Hình dung về chương trình Sinh học mới

GD&TĐ - Chương trình môn Sinh học giúp học sinh tiếp tục tìm hiểu các khái niệm, quy luật sinh học làm cơ sở khoa học cho việc ứng dụng tiến bộ sinh học, nhất là tiến bộ của công nghệ sinh học vào thực tiễn đời sống; trên cơ sở đó học sinh định hướng được ngành nghề để tiếp tục học và phát triển sau trung học phổ thông.

Hình dung về chương trình Sinh học mới

Đó là những chia sẻ ban đầu của GS Đinh Quang Báo - Chủ biên chương trình môn Sinh học - về chương trình môn học này. Môn Sinh học cũng góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung cốt lõi và năng lực chuyên môn.

Đồng thời, phát triển ở học sinh năng lực nhận thức kiến thức sinh học, năng lực tìm tòi, khám phá thế giới sống và năng lực vận dụng kiến thức sinh học vào thực tiễn thông qua việc hệ thống hoá, củng cố kiến thức, phát triển kỹ năng và giá trị cốt lõi của sinh học đã được học ở giai đoạn giáo dục cơ bản.

3 năng lực quan trọng

Sinh học là môn học tự chọn trong nhóm môn Khoa học tự nhiên ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

GS Đinh Quang Báo cho biết, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, môn Sinh học giáo dục cho học sinh tình yêu thiên nhiên; tự hào với sự đa dạng và phong phú của tài nguyên sinh vật Việt Nam, đồng thời giáo dục các em trách nhiệm công dân trong việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn sự đa dạng, phong phú của tài nguyên sinh vật trên Trái Đất.

Học sinh sẽ được giáo dục, rèn luyện các đức tính như chăm chỉ, trung thực trong học tập, trong tìm tòi, khám phá khoa học, thái độ và trách nhiệm đúng đắn trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững quốc gia, toàn cầu,... Tất cả những phẩm chất đó được giáo dục theo cách tích hợp xuyên suốt các chủ đề nội dung môn Sinh học.

Về phát triển năng lực chung, môn Sinh học có nhiều ưu thế hình thành và phát triển các năng lực chung: Năng lực tự chủ và tự học; Năng lực giao tiếp và hợp tác; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Năng lực môn học: Môn Sinh học hình thành và phát triển cho học sinh các năng lực sinh học gồm: nhận thức kiến thức sinh học; tìm tòi và khám phá thế giới sống; vận dụng kiến thức sinh học vào thực tiễn. Các năng lực chuyên môn này được thể hiện theo các mức độ từ thấp lên cao gắn với các chủ đề sinh học từ lớp 10 đến lớp 12. Cụ thể:

Năng lực nhận thức kiến thức sinh học: Trình bày, giải thích và vận dụng được các kiến thức sinh học cốt lõi về các đối tượng, sự kiện, khái niệm và các quá trình sinh học; những thuộc tính cơ bản về các cấp độ tổ chức sống từ phân tử, tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã – hệ sinh thái, sinh quyển. Từ nội dung kiến thức sinh học về các cấp độ tổ chức sống, học sinh khái quát được các đặc tính chung của thế giới sống là trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng; sinh trưởng và phát triển; cảm ứng; sinh sản; di truyền, biến dị và tiến hoá.

Năng lực tìm tòi và khám phá thế giới sống: Tìm tòi, khám phá các hiện tượng trong tự nhiên và trong đời sống liên quan đến sinh học, bao gồm: đề xuất vấn đề; đặt câu hỏi cho vấn đề tìm tòi, khám phá; đưa ra phán đoán, xây dựng giả thuyết; lập kế hoạch thực hiện; thực hiện kế hoạch; viết, trình bày báo cáo và thảo luận; đề xuất các biện pháp giải quyết vấn đề trong các tình huống học tập, đưa ra quyết định;...

Năng lực vận dụng kiến thức sinh học vào thực tiễn: Giải thích những hiện tượng thường gặp trong tự nhiên và đời sống hàng ngày liên quan đến sinh học; giải thích, bước đầu nhận định, phản biện một số ứng dụng tiến bộ sinh học nổi bật trong đời sống.

Quán triệt đặc điểm sinh học hiện đại

Để đạt được mục tiêu và yêu cầu trên, GS Đinh Quang Báo cho biết, định hướng đầu tiên xây dựng chương trình Sinh học là quán triệt đặc điểm sinh học hiện đại

Sinh học được xây dựng, phát triển trên nền tảng các thành tựu của nhiều khoa học như: Hoá học, Vật lý, Toán học, Y – Dược học,... Vì vậy, bản thân nội dung sinh học đã tích hợp các lĩnh vực khoa học đó. Sự tiến bộ về các thành tựu đạt được của các khoa học đó thúc đẩy sự phát triển của Sinh học và ngược lại.

Sinh học là khoa học thực nghiệm, vì vậy thực nghiệm là phương pháp nghiên cứu sinh học, đồng thời cũng là phương pháp đặc trưng của dạy học môn học này. Năng lực tìm tòi, khám phá thế giới sống được phát triển chủ yếu thông qua thực nghiệm. Thực hành trong phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, ngoài thực địa là phương pháp, hình thức dạy học cơ bản của môn Sinh học.

Sinh học đã vượt qua giai đoạn mô tả chuyển sang giai đoạn thực nghiệm và xây dựng các mô hình lý thuyết khái quát là các nguyên lý sinh học cơ bản và hệ quả tất yếu là khoảng cách giữa kiến thức lý thuyết cơ bản với công nghệ ứng dụng ngày càng rút ngắn.

Đặc điểm này đòi hỏi chương trình môn Sinh họcphải được tinh giản các nội dung có tính mô tả để tổ chức cho học sinh tìm tòi, nhận thức các kiến thức sinh học có tính nguyên lý, cơ sở cho quy trình công nghệ ứng dụng sinh học hiện đại.

Tiếp cận với xu hướng quốc tế

Bên cạnh tiếp thu, kế thừa ưu điểm của chương trình môn Sinh học hiện hành, theo GS Đinh Quang Báo, chương trình môn Sinh học còn được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu sâu chương trình môn học này của một số nước và tổ chức quốc tế. Kết quả nghiên cứu đó cho phép rút ra các xu hướng chung trong xây dựng chương trình môn Sinh học phổ thông có thể vận dụng cho Việt Nam.

Nội dung định hướng ngành nghề

Xác định các lĩnh vực ngành nghề và quá trình công nghệ đòi hỏi tri thức sinh học chuyên sâu để lựa chọn khung nội dung môn Sinh học sao cho các chủ đề trong chương trình có tác dụng giáo dục học sinh theo định hướng nghề nghiệp.

Chia sẻ điều này, GS Đinh Quang Báo cho biết them: Nội dung sinh học vừa phản ánh các thuộc tính cơ bản của tổ chức sống trên cơ sở sinh học cấp độ vi mô (phân tử, tế bào) và cấp độ vĩ mô (hệ sinh thái, sinh quyển); vừa giới thiệu các nguyên lý công nghệ ứng dụng sinh học nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ của thế kỷ XXI – thế kỷ của công nghệ sinh học, và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0).

Chương trình chú ý tăng cường hoạt động thực hành, ứng dụng trong đời sống và tìm hiểu công nghệ sinh học; kết hợp học trên lớp với hoạt động ngoại khoá trong môi trường tự nhiên và xã hội.

Định hướng chung đó được cụ thể hoá trong nội dung Sinh học ở các lớp 10, 11, 12. Cụ thể là: học hết chương trình sinh học lớp 10, 11, 12 cùng với các cụm chuyên đề học tập, học sinh tìm hiểu được sâu hơn các tri thức sinh học cốt lõi, các phương pháp nghiên cứu và ứng dụng sinh học, các nguyên lý và quy trình công nghệ sinh học thông qua các chủ đề: sinh học tế bào; sinh học phân tử; sinh học vi sinh vật; sinh lý thực vật; sinh lý động vật; di truyền học; tiến hoá và sinh thái học.

Nghiên cứu sâu nội dung các chủ đề đó, học sinh có thể tự xác định được các ngành nghề phù hợp để lựa chọn học tiếp sau trung học phổ thông, đồng thời phát triển các năng lực chung và năng lực tìm tòi khám phá thế giới sống.

Gắn với cuộc sống

Nội dung sinh học góp phần phát triển ở học sinh năng lực gắn khoa học với cuộc sống. Quan tâm tới những nội dung gần gũi với cuộc sống hàng ngày của học sinh; tăng cường vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn, giúp học sinh thấy được sinh học vừa gần gũi, thiết thực với cuộc sống con người, vừa là lĩnh vực hứa hẹn nhiều thành tựu về lý thuyết và công nghệ hiện đại.

Phương pháp đặc trưng dạy học sinh học

Theo GS Đinh Quang Báo, với môn Sinh học dạy học tích hợp là cách tiếp cận xuyên suốt các phương pháp, hình thức dạy học. Cùng với đó, rèn luyện được cho học sinh phương pháp nhận thức, kỹ năng học tập, thao tác tư duy. Thực hành thí nghiệm, hoạt động trải nghiệm trong môi trường tự nhiên, thực tiễn đời sống cá nhân và xã hội. Tăng cường phối hợp hoạt động học tập cá nhân với học tập hợp tác nhóm nhỏ.

Một số phương pháp đặc trưng dạy học sinh học trong chương trình mới như sau: Dạy học dự án ứng dụng công nghệ sinh học; Dự án tìm hiểu các vấn đề sinh học trong thực tiễn.

Dạy học thông qua thực hành trong phòng thí nghiệm, ngoài thực địa. Dạy học sử dụng các thí nghiệm ảo. Dạy học thông qua tham quan các cơ sở sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, các nhà máy sản xuất công nghệ. Dạy học thông qua nghiên cứu khoa học.

Đặc trưng kiểm tra, đánh giá

GS Đinh Quang Báo cho biết, trong dạy học Sinh học, chú trọng đánh giá kỹ năng thực hành sinh học, đánh giá các kĩ năng tiến trình như quan sát thiên nhiên, thực hiện các dự án điều tra, tìm hiểu thiên nhiên, ứng dụng kiến thức sinh học trong đời sống,….

Một số hình thức đặc trưng kiểm tra, đánh giá giáo dục Sinh học có thể kể đến gồm: Đánh giá bằng bài tập thực hành trong phòng thí nghiệm, ngoài thực địa; đánh giá bằng bài tiểu luận, đề tài nghiên cứu, dự án vận dụng kiến thức vào thực tiễn; dự án công nghệ sinh học, dự án tìm hiểu sinh học trong thực tiễn.

Bài tập tình huống trong thực tiễn đời sống; sử dụng các thí nghiệm ảo; quan sát mẫu vật thật trong phòng thí nghiệm/ngoài thiên nhiên; tham quan các cơ sở sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, các nhà máy sản xuất công nghệ; nghiên cứu khoa học.

Định hướng thiết bị dạy học

Theo GS Đinh Quang Báo, Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, vì vậy, thực hành thí nghiệm vừa là nội dung, vừa là phương pháp, phương tiện dạy học. Mặt khác, chương trình đổi mới theo hướng phát triển kĩ năng gắn lý thuyết với thực hành, học lý thuyết bằng thực hành.

Với yêu cầu đó, cần trang bị các thiết bị, phương tiện dạy học đa dạng về chủng loại: tranh, ảnh, mô hình, mẫu vật thật, dụng cụ, vật liệu, hoá chất, thiết bị kỹ thuật nghe nhìn, các loại máy móc. Thiết bị và phương tiện dạy học có thể được các công ty thiết bị sản xuất, cung cấp hoặc do giáo viên tự chế tạo bằng các nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền ở địa phương. Thiết bị dạy học chủ yếu được kế thừa những gì đã trang bị cho chương trình hiện hành.

Mỗi trường học cần có phòng thực hành thí nghiệm. Phấn đấu để có phòng bộ môn hiện đại, vườn thực nghiệm. Trong điều kiện các trường chưa có điều kiện trang bị, các trường cần phối hợp với các cơ sở có thiết bị hiện đại tạo điều kiện cho học sinh học tập. Bên cạnh đó, đặc trưng kiểm tra, đánh giá giáo dục Sinh học mỗi trường cần có nhân viên bảo quản, hướng dẫn sử dụng phòng thực hành.

Theo GS Đinh Quang Báo, Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, vì vậy, thực hành thí nghiệm vừa là nội dung, vừa là phương pháp, phương tiện dạy học. Mặt khác, chương trình đổi mới theo hướng phát triển kĩ năng gắn lý thuyết với thực hành, học lý thuyết bằng thực hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ