, tồn tại ở nhiều mặt. Mùa giải 2018, HAGL không tạo ra được nhiều sự khác biệt so với những năm trước khi vẫn vất vả lo trụ hạng. Ở khu vực kỹ thuật, ông Chung Hae-seong với vai trò GĐKT cùng tuyên bố mạnh mẽ trước đó được đưa ra làm "vật tế thần", cho dù ai cũng hiểu rằng đâu mới là nguyên nhân đích thực khiến đội bóng phố Núi yếu kém. Hai bên chia tay nhau và ông thầy người Hàn Quốc sớm đúc kết rằng, môi trường bóng đá Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp.
Rời phố Núi, ông Chung Hae-seong tới nhận ghế HLV trưởng ở TPHCM và rất nhanh chóng đã giúp đội bóng này lột xác. Với tài năng của mình, ông Chung đã đưa TP HCM vươn tầm trở thành đối thủ nặng ký trong cuộc cạnh tranh chức vô địch với Hà Nội. Dù TPHCM hụt hơi ở giai đoạn cuối và chỉ giành được ngôi á quân V-League 2019, nhưng người hâm mộ bóng đá thành phố đều tin tưởng rằng với nền tảng mà HLV Chung Hae-seong đã gây dựng được, chức vô địch sẽ sớm đến với đội bóng này. Thế nhưng, khi V-League 2020 mới đi được một nửa chẳng đường và TPHCM vẫn còn cơ hội để đua vô địch, ông Chung, từng đoạt danh hiệu "HLV hay nhất V-League 2019" bất ngờ ra đi.
Trong bất cứ cuộc chơi nào, trọng tài có những nhiệm vụ thực thi luật bóng đá để điều khiển trận đấu được giao. Trọng tài là người bảo đảm cuộc chơi công bằng, đúng luật. Nhưng hãy nhìn lại trận TPHCM thua Hà Nội 0 - 3, thất bại giống như giọt nước tràn ly khiến HLV Chung Hae-seong ra đi. Trọng tài chính Trần Văn Trọng đã có nhiều quyết định gây tranh cãi. Trên sân, Công Phượng và đồng đội đã phản ứng rất gay gắt khi ông Trọng từ chối thổi phạt đền cho TPHCM, dù cầu thủ Hà Nội để tay chạm bóng 2 lần trong vòng cấm. Các quyết định của trọng tài đã góp phần làm thay đổi cục diện trận đấu. Trận đấu kết thúc, ban huấn luyện TPHCM đã không giữ được bình tĩnh và đuổi theo tổ trọng tài để phản đối.
Trợ lý Yang Jae Mo đã hét trong uất ức: "Đá gì nữa, trao cúp luôn đi". HLV Chung Hae Seong phát biểu trong phòng họp báo rằng: "Tôi mà là trọng tài chính thì tôi không thể rời khỏi sân được vì tôi sẽ cảm thấy rất xấu hổ khi trận đấu thu hút rất đông khán giả, phóng viên đến sân. Thế mà ông ấy vẫn rời khỏi sân bình thường như không có chuyện gì. Phải chăng ông ấy vui vì những gì đã diễn ra? 20.000 khán giả mua vé đến sân để rồi phải chứng kiến những gì đã diễn ra, thật không đáng. Trọng tài là một phần trong bóng đá và có ảnh hưởng đến trận đấu. Khi trọng tài ép thế này thì rất khó".
CLB TPHCM đã thua trong trận đấu mà họ buộc phải thắng. Một trận đấu không chỉ quyết định cho cuộc đua đến chức vô địch mà còn là sự khẳng định cho sự trỗi dậy của thế lực mới, nhằm ngăn cản "liên minh" một ông chủ nhiều đội bóng. Nhưng thầy trò Chung Hae Seong đã thua trong một trận họ chơi không tệ và sau đó, Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thừa nhận đã có sai lầm trong các phán quyết của tổ trọng tài, làm ảnh hưởng đến kết quả của trận đấu. Phê phán trọng tài, song ông Chung nhận lỗi về thất bại của đội bóng, không đổ lỗi cho học trò bởi họ đã vắt kiệt sức lực trên sân.
V-League khắc nghiệt? Đúng nhưng không đủ! Sự khắc nghiệt ở đây không chỉ trên sân cỏ, mà còn ở bên trong đội bóng, bên ngoài sân cỏ, từ khu khán đài VIP với các ông chủ và cả những người "cầm cân nảy mực" trận đấu. Những năm còn cầm đội Thép miền Nam - Cảng Sài Gòn, rồi sau đó là B. Bình Dương, HLV Đặng Trần Chỉnh ví von thật hài hước mà cũng thật đau, rút từ bài học của chính bản thân ông: "Ghế HLV có bốn chân, cầu thủ nắm hết ba chân. HLV chỉ có một chân nên cầu thủ không còn ủng hộ thì lãnh đủ". Thế nên, bên cạnh nguyên nhân đồn đoán rằng HLV người Hàn Quốc vì quá bức xúc với trọng tài nên xin nghỉ, sâu xa hơn có thể là những thông tin mà hãng tin Yonhap News danh tiếng từ Hàn Quốc phỏng vấn qua điện thoại với HLV Chung Hae-seong.
Theo Yonhap, nhiều thông tin sốc được tiết lộ, như việc ông Chung nghi ngờ có sự thao túng tác động đến phong độ của một số cầu thủ, đồng thời ngầm ám chỉ việc mình không được toàn quyền quyết định về chuyên môn và cũng không được lãnh đạo đội bóng ủng hộ. "Nhiều cầu thủ bất ngờ mắc sai sót để đối thủ dẫn bàn ở 2 trận vừa qua. Có vẻ đây là kế hoạch thì phải. Tôi nghi ngờ họ không trung thực. Tôi đã rất tức giận", một trong những phát biểu của ông Chung được Yonhap đăng tải. Một ngày sau, HLV Chung Hae-seong phủ nhận ông chưa hề trả lời những vấn đề nhạy cảm trên với Yonhap. Nhưng với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, tất cả những gì Yonhap đưa ra chỉ là những câu chuyện cũ còn nguyên tính thời sự, xảy ra ở nhiều đội bóng, xô đổ nhiều ghế thuyền trưởng. Nhiều ông thầy danh tiếng ngậm đắng nuốt cay ra đi bởi những đòn đánh dưới thắt lưng…
Dẫu sao, cách kết thúc của ông Chung tại TPHCM tuy bất ngờ nhưng nhẹ nhàng. Một khi không còn cảm thấy hạnh phúc, hoặc đối phương cần sự thay đổi thì hai bên nên chấm dứt. Không tranh luận, không cãi vã, không níu kéo hoặc tìm một giải pháp có thể dung hòa cả hai phía. Quyết định cho thấy phong cách của một nhà cầm quân chuyên nghiệp. Chỉ có điều, sau chuyến đi với nhiều trải nghiệm tại Việt Nam, những ký ức của ông Chung Hae-seong chắc hẳn không mấy vui vẻ!
Theo HLV Chung Hae Seong, CLB TPHCM chỉ chấp nhận đền bù 3 tháng lương, trong khi ông đề nghị nhận một nửa số tiền lương của 17 tháng còn lại trong hợp đồng. “Bản hợp đồng tôi ký với CLB có thời hạn là 2+1 năm (được hiểu là ký 2 năm, tự động gia hạn thêm 1 năm - PV). Tôi vẫn còn 17 tháng trong hợp đồng và muốn được bồi thường số tiền bằng 50% số lương đáng ra được nhận trong 17 tháng còn lại ấy. Tôi sẽ trở lại Hàn Quốc khi giải quyết tất cả vấn đề tồn đọng” – ông Chung cho biết.