Không ít bậc cha mẹ từng đau khổ, cảm thấy thất bại khi con của họ học rất nhiều, đạt thành tích cao, nhưng khi trưởng thành lại không có những giá trị cần có của con người tự chủ. Thế nên, có cháu đã dọa tự tử ngay khi bị la mắng, và cháu đã cảm thấy thất bại với bản thân.
Có cháu chỉ học giỏi thôi, và đến khi lớn lên, ra ở riêng rồi, vẫn chỉ là những “học sinh” chăm chỉ, là những “người chồng/ người vợ không trưởng thành”. Có những cháu khác, vì học giỏi, vì tin đó là tiêu chí duy nhất để khẳng định bản thân mình nên khi thấy những người học không giỏi nhưng thành đạt hơn, thì tức tối, cho đó là sự bất công của xã hội. Bất công có khi đến khi chính chúng ta không coi trọng giá trị. Chúng ta mất niềm tin và động lực để tạo ra niềm tin ấy trong xã hội này.
Gây dựng cảm xúc
Thuật ngữ cảm xúc được đưa ra nhằm nói đến những đặc điểm và tâm tính khác biệt với kiến thức, lập luận và kỹ năng. Trong thực tế, hầu hết các dạng cảm xúc của học sinh thường bao gồm cả tình cảm và niềm tin nhận thức. Những đặc điểm cảm xúc tích cực cùng với kỹ năng là thiết yếu để đạt được những mục tiêu:
• Học tập hiệu quả (bao gồm cả tránh bỏ học, lười học).
• Trở thành một thành viên tích cực, có ích của xã hội.
• Đạt được sự thỏa mãn và hiệu quả làm việc.
• Phát huy tối đa động cơ trong học tập hiện thời và trong tương lai.
Có thể dễ hiểu hơn khi liên hệ cảm xúc với trí thông minh xúc cảm viết tắt là EQ mà người ta đang rất quan tâm trong nghiên cứu và giáo dục. Ở khía cạnh này, người ta mong muốn nhận được sự giao tiếp linh hoạt, lưu loát trong ngôn ngữ và tích cực trong cuộc sống. Mối quan hệ giáo dục giá trị cảm xúc và trí thông minh xúc cảm, đó là, EQ sẽ là kết quả của giáo dục giá trị.
Thể hiện thái độ
Thái độ là các trạng thái nội tâm ảnh hưởng đến những gì học sinh có thể sẽ làm. Đó là một mức độ của phản ứng tích cực/ tiêu cực hoặc tán thành/ không chấp nhận đối với một vật/ nhóm vật thể, tình huống, con người, hoặc nhóm người, môi trường nói chung (McMillan, 1980). Thái độ không nói tới những hành vi, những gì học sinh biết, sai hoặc trái theo nghĩa đạo đức hoặc chính trị. Chúng ta cần nghĩ rằng thái độ đối với một cái gì đó. Trong trường học, đó có thể là việc học tập, môn học, giáo viên, các bạn học khác, bài tập về nhà…
Thái độ tương đối ổn định. Điều này có nghĩa là thái độ thường luôn nhất quán trong các tình huống tương tự như nhau. Do đó, khi nói một học sinh phát triển một thái độ tiêu cực với môn Toán, chúng ta thường nghĩ tình trạng nội tâm đó sẽ kéo dài hàng tháng, hàng năm.
Ngược lại, một học sinh có thể có quan điểm tiêu cực về một số bài tập toán về nhà, hoặc có cảm giác không vui về một bài kiểm tra toán, nhưng cái đó khác với thái độ mang tính ổn định. Các nghiên cứu của McMillan, Workman, & Myran (1999); Stiggins & Conklin (1992) đã chỉ ra không dễ định nghĩa về thái độ, tiêu chuẩn, hứng thú, vì các đặc trưng của thái độ mang tính cá nhân. Thái độ bao gồm ba thành tố hoặc thuộc tính:
(i) Thành tố xúc cảm bao gồm tình cảm hoặc cảm giác liên quan đến người hoặc vật (cảm giác tốt hay xấu, vui sướng, thích, thoải mái, lo lắng) với những cảm giác tiêu cực hoặc tích cực.
(ii) Thành tố nhận thức mô tả về giá trị.
(iii) Thành tố hành vi thể hiện sự mong muốn hoặc lòng nhiệt tình tham dự vào các hành động cụ thể.
Bây giờ, trong chương trình giáo dục phổ thông, các thầy cô giáo luôn viết "thái độ" trong mục tiêu bài giảng (kiến thức kĩ năng, thái độ), nhưng thực tế, chẳng có một đánh giá nào vào hồ sơ học sinh ghi đầy đủ chi tiết sự phát triển thái độ của học sinh đó. Đây là điều chúng ta cần phải để tâm.
Điểm số quan trọng, Thái độ học tập cũng quan trọng không kém. Một học sinh được điểm cao nhưng không học bằng sự say mê thì sẽ thế nào? Những học sinh có điểm kém, nhưng các em đã chiến thắng bản thân mình, đã thể hiện sự tích cực, các em có thể không được chọn đi thi học sinh giỏi, nhưng các em xứng đáng được khen ngợi, cổ vũ, vì chắc chắn, các em, với thái độ tích cực của mình, sẽ giúp mọi thứ, mọi việc các em làm trở nên có giá trị hơn.
Khi trưởng thành, trở thành công dân, trở thành người lao động, chúng ta đều thừa nhận sự quan trọng của thái độ, đến nỗi, câu cửa miệng là “thái độ quyết định chứ không phải trình độ”. Mà thái độ được tạo dựng bắt đầu từ sự hiểu về bản thân, rèn luyện quá trình tích lũy giá trị bản thân, tuân thủ/ hợp tác/ tích cực,… thích nghi với xã hội, với cuộc sống.