Hiệu trưởng trường phổ thông & 5 nội dung cốt lõi trong đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Tạo môi trường giáo dục mới chính là vai trò quan trọng của người hiệu trưởng trường phổ thông là người gây dựng hệ sinh thái giáo dục thực hiện mục tiêu đổi mới, căn bản GD-ĐT.

Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (Quận 10, TPHCM) hóa trang thành ông già Noel phát quà cho học sinh. Ảnh: Thu Tâm
Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (Quận 10, TPHCM) hóa trang thành ông già Noel phát quà cho học sinh. Ảnh: Thu Tâm

Để làm được điều đó đòi hỏi người hiệu trưởng phải xác định đúng vai trò quan trọng của mình trong quá trình thiết lập, định hướng, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản lý và thúc đẩy các hoạt động khác tạo sự thành công cho đơn vị mình quản lý... 

Bài 2: Tạo môi trường giáo dục cho người dạy và người học

Vai trò xây dựng môi trường giáo dục dân chủ

Trong giai đoạn tới, hiệu trưởng là người định hướng dùng bộ sách giáo khoa nào cho phù hợp với địa phương mình nhưng phải đáp ứng nhu cầu xã hội. Đây là bài toán khó. Nếu lấy ý kiến dân chủ cả tập thể sư phạm cùng bàn, cùng đưa ra lựa chọn vậy có ổn không, người đứng đầu phải xử lý thế nào. Như vậy, hiệu trưởng cần cả Tâm, Tầm, Tài, nhưng cũng bản lĩnh và quyết đoán không kém những tướng lĩnh quân sự trong trận chiến. Ngoài ra, hiệu trưởng cần xây dựng nếp sống văn hóa nhà trường chuẩn mực và phát triển bền vững. Hiệu trưởng hôm nay còn cần kỹ năng tạo hiệu ứng cho mọi người phát biểu ý kiến để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ mà điều chỉnh phù hợp trong quản lý. Hiệu trưởng là người định hướng dư luận và dẫn dắt dư luận đúng khuôn phép của quốc gia.

Để đáp ứng tốt nội dung này, hiệu trưởng cần đảm bảo tốt 4 vai trò trọng tâm.

Thứ nhất là vai trò của người lập kế hoạch. Hiệu trưởng là người phải tiến hành việc lập kế hoạch hoạt động cho từng tuần, tháng, năm phù hợp với mục tiêu, phương hướng của nhà trường, của ngành Giáo dục, có biện pháp khả thi và biện pháp kiểm soát kế hoạch, trong đó luôn lưu ý nội dung cải tiến bộ máy tổ chức hoạt động.

Thứ hai là vai trò tổ chức thực hiện kế hoạch đã quyết định. Đây là khâu hiện thực hóa kế hoạch, ngoài việc chỉ đạo, quản lý, điều hành thì hiệu trưởng luôn phải kiểm tra, xem xét mắt xích nào yếu, thiếu, không đồng bộ phải có giải pháp phù hợp, kịp thời miễn làm sao toàn trường phải thực hiện hiệu quả kế hoạch đưa ra. Bộ sách giáo khoa mới và phương pháp giảng dạy mới chúng ta chưa triển khai những hiệu trưởng là người đầu tiên sau đó đội ngũ giáo viên cốt cán phải đầu tư chất xám, tư duy về nó.

Thứ ba, hiệu trưởng phải thể hiện được vai trò quan trọng trong điều khiển toàn bộ nhà trường. Hiệu trưởng phải phân việc, ủy quyền cho cấp dưới, trực tiếp giám sát, thực thi những những nội dung nào phải đảm bảo minh bạch. Hiệu trưởng phải thiết lập được hệ thống thông tin thông suốt từ cấp dưới lên cấp trên và ngược lại, đồng thời phải thiết lập các mối quan hệ bên trong và ngoài nhà trường có hiệu quả.

Cuối cùng, hiệu trưởng phải thể hiện vai trò kiểm soát được toàn bộ công việc trong trường cũng như nguồn lực trong và ngoài nhà trường (nhân lực, tài lực, vật lực). Hiệu trưởng là người có kế hoạch và định hướng cho từng đối tượng tự xây dựng nội quy và tự thực hiện nhưng phải dưới sự chỉ đạo tập trung, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đây là nội dung hiệu trưởng phải thực hiện vì môi trường giáo dục mở cửa hội nhập với thế giới. Giáo dục không thể đóng khung trong lối dạy và phạt truyền thống.

Vai trò xây dựng văn hóa trường học

Xây dựng văn hóa trường học trong giai đoạn hiện nay không chỉ trong ngành Giáo dục quan tâm mà cả xã hội quan tâm. Trước vấn nạn bạo lực, bạo hành học đường ngày càng gia tăng, hiệu trưởng phải phát huy cao độ vai trò của nhà quản lý để hạn chế tối đa những vấn đề này.

Bởi lẽ, hiệu trưởng là người quyết định việc hình thành các chuẩn mực, giá trị cốt lõi, niềm tin trong nhà trường. Sự quan tâm, chú ý của hiệu trưởng vào các vấn đề nào sẽ tạo sự chú ý chung trong toàn cơ quan. Để phát huy bản sắc văn hóa nhà trường, hiệu trưởng vừa thực hiện vai trò của một nhà quản lý vừa thực hiện vai trò của một nhà lãnh đạo. Với vai trò lãnh đạo nhà trường, hiệu trưởng chính là người định hướng và là tiêu biểu cho văn hóa nhà trường, là tâm điểm thống nhất các giá trị trong trường học. Với vai trò nhà quản lý, hiệu trưởng phải quản lý được sự thay đổi trong giai đoạn hiện nay.

Trong xây dựng văn hóa trường học, hiệu trưởng cần có tính quyết đoán, độc lập, không thể lệ thuộc, không thể chờ vào sự hướng dẫn của người khác để do dự, thụ động mà chỉ có thể tham khảo mọi ý kiến, tư vấn để đưa ra quyết định một cách tự tin. Phải có bản lĩnh thì mới đưa ra được quyết định chiến lược, các phương án hoạt động, các mục tiêu dài hạn, ngắn hạn để lãnh đạo tổ chức đi đến thành công.

Sức mạnh của nhà trường chính là sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất là nhân tố quyết định thắng lợi của tập thể nhà trường. Trong môi trường sư phạm, giá trị của sự đoàn kết hết sức quan trọng. Nó tạo ra bầu không khí vui vẻ, thoải mái, kích thích sự khám phá, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời tạo ra môi trường thi đua lành mạnh, phát huy được khả năng của các cá nhân và sức mạnh của tập thể, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Chính vì vậy, người đứng đầu nhà trường phải ý thức và nêu gương về tinh thần đoàn kết, thân ái.

Mỗi nhà trường đều có lịch sử tồn tại và phát triển. Sự tồn tại và phát triển qua thời gian đã tạo ra những giá trị văn hóa nhất định. Do đó, hiệu trưởng cần phải nhận ra đâu là những giá trị văn hóa đích thực, cốt lõi, có giá trị đặc trưng của nhà trường tạo nên sự khác biệt về bản sắc với các trường khác để nuôi dưỡng, vun trồng. Để thực hiện được điều này, hiệu trưởng có vai trò vô cùng quan trọng, họ trở thành một biểu tượng nhân cách văn hóa tiêu biểu trong việc thực hành các giá trị văn hóa nhà trường để mọi thành viên tin tưởng đi theo con đường đã được lựa chọn.

Vai trò kết nối

Hiệu trưởng phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng là gắn kết toàn bộ cơ quan đơn vị thành một khối thống nhất, tạo sức mạnh đoàn kết. Nhưng đồng thời, hiệu trưởng cũng là người kết nối giữa nhà trường và các tổ chức, đoàn thể, chính trị xã hội bên ngoài trường thực hiện nhiều mục đích khác nhau. Đảm nhiệm vai trò này, chúng tôi đưa ra hai nội dung trọng yếu mà người hiệu trưởng cần thực hiện.

Thứ nhất, hiệu trưởng thực hiện vai trò kết nối của mình với tập thể sư phạm nhưng đồng thời cũng kết nối với toàn xã hội. Kết nối trong trường chính là họ phải nhận thức đúng năng lực thật từng giáo viên để xây dựng chiến lược phát triển cho nhà trường. Hiệu trưởng tham vọng đổi mới trong một tập thể sư phạm và cơ sở vật chất chưa cho phép sẽ dẫn tới ông ta đi quá nhanh, sẽ đơn độc, để lại phía sau một đội ngũ rời rạc, thiếu kết nối và hệ quả là một tập thể trì trệ, thiếu bản sắc.

Để thành công, hiệu trưởng phải nhận diện được những giáo viên sáng tạo, phát triển bồi dưỡng họ thành nhân tố chủ chốt, trao quyền và cơ hội để họ có thể phát huy năng lực cá nhân. Ai không theo kịp sẽ phải tự điều chỉnh hoặc ra khỏi tổ chức. Kết nối với xã hội là tạo ra nền tảng cho cả xã hội nhận thức đúng giá trị, phương hướng, nhiệm vụ đồng thời là chiến lược phát triển của nhà trường. Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, hiệu trưởng phải tăng vai trò kết nối tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội.

Thứ hai, hiệu trưởng cần đóng vai trò nhà ngoại giao, người quảng bá sản phẩm giáo dục. Ngoại giao giỏi, nhà trường phát triển, danh tiếng được khẳng định, ngoại giao yếu kém xã hội không nhận ra giá trị cốt lõi, sứ mệnh, mục tiêu, dẫn tới thiếu niềm tin, không cho con tới học. Như vậy, hiệu trưởng vừa là nhà ngoại giao – xây dựng, phát triển các mối quan hệ - vừa là nhà hoạch định chiến lược phát triển nhà trường đáp ứng nhu cầu của xã hội, người học.

Hiệu trưởng là người đứng đầu, đi đầu trong hoạt động, là điểm tựa vững chắc và tạo động lực phát triển cho mọi thành viên trong nhà trường. Xu thế hội nhập sâu, rộng của xã hội, trường học là hạt nhân, hiệu trưởng phải là nhà khoa học quản trị, nhà ngoại giao, nhà hoạch định chiến lược tài năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.