Hiệu trưởng Hà Nội – Amsterdam chia sẻ kinh nghiệm thi Intel Isef quốc tế

Hiệu trưởng Hà Nội – Amsterdam chia sẻ kinh nghiệm thi Intel Isef quốc tế
Học sinh trung học Việt Nam thi tài tại cuộc thi khoa học quốc tế Intel Isef 2013
Học sinh trung học Việt Nam thi tài tại cuộc thi khoa học quốc tế Intel Isef 2013

(GD&TĐ) - Vinh dự được thay mặt các trường phổ thông Việt Nam tham gia Hội thi Khoa học và Kỹ thuật quốc tế Intel Isef và đạt thành tích cao 2 năm liên tiếp, bà Lê Thị Oanh – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho biết, đó là kết quả từ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả thầy, trò và lãnh đạo nhà trường.

Ý tưởng phải mới

Theo bà Lê Thị Oanh, đội tuyển mạnh cần có một đề tài nghiên cứu khoa học tốt. Đề tài không cần quá cao siêu và cũng không nhất thiết phải nghiên cứu về những vấn đề có ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng điều bắt buộc phải có đó là ý tưởng mới.

Điểm mới nếu không nằm ở vấn đề thì sẽ nằm ở cách giải quyết vấn đề. Một đề tài dù được thực hiện cẩn thận và chuyên nghiệp nhưng sao chép ý tưởng của người khác sẽ không bao giờ được đánh giá cao, thậm chí sẽ bị loại ngay ở vòng đầu tiên.

Như vậy, giáo viên hướng dẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng cho học sinh. Các giáo viên đó cần được trang bị các công cụ và kỹ năng tìm kiếm để đảm bảo ý tưởng mà học sinh nêu ra chưa từng được thực hiện, hoặc nếu có là ở một khía cạnh khác.

Quan trọng hơn tất cả, đề tài phải là ý tưởng của học sinh. Nếu học sinh chỉ nghiên cứu những gì giáo viên hướng dẫn hoặc bày sẵn sẽ không bao giờ có được niềm đam mê thực sự. Chí những học sinh thực sự đam mê, sẵn sàng hy sinh và cống hiến mới có thể thực hiện được những đề tài thành công. Bởi, một ý tưởng dù tốt đến đâu nhưng nếu được thực hiện hời hợt sẽ không bao giờ được đánh giá cao.

Intel Isef có khá nhiều quy định an toàn mà tất cả các đề tài phải tuân theo. Đối với những đề tài mà theo đó học sinh làm việc và tiến hành nghiên cứu trong môi trường nguy hiểm cần được tiến hành đặc biệt cẩn thận, nếu không sẽ không được đánh giá cao vì có thể gặp rắc rối hơn với vấn đề an toàn.

Một điều khác cần cân nhắc kỹ là số thành viên của mỗi nhóm. Theo quy định, số thành viên tối đa cho phép trong một nhóm là 3, tuy nhiên đây không hẳn là con số lý tưởng. Việc lập nhóm 2 người hoặc nghiên cứu độc lập có thể là gợi ý lý tưởng để tránh hay giảm thiểu những khó khăn như xung đột nhóm, khác nhau về lịch học...

Khuyến khích xứng đáng

Hiệu trưởng
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam Lê Thị Oanh

Sau khi đã hình thành được một số đội tuyển cấp trường, điều cần chú ý thực hiện ngay là việc đào tạo các đội tuyển và các điều kiện đảm bảo quy trình tập huấn. Về điều kiện cơ sở vật chất, học sinh thực hiện đề tài rất cần sử dụng phòng thí nghiệm, thư viện và các không gian trong và ngoài trường để tiến hành thí nghiệm.

Nhà trường cũng cần tạo điều kiện tối đa để cho phép, ủng hộ và tranh thủ được sự trợ giúp của các tổ chức trong và ngoài nhà trường cùng phối hợp, hỗ trợ học sinh tích cực, hiệu quả nhất.

Đồng thời, ưu tiên đặc biệt về thời gian cho những học sinh này để các em có điều kiện theo tiến độ thực hiện các đề tài tham gia kỳ thi cấp thành phố, quốc gia và quốc tế.

Không chỉ học sinh, người giáo viên hướng dẫn cũng đảm trách vai trò, chức năng, nhiệm vụ không hề dễ dàng, liên quan đến những công việc cụ thể, đòi hỏi nỗ lực toàn diện về thời gian, trí tuệ, sức lực, tâm huyết và tính đáp ứng một cách linh hoạt.

Giáo viên hướng dẫn phải là người có kinh nghiệm, tâm huyết, hiểu biết chuyên môn và có trình độ tiếng Anh. Vậy nên nhà trường đã có những chế độ khuyến khích, động viên hợp lý hơn với những đội ngũ này.

Thêm một lưu ý không hề nhỏ đối với bất kỳ đề tài nghiên cứu khoa học nào đó là vấn đề kinh phí. Một đề tài dù lớn hay nhỏ đều đòi hỏi một nguồn lực tài chính nhất định. Ngay cả một đề tài nghiên cứu lý thuyết, học sinh cũng cần mua sách tham khảo để bổ sung kiến thức. Nên nếu có thể, các nhà trường nên cân nhắc và dành một khoản ngân sách nhỏ, hoặc hướng dẫn, kết nối các em với các nhà tài trợ để phần nào trợ giúp học sinh về kinh phí.

Làm quen với quy trình quốc tế

Ở kỳ thi cấp quốc tế, học sinh sẽ phải hoàn thành đầy đủ các văn bản quốc tế yêu cầu. Dù ở lỳ thi cấp thành phố và quốc gia chưa yêu cầu, nhưng nhà trường nên giúp học sinh làm quen trước với các tiêu chuẩn quốc tế này. Việc hoàn thành các loại văn bản không mất nhiều thì giờ nếu biết cách tổ chức hợp lý và có sự hướng dẫn cặn kẽ.

Mặt khác, nên khuyến khích học sinh tham gia vào cuộc thi từ lớp 10 để khi vào lớp 11 các em đã quen với việc tìm đề tài, hoàn thành các văn bản theo yêu cầu, từ đó tiết kiệm thời gian để tập trung vào tư duy nghiên cứu.

Lưu ý, học sinh phải hoàn thành nhật ký nghiên cứu, đây là khâu quan trọng trong quy trình nghiên cứu khoa học và là một thói quen nên luyện tập. Đây cũng là quy trình mà các giám khảo quốc tế hay quan tâm. Về mặt kỹ thuật, nhật ký sẽ cho thấy toàn bộ tiến trình khoa học của quy trình nghiên cứu đề tài (các bước của đề tài, từ việc ra đời, nuôi dưỡng ý tưởng đến kế hoạch thực hiện ý tưởng và kết quả thí nghiệm).

Nhật ký nghiên cứu là bằng chứng cho thấy các học sinh đã tự mình làm nghiên cứu chứ không phải do giáo viên làm hộ. Nhưng ý nghĩa sâu xa hơn ẩn chứa trong nhật ký nghiên cứu và giám khảo muốn thẩm định lại sự phát triển không ngừng nghỉ trong đam mê khoa học của mỗi cá nhân tham gia đề tài.

Nhà trường cũng nên tổ chức các buổi tiếp xúc giữa học sinh với các nhà khoa học, luyện tập thuyết trình bằng tiếng Anh giữa các nhóm và các đề tài nghiên cứu với nhau. Đây là cơ hội tốt để học sinh luyện tập kỹ năng thuyết trình trước đám đông.

Cũng nên lưu ý, trong kỳ thi cấp quốc tế, các giám khảo sẽ yêu cầu học sinh (nhóm học sinh) trình bày về đề tài của mình trong khoảng thời gian ngắn (từ 2 – 5 phút). Do vậy, học sinh cần luyện tập để tóm tắt một cách thông minh nhất nội dung thuyết trình, ngắn ngọn nhưng phải làm rõ các nội dung thiết yếu một cách xúc tích nhất, đặc biệt về tính mới của đề tài.


Hiếu Nguyễn (ghi)

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...