(GD&TĐ)-Đó là mục tiêu mà Đề án phát triển Văn hóa Đọc trong cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2030 đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng.
Đọc sách từ nhỏ sẽ tạo thành thói quen tốt cho thiếu nhi (ảnh MH) |
Theo đó, chỉ tiêu chung là nâng tỷ lệ người đọc thường xuyên từ 30% (hiện nay) lên 40% vào năm 2015 và 65% vào năm 2020; giảm tỷ lệ số người hoàn toàn không đọc từ 26% xuống còn 20% vào năm 2015 và 15% vào năm 2020.
Theo kết quả điều tra xã hội học, có khoảng 59% học sinh, sinh viên và 56,8% người trưởng thành được điều tra đã sử dụng thời gian rỗi để đọc sách. Hiện có khoảng 20% gia đình có thư viện, tủ sách trong gia đình; 25% người được điều tra đã dành thời gian đọc sách trên 1 giờ/ngày. Người dân đã có xu hướng lựa chọn sách báo chất lượng và phù hợp với nhu cầu học tập, nghiên cứu, công tác chuyên môn, lao động sản xuất và giải trí để đọc. |
Hiện nay, xu hướng đọc hiện nay cũng ít nhiều có biểu hiện lệch lạc. Giới trẻ (thanh, thiếu niên) - đối tượng đang cần hướng tới xây dựng thế hệ đọc tương lai - có xu hướng đọc những chuyện tranh với những nội dung đơn giản, vô bổ, thậm chí thiếu lành mạnh, ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận, đặc biệt các sách dày, nhiều tập, nhiều chữ,...
Nguyên nhân lười đọc tác phẩm văn học của học sinh hiện nay đã được bàn nhiều. Nhất là khi xã hội phát triển, thì các em càng có nhiều điều kiện để tiếp xúc với các loại hình giải trí hiện đại như: internet, ca nhạc, phim ảnh, game online... thì văn hoá đọc càng có nguy cơ bị mai một. Những điều đó là tất yếu. Thật ra, khi thời đại thông tin ngày một phát triển thì chúng ta càng có nhiều cơ hội được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng đằng sau đó, nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn đang ngày càng nhiều, ngày càng hấp dẫn.
Xu hướng Văn hóa Nghe - Nhìn đang có phần lấn lướt văn hóa đọc. Thời gian dành cho lướt web, chơi game, xem truyền hình của học sinh, sinh viên tương đối cao tới 55%.
Trong khi, Văn hóa Đọc là một bộ phận của văn hóa, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống, khả năng thích nghi của con người Việt Nam, góp phần bồi dưỡng, phát triển trí tuệ, kỹ năng sống của cộng đồng.
Bởi vậy, theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, dự thảo Đề án phát triển Văn hóa Đọc trong cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 hướng đến mục tiêu chung là hình thành thói quen đọc, để việc đọc trở thành nề nếp trong cuộc sống, học tập, lao động, sản xuất của người dân mà trước hết là học sinh, sinh viên.
Đọc sách là một thói quen rất thú vị |
Nguyễn Trang (ĐH Ngoại Ngữ) chia sẻ “Mình rất thích đọc sách, tuy nhiên mình lại không có nhiều thời gian cho lắm. Ngoài học chính ở trường mình còn tranh thủ làm thêm. Nếu cho mình đọc một cuốn sách chắc phải hàng tuần mới xong”. |
Phấn đấu đến năm 2020, 70% các trường phổ thông các cấp, 100% các trường đại học đưa việc giáo dục kiến thức về sách, về thông tin, kỹ năng đọc, kỹ năng tìm thông tin, sử dụng thư viện trong học tập vào chương trình giảng dạy của nhà trường; 70% số học sinh, 80% số sinh viên /trường có thói quen đọc và sử dụng thư viện phục vụ cho học tập, tìm hiểu, giải trí.
Bên cạnh đó, Đề án cũng hướng tới xây dựng môi trường đọc thuận lợi, đảm bảo cho người dân ở mọi độ tuổi, trình độ, ngành nghề, địa bàn cư trú, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể tiếp cận và sử dụng tài liệu, sách báo, thông tin được dễ dàng, thuận lợi, phù hợp với nhu cầu đọc đa dạng, luôn thay đổi của người đọc.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dự thảo Đề án phát triển Văn hóa Đọc giai đoạn 2011 - 2020 là bước cụ thể hóa thực hiện Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2020 của Đảng và Nhà nước.
Phương Nguyên