Các vật dụng bằng nhựa “đồng hành” cùng chúng ta mỗi ngày. Mặc dù chúng ta ngày càng nhận thức rõ về việc rác thải nhựa làm ô nhiễm môi trường, nhưng chúng ta mới chỉ biết về quy mô của vấn đề từ quá trình phân hủy rác thải nhựa.
Hạt microplastic là những mảnh vật liệu nhân tạo có đường kính từ 0,1 micromet đến 5 milimet. Nguồn phát sinh microplastic là các vật dụng bằng nhựa hằng ngày như túi ni lông, đồ chơi bằng nhựa, thuốc đánh răng, mỹ phẩm…
Microplastic cũng xuất hiện trong các sợi tổng hợp dùng để sản xuất vải và may quần áo. Dưới ảnh hưởng của nhiệt độ, ánh sáng hay sự cọ sát, nhựa bị phân mảnh.
Những nghiên cứu do Trường ĐH Fernando Pessoa (Bồ Đào Nha) thực hiện cho thấy hằng ngày chúng ta hít vào khoảng 130 hạt microplastic. Cùng với không khí, hạt microplastic lọt vào phổi và có thể gây ra rối loạn đường hô hấp.
Cơ thể của chúng ta không thể loại bỏ microplastic bởi về mặt sinh học chúng rất bền vững. Một phần microplastic lọt vào hệ tuần hoàn và có thể gây ra các căn bệnh nguy hiểm.
Hơn nữa, hạt microplastic còn có thể là nguyên nhân lây nhiễm và gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh và hệ miễn dịch.
Do tính thông dụng của các đồ dùng bằng nhựa, chỉ số ô nhiễm microplastic bên trong nhà chúng ta cao hơn bên ngoài. Trẻ em, do tính hiếu động cao, rất hay nhiễm vi hạt nhựa.
Giải pháp tốt nhất để hạn chế ô nhiễm microplastic là giảm thiểu nguồn phát: Nên mua ít đồ dùng bằng nhựa, không sử dụng ống hút bằng chất dẻo, nên mua túi xách sử dụng nhiều lần. Chúng ta cũng nên lọc không khí trong nhà, nếu có điều kiện.
Các nhà khoa học kêu gọi giải quyết vấn đề microplastic trong không khí. Theo các nhà khoa học, cần tăng cường truyền thông về nguy cơ mà các sản phẩm nhựa mang lại; đồng thời cần mở rộng nghiên cứu liên quan đến ảnh hưởng của microplastic đối với sức khỏe con người.