Hiệu ứng từ những mùa vàng

GD&TĐ - Vinh dự và tự hào biết bao khi trong 5 năm qua, kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam đều đạt kết quả hết sức ấn tượng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chỉ tính riêng giai đoạn 2017 - 2021, học sinh Việt Nam đã giành được 57 Huy chương Vàng, nhiều gấp hơn hai lần số Huy chương Vàng giai đoạn 2012 - 2016. Đặc biệt năm 2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các kỳ thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng tất cả thí sinh của 7 đoàn dự thi đều đoạt giải, gồm 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen (giải Khuyến khích). Chất lượng các bài thi thực hành ngày một cải thiện. Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại các kỳ thi Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì nước mạnh, nguyên khí suy thì nước yếu”. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục mũi nhọn, bồi  dưỡng nhân tài ngày càng được quan tâm đầu tư. Các môn thi Olympic quốc tế có vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ, lĩnh vực có tính cạnh tranh quốc tế cao về chất lượng nguồn nhân lực nên rất được các quốc gia chú trọng. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta cũng dành nhiều sự quan tâm cho giáo dục mũi nhọn, trong đó đội ngũ học sinh năng khiếu được xem là nguồn tuyển quan trọng cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân tài cho đất nước.

Những kết quả ấn tượng của học sinh Việt Nam qua các kỳ thi Olympic quốc tế là thành quả to lớn từ sự nỗ lực của thầy và trò, sự chung sức đồng lòng của phụ huynh và xã hội trong chăm lo, ươm mầm tài năng. Đồng thời thành quả này cũng cho thấy hướng đi đúng của ngành Giáo dục trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Nổi bật là những đổi mới căn bản, đồng bộ về quản lý trong công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển; Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác coi thi, chấm thi các vòng đảm bảo khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh; Duy trì, bổ sung chính sách tuyển thẳng vào ĐH, CĐ, ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ; Có chính sách khen thưởng động viên kịp thời và ngày càng tốt hơn cho thầy và trò, tạo động lực phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao của học sinh và các nhà trường…

Thành tích rực rỡ của học sinh giỏi Việt Nam tại các kỳ thi Olympic khu vực và thế giới đã khẳng định vị thế, bản lĩnh của học sinh Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế. Trong điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta còn nhiều khó khăn, thành tích này có thể xem là một kỳ tích. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi giáo dục đại trà của Việt Nam cũng đã đạt được kết quả tốt trong so sánh quốc tế, được ghi nhận trong các kỳ kiểm tra so sánh trình độ quốc tế như PISA.

Không chỉ khẳng định “màu cờ sắc áo”, những mùa vàng của học sinh giỏi Việt Nam qua các kỳ Olympic quốc tế  đã và đang tạo hiệu ứng tích cực đến dạy - học, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đó cũng là mục tiêu của toàn ngành, nhằm hướng đến thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.