Hình tượng “chúa sơn lâm” trong văn hóa Việt Nam

GD&TĐ - Ở Việt Nam, quan niệm xa xưa đã mặc định hổ là chúa tể của muôn loài muông thú. Hình tượng của hổ trong văn hóa dân gian không chỉ đặc sắc, mà còn đa dạng ở nhiều cạnh khác nhau.

Đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc) – nơi được coi phát xuất tục thờ hổ.
Đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc) – nơi được coi phát xuất tục thờ hổ.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, hổ xếp hàng thứ ba trong mười hai chi, năm Dần cầm tinh cọp - là một hình tượng đa nghĩa trong tâm linh người Việt, vừa là ác thú nhưng đồng thời lại là thần hộ mệnh. 

Ác thú và phúc thần

Hổ được nhiều nơi thờ tự tôn là thần (ảnh bàn thờ Ông Hổ, chùa Ôn Lăng – Thành phố Hồ Chí Minh).

Hổ được nhiều nơi thờ tự tôn là thần (ảnh bàn thờ Ông Hổ, chùa Ôn Lăng – Thành phố Hồ Chí Minh).

Trong văn hóa Việt Nam, hổ dù không thuộc nhóm “tứ linh” nhưng lại được dân gian lập đền thờ, và ở nhiều vùng – hổ trở thành một vị thần. Thậm chí, hổ là ác thú khiến con người kinh sợ nhất, họ phải hi sinh nhân mạng để tế lễ.

Trong “Vũ Trung tùy bút” danh sĩ Phạm Đình Hổ kể tục thờ Thần Hổ ở làng Ngọc Cục, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương có lệ bắt người theo tục “Nhâm Ngao tể thần Xương Cuồng” một cách rất man rợ. Từ năm Canh Thân (1800) trở về sau, thói tục đó mới chấm dứt.

Tuy nhiên, có nơi lại coi hổ là phúc thần và được vẽ tranh thờ để trừ tà yểm quái. Bởi vậy, tranh hổ còn được bày tại nhiều đền chùa, phủ, quán… đặc biệt tại các đền thờ Thánh mẫu. Ngày nay, nhiều địa phương ở nước ta còn phổ biến tranh hổ - với ý nghĩa cả về mặt nghệ thuật lẫn tâm linh.

Theo lý giải của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục thờ thần Bạch Hổ trong tín ngưỡng Việt (đặc biệt tại miền núi phía Bắc) một mặt phản ánh tín ngưỡng nguyên thủy từ rất xa xưa, đồng thời gắn với sự phát triển của đạo giáo du nhập vào nước ta.

Trong sâu thẳm tâm thức người Việt, hổ được coi là con vật thiêng, có thần lực. Bởi vậy mà danh xưng của hổ cũng được thần thánh hóa bằng những tên gọi như ngài, ông... Nhiều gia đình còn giữ tục thờ “ông ba mươi” theo quan niệm cầu công danh, hút tài lộc và mang lại sự may mắn. Vì thế, tranh “Ngũ hổ” của dòng tranh dân gian Hàng Trống tại đất Thăng Long trở thành dòng tranh thờ nổi tiếng.

Trong tín ngưỡng dân gian, thần hổ như một biểu tượng của dũng mãnh, uy linh tượng trưng cho sức mạnh có khả năng trấn giữ cửa ải ngũ phương. Trên phương diện này hổ đã hóa thành linh vật huyền thoại: Thần Hổ, Sơn quan thần hổ, Lý nhĩ tướng quân, thần hộ vệ Thành hoàng, chúa sơn lâm. Trong khi đó, ở miền Nam còn có tên ông Cả cọp, thần Bạch Hổ... Bùa ông hổ còn được dán và ếm ngay trước cửa chính để trừ tà.

Việc thờ Thần Hổ trong đạo Mẫu là một lệ tục văn hóa tâm linh đã trải qua nhiều mốc thời gian. Ngôi đền nào có đắp tượng hổ ở cửa vào, coi như thần tướng gác đền và thần tướng này cũng được khách đi lễ thắp hương, khấn vái. Vào những ngày rằm, mùng một hoặc lễ chạp, ngoài hương hoa, những người lớn tuổi còn cúng một miếng thịt lợn sống trên bàn thờ ông hổ.

Truyền kỳ về hổ

Miếu thờ hổ ở chùa Suối Ngổ (Khánh Hòa).

Miếu thờ hổ ở chùa Suối Ngổ (Khánh Hòa).

Xuất phát từ tục thờ hổ, thần thánh hóa loài vật này nên các nghệ nhân dân gian cũng xây dựng biểu tượng hổ qua nhiều chất liệu như: Gỗ, đá, vôi giấy, đất nung, tranh vẽ, tranh cắt giấy…

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Nam cho rằng, Thần Hổ vừa là huyền thoại, vừa là hiện thân của vẻ đẹp dũng mãnh, hiểm ác. Vì thế, hổ linh được chạm trổ trên các lăng mộ, nhang án, in trên hoa văn gạch ở các móng chùa, đền, miếu theo mô-típ uyển chuyển và có tính thiêng. Trong một số hoàn cảnh đặc biệt, Thần Hổ Trắng còn là biểu tượng của thần chữa bệnh.

Một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lại cho rằng, tục thờ hổ bắt nguồn từ cuộc sống nguyên thủy, khi con người còn sống trong điều kiện săn bắt, hái lượm. Hổ chính là sức mạnh thiên nhiên gần gũi và là tai họa đối với con người, do đó phải thờ. Do khiếp sợ oai linh thần hổ, người dân miền sơn cước luôn thờ cúng và gọi hổ là chúa sơn lâm.

Ở Lào Cai và một số tỉnh Tây Bắc, tục lệ cúng rừng vẫn còn được thực hiện khá phổ biến sau Tết Nguyên đán và vào dịp tháng 3 âm lịch. Người dân các bản cúng thần rừng - vị thần họ tin rằng nắm giữ sinh mạng của cả vùng đất. Đại diện cho thần rừng chính là chúa sơn lâm đầy quyền uy.

Tại những địa phương có người Mường sinh sống, hổ được tôn kính như thần linh. Và ở nơi núi cao vực thẳm, những câu chuyện ly kỳ về hổ được kể từ đời này sang đời kia với những chứng tích về dấu chân, nanh hổ chúa, vết cào từ vuốt nơi vách đá cuối bản… càng tăng thêm sự huyền bí lẫn kinh hãi về hổ.

Vào dịp Tết Nguyên đán, người Khơ Mú thuộc họ hổ (Rvai) diễn lại các động tác của hổ - vật tổ của dòng họ với ý thức tự nhắc nhở và giáo dục những người trong cộng đồng rằng mình là người họ hổ và có nguồn gốc từ hổ. Với quan niệm hổ là tổ tiên, người Khơ Mú thuộc họ Rvai kiêng không động tay vào hổ, không săn bắt, giết hay ăn thịt hổ.

Vì là nghi lễ tưởng nhớ, nên trong trong hội hè người Khơ Mú hóa trang giống như hổ. Khi gặp hổ chết, họ phải khóc than thật sự như tổ tiên của mình qua đời.

Người ta tin rằng khi chết đi, họ sẽ hóa thành kiếp hổ nên khi sống kiêng đắp chăn sặc sỡ như lông hổ, khi chết lại đắp cho chiếc chăn khác màu lông hổ và đặt chiếc chăn giống màu lông hổ bên cạnh để hồn được siêu thóat trở về với hổ, với tổ tiên.

Người Tà Ôi cũng có tục thờ Thần Hổ (Giàng avó). Trong hệ thống thú rừng của người Tà Ôi, hổ được coi là con vật có sức mạnh vô song nên được người dân coi như vị thần bảo hộ cho làng. Việc bắt được hổ theo quan niệm của người Tà Ôi được ví như món quà tặng của thần rừng.

Người dân địa phương ở Trà Bồng (Quảng Ngãi) lại thường lập am thờ hổ, họ thờ Bạch Hổ sơn quân (ông hổ đi tu). Bạch Hổ sơn quân là tùy tướng thân cận nhất của Thiên Y A Na, tương truyền khi có giặc đánh tới, hổ cùng nữ chúa xung trận. Tùy tướng Bạch Hổ sơn quân xuất hiện đến kết liễu rồi mang đầu giặc treo ở một cây đa trong vùng.

Khi hết giặc, Bạch Hổ sơn quân vào núi đi tu. Nhớ ơn Bạch Hổ sơn quân, người dân ở Trà Bồng lập miếu thờ riêng. Người địa phương nói rằng, vào dịp lễ cúng Thiên Y A Na, cứ đến khoảng 2 - 3 giờ sáng là lúc Bạch Hổ sơn quân xuất hiện.

Những ai muốn Bạch Hổ sơn quân hiện hình thì rải cát ở căn nhà phía sau điện thờ. Sáng hôm sau, vào căn nhà này sẽ thấy dấu chân Bạch Hổ to lớn hiện lên theo hướng đi vào đại điện.

Hổ bảo vệ dân làng

Lễ cúng rừng tại Bảo Thắng (Lào Cai).

Lễ cúng rừng tại Bảo Thắng (Lào Cai).

Từ xưa, hình tượng chúa sơn lâm còn đi vào thi ca lẫn giai thoại của nhiều vị anh hùng. Điển hình là câu chuyện Bố cái đại vương Phùng Hưng thu phục hổ dữ bằng tay không hoặc nhiều vị anh hùng đánh thắng hổ như võ tướng Bùi Thị Xuân.

Một số nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, tục thờ hổ xuất phát từ làng Thổ Tang (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc). Hiện nay, đình Thổ Tang thờ danh tướng Phùng Lân Hổ, tương truyền ông quê ở làng Đồng Bằng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây. Thân mẫu ông là bà Phùng Thị Dung, chuyên làm nghề kiếm củi nuôi thân.

Một hôm bà vào rừng hái củi, lúc về ra đến cửa rừng vì mệt mà ngủ thiếp đi thì bỗng có đám mây hồng bay đến bao quanh mình, lại có tiếng hổ gầm vang động, bà giật mình tỉnh dậy. Về nhà tự nhiên bà thụ thai, đến kỳ sinh ra cậu bé rất tuấn tú khôi ngô.

Dòng tranh “Ngũ hổ” của các nghệ nhân Hàng Trống.

Dòng tranh “Ngũ hổ” của các nghệ nhân Hàng Trống.

“Trong khoa cử thời phong kiến, Long Hổ hội còn tượng trưng cho sự quần tụ của giới trí thức Nho học, cho tinh hoa uyên bác của chữ nghĩa. Bảng rồng: Tiến sĩ, bảng hổ: Cử nhân” - Nhà nghiên cứu Hồ Nam.

Các triều đại phong kiến ở các nước phương Đông nói chung đều coi hổ cùng với rồng là biểu trưng cho vương quyền, quân sự, võ học và cho những thành đạt trong khoa cử. Chính vì vậy, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước châu Á có các biểu tượng văn hóa gắn liền với hình tượng chúa sơn lâm.

Hổ thường mang tiếng ác thú, tuy nhiên lại có nhiều câu chuyện tốt bụng về hổ. Đặc biệt, tại tỉnh Khánh Hòa hiện còn lưu truyền chuyện hổ giúp người và bảo vệ dân làng. Chùa Suối Ngổ, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, xã Vĩnh Phương, TP Nha có một miếu thờ cọp lập từ năm 1889.

Nhà thơ Quách Tấn cũng từng viết lại chuyện này trong cuốn “Xứ Trầm Hương”: “Một năm chùa làm chay vừa xong, người trong chùa và người đến cúng mỏi mệt ngủ quên. Nửa đêm kẻ trộm vào dọn hết mọi thứ. Khổ chủ thức dậy, thất kinh, toan kéo nhau đi tìm thì chợt thấy một đoàn người khiêng gánh kéo vào ngõ.

Đoàn người vào chùa quỳ lạy vị trụ trì thú thực đã ăn trộm và nói: Chúng tôi xuống khỏi dốc thì gặp chúa sơn lâm đứng dựng trên hai chân sau và giơ cao hai chân trước, miệng gầm gừ ra dấu bảo chúng tôi trở lại hết. Biết rằng mình làm việc quấy, mà “ngài” không nỡ hành tội, chúng tôi liền gánh đồ đạc trở lại trả cho chùa và xin sám hối”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.