Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc Khoa học, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trực tuyến từ Chicago (Hoa Kỳ) và đông đảo các nhà khoa học, cộng đồng Toán học Việt Nam…
Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 được Chính phủ phê duyệt ngày 17/8/2010. Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ quản thực hiện Chương trình; Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán là đơn vị thường trực điều phối Chương trình. Đây là một Chương trình trọng điểm quốc gia đầu tiên được ban hành riêng cho một lĩnh vực khoa học cơ bản.
Một trong những thành tựu của Chương trình là đã xây dựng thành công Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán thành trung tâm Toán học xuất sắc khu vực. Sau 10 năm hoạt động với uy tín của GS Ngô Bảo Châu – Giám đốc khoa học và các thành viên Hội đồng khoa học của Viện, bao gồm các nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế, Viện đã tạo dựng được một môi trường học thuật tiên tiến, được cộng đồng Toán học trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Sự ra đời và phát triển của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán là động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của Toán học Việt Nam. Nhờ chương trình khoa học phong phú, chất lượng cao, hiệu quả và cách thức tổ chức chuyên nghiệp, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán được Hội Toán học Châu Âu công nhận là một trong số ít “Trung tâm Toán học xuất sắc khu vực” của các nước đang phát triển giai đoạn 2013-2017. Năm 2018, Viện tiếp tục được công nhận là Trung tâm xuất sắc của khu vực giai đoạn 2019-2023.
Chương trình cũng tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà Toán học Việt Nam trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu khoa học, thu hút các nhà toán học hàng đầu thế giới đến làm việc. Đồng thời, tổ chức thành công các hội nghị Toán học quốc tế lớn, góp phần nâng cao vị thế Toán học của Việt Nam. Các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tài năng Toán học đạt kết quả tốt. Các hoạt động phổ biến Toán học thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, trong gia đình, nhà trường và xã hội.
“Những thành tựu nói trên của Chương trình đã góp phần đưa Toán học Việt Nam từ vị trí 55 lên vị trí thứ 35-40 trên thế giới và đứng đầu khối ASEAN (ở đây chỉ xét đến tiêu chí số lượng công bố quốc tế).”- PGS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán chia sẻ.
Đây là một thành tích rất ấn tượng, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, và ngay ở khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã đầu tư rất mạnh cho khoa học cơ bản và toàn bộ hệ thống các cơ sở nghiên cứu-đào tạo với kinh phí rất lớn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được sau 10 năm triển khai Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về Toán. Năm trong số sáu mục tiêu cụ thể của Chương trình đề ra đã đạt được, với nhiều kết quả nổi bật. Chương trình cũng góp phần hình thành bước đầu “hệ sinh thái” về cộng đồng dạy học, nghiên cứu về Toán tại Việt Nam.
Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, dù mô hình hoạt động bao gồm cả Ban Giám đốc và toàn bộ văn phòng chỉ có 15 người, nhưng đã nhanh chóng tạo lập được uy tín trong cộng đồng khoa học thế giới. Viện đã thu hút được số lượng đông đảo các nhà toán học quốc tế cũng như các nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài đến làm việc, tham gia tổ chức các hoạt động khoa học. Có 315 lượt nhà khoa học nước ngoài đến từ 27 nước, 76 lượt nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài đã đến Viện làm việc (chưa kể những người tham gia hội nghị, hội thảo khoa học); trong đó có nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới. Sự tham gia trực tiếp của các nhà toán học quốc tế đã thực sự tác động mạnh đến các nhóm nghiên cứu trong nước, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, phân tích thành tựu, hạn chế và nguyên nhân; những thách thức và cơ hội mới, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cùng Hội Toán học Việt Nam, Tổ chuyên môn Ban điều hành Chương trình đã xây dựng đề xuất “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030” báo cáo Bộ GD&ĐT để trình Chính phủ. Ngày 22/12/2020, Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu chung là tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt…
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Toán học, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số, Bộ trưởng thể hiện sự quan tâm đến việc một số trường ĐH củng cố hoặc mở mã ngành ứng dụng Toán trong đào tạo kỹ sư, cử nhân và bậc học cao hơn làm nền tảng cho chuyển đổi số, nhất là trí tuệ nhân tạo. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc hình thành đội ngũ giáo viên giỏi toán trong các trường phổ thông để làm hạt nhân, cốt cán bồi dưỡng, bồi dưỡng lại cho đồng nghiệp, tạo sự lan tỏa bền vững trong toàn hệ thống; tạo điều kiện để đội ngũ này được tiếp cận với các nhà khoa học quốc tế có uy tín…
Chia sẻ tại lễ tổng kết, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, điều cần hướng tới 10 năm tới là sự chuẩn bị đồng đều của chất lượng nghiên cứu khoa học, để Toán học Việt Nam ổn định vị trí trên bản đồ thế giới, không chỉ là con số trên bảng xếp hạng mà còn là về nhận thức. Cho rằng Toán học Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, các đội ngũ Toán học phải cố gắng lớn hơn nữa; cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm Toán học, đẩy mạnh toán học ứng dụng; duy trì tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi Toán trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới đều có ưu tiên đặc biệt với Toán học.
Cũng khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của Toán học, theo GS Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay chúng ta phát triển nhân lực về toán chính là đi vào CNTT, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa… Chỉ ra điểm yếu của Việt Nam là toán ứng dụng, GS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh nội dung này. Cùng với đó, xây dựng “hệ sinh thái” Toán học Việt Nam. Với Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học, nên xác định những chỉ số thực hiện để giám sát. Với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, nên có chương trình hợp tác với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. “Nếu 2 thành phố này sống động về Toán thì cả nước sẽ sống động.” – GS Nguyễn Thiện Nhân đánh giá.