Hiệu trưởng – “linh hồn” của nhà trường

GD&TĐ - Theo thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, Giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TP.HCM: Trong trường học, hiệu trưởng giữ một vai trò quan trọng, là “linh hồn” của nhà trường, quyết định sự thành bại của cả một tập thể. 

Hiệu trưởng – “linh hồn” của nhà trường

Đổi mới tư duy cách nghĩ, cách làm để trở thành người hiệu trưởng biết vận dụng sự sáng tạo và phát huy hết khả năng, năng lực, tiềm năng của từng thành viên trong nhà trường góp phần “xây dựng một thương hiệu riêng cho đơn vị".
Để thực hiện điều này, hiệu trưởng cần phải có “tham vọng” để phát triển nhà trường chứ không chỉ bằng lòng với những gì mình đã làm hoặc đã có. Tạo ra một sự thay đổi xuất phát từ mong muốn vươn lên trong giảng dạy và các hoạt động khác của trường nói chung. Từ đó thuyết phục được giáo viên trong trường nỗ lực hướng đến mục tiêu chung.

Đây có thể gọi là một quá trình tập hợp sức mạnh của nhà trường để tạo ra một “sự chuyển đổi”.

Thực tế cho thấy, để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo thì việc đổi mới công tác quản lý được coi là khâu đột phá, có tính then chốt. Muốn đạt được những điều đó, theo bản thân tôi hiệu trưởng cần có những yếu tố sau:
Yếu tố kết nối

Giáo dục là một loại hình lao động đặc thù nên nhà quản lý với vai trò là một hiệu trưởng phải đảm đương hai nhiệm vụ: Một là, quản lý về mặt chuyên môn, hai là quản lý về mặt nhân sự - con người. 
Hiệu trưởng không chỉ là đóng vai trò thủ lĩnh dẫn dắt hội đồng sư phạm mà còn là người biết kết nối các giáo viên để mỗi thành viên trong nhà trường hoàn thành trọng trách của mình. Đối xử công bằng với giáo viên và nhân viên, tránh định kiến cá nhân. Đây là cách ứng xử góp phần tạo nên sự đoàn kết trong tập thể.

Nếu hiệu trường thiên vị hay ác cảm trong đối xử với cấp dưới thì tập thể trong đơn vị sẽ phân hóa thành 3 nhóm: nhóm thân tín với hiệu trưởng; nhóm bị thành kiến; nhóm trung gian. Sự kết hợp nhịp nhàng từ Hiệu trưởng, giáo viên đến cô lao công, anh bảo vệ trong các hoạt động của nhà trường sẽ giúp cho nhà trường luôn có sự gắn bó, đoàn kết tránh tình trạng chia rẻ, tạo “nhóm” trong nhà trường.
Vì thế, Hiệu trưởng phải là người có tầm nhìn xa, có sự kết nối giữa các thành viên trong nhà trường. Mặt khác, Hiệu trưởng phải là người có khả năng đánh giá đúng người khác, và khả năng thu phục nhân tâm, bởi nhiệm vụ trọng yếu bậc nhất của Hiệu trưởng là đặt đúng người vào đúng chỗ.
Yếu tố động lực
Tất cả Hiệu trưởng đều gặp phải những thử thách khi muốn tạo ra sự thay đổi trong nhà trường. Do hầu hết giáo viên đã quen với “nếp” công việc của Ban giám hiệu tiền nhiệm, giáo viên ngại thay đổi, ngại phải đối mặt với những khó khăn phía trước,…
Để từng thành viên trong nhà trường đồng thuận và cùng chung tay làm việc thì Hiệu trưởng phải biết tạo dựng động lực. Động lực là tri kỷ của một Hiệu trưởng. Đôi khi đó là khác biệt duy nhất giữa thất bại và chiến thắng. Khi Hiệu trưởng có động lực thì giáo viên coi họ là thiên tài. Họ quên ngay những khuyết điểm trong quá khứ. Họ quên đi những sai sót đã mắc phải. Động lực làm thay đổi cái nhìn của mọi người đối với Hiệu trưởng.
Khi Hiệu trưởng vừa mạnh mẽ vừa có khả năng tạo động lực trong nhà trường, thì cả tập thể sẽ được thúc đẩy và được truyền cảm hứng để làm được nhiều việc hơn, chất lượng cao hơn. Hiệu quả công việc, thậm chí vượt cả hi vọng và mong đợi của họ.
Mỗi thành viên trong nhà trường là một cá thể. Cá thể đó sẽ phát huy hết năng lực, khả năng của mình khi được Hiệu trưởng “trao” cho họ một môi trường và một động lực để thực hiện. Mọi bộ phận tự chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, trước kết quả mỗi công việc họ được giao. Họ luôn được khích lệ làm theo cách riêng của mỗi người nhưng lại hoàn thành xuất sắc sứ mệnh chung của nhà trường.
Yếu tố lắng nghe
“Biết lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu” những tâm tư và nguyện vọng của giáo viên và nhân viên, học sinh là mong muốn của rất nhiều thành viên trong nhà trường.

Học sinh tham gia đối thoại học đường, chia sẻ ý kiến với Ban giám hiệu và các thầy, cô giáo tổ bộ môn (ảnh minh họa)
Học sinh tham gia đối thoại học đường, chia sẻ ý kiến với Ban giám hiệu và các thầy, cô giáo tổ bộ môn (ảnh minh họa)

Đây là cách ứng xử trên tinh thần tôn trọng cấp dưới. Những ý kiến của cấp dưới dù cùng chiều hay trái chiều, người làm công tác quản lí cũng cần phải biết lắng nghe với thái độ chăm chú, trân trọng; biết lắng nghe những ý kiến phê bình hoặc những kiến nghị của giáo viên để có cách ứng xử thích hợp.

Việc lắng nghe ý kiến của cấp dưới có nhiều tác dụng. Nhờ đó, người quản lý biết được tình hình hoạt động của đơn vị; biết được tâm tư, nguyện vọng của các thành viên trong nhà trường để kịp thời điều chỉnh hoạt động quản lý; biết được mức độ chính xác và hợp lý của những quyết định. Từ đó, người quản lý có thể khai thác, phát huy sức mạnh trí tuệ của tập thể, khuyến khích tính tích cực sáng tạo của cấp dưới.

Khi lắng nghe ý kiến của giáo viên, nhân viên, học sinh của mình, người Hiệu trưởng cần phải đặt mình vào vị trí của họ để đồng cảm với những suy nghĩ của họ. Khéo léo giải thích, bày tỏ quan niệm của mình để khích lệ họ tham gia ý kiến vào các hoạt động của nhà trường, theo tinh thần phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể trong nhà trường: “Nói làm sao để người ta chịu nghe và nghe làm sao để người ta chịu nói”.

Hiệu trưởng luôn nhớ một điều là “người ta chỉ bỏ lãnh đạo chứ không bỏ việc” và làm việc gì cũng phải có trách nhiệm, có tấm lòng để “giữ cái tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ