Hiệu trưởng chiếm đường dân sinh xây nhà: Huyện chỉ đạo tháo dỡ

GD&TĐ - Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, huyện sẽ yêu cầu bà Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạch Hải tháo dỡ công trình nhà ở lấn chiếm đường dân sinh ở xã Thạch Khê.

UBND huyện Thạch Hà yêu cầu gia đình bà Tâm tháo dỡ phần diện tích xây dựng lấn chiếm.
UBND huyện Thạch Hà yêu cầu gia đình bà Tâm tháo dỡ phần diện tích xây dựng lấn chiếm.

Liên quan đến việc, bà Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạch Hải, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) lấn chiếm hàng trăm m2 đường dân sinh để xây nhà, trả lời Báo GD&TĐ, ông Hoàng Việt Hùng - Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Hà khẳng định, huyện sẽ yêu cầu bà Tâm buộc phải tháo dỡ phần diện tích công trình vi phạm lấn chiếm đường dân sinh ở thôn Đồng Giang, xã Thạch Khê.

Theo ông Hùng, trước đây gia đình bà Phạm Thị Tâm được nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 200 m2, đến nay diện tích đất cấp không thay đổi. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đất, gia đình bà Tâm đã sử dụng chồng lên cả diện tích đất thửa màu, diện tích đất này chưa được chuyển đổi, chưa được hợp thức hóa .

“Sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đã kiểm tra và yêu cầu gia đình bà Tâm buộc phải tháo dỡ phần diện tích công trình lấn chiếm là hơn 1,1m để trả lại lối đi lại cho người dân” - ông Hùng thông tin.

Ông Trần Việt Hà - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cũng khẳng đinh: Huyện đã chỉ đạo Phòng TNMT phối hợp các đơn vị liên quan, đo đạc lại toàn bộ diện tích hộ dân lấn chiếm, nếu không đúng như thực tế trong bìa đất thì buộc phải tháo dỡ phần công trình đã xây dựng.

Người dân viết đơn gửi Chủ tịch tỉnh

Ở một diễn biễn khác, ông Phan Công Dũng (một người dân địa phương) cho rằng việc UBND huyện Thạch Hà tháo dỡ diện tích hơn 1,1m là chưa thỏa đáng. Theo đó, ông đã làm đơn kiến nghị lên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh yêu cầu xem xét lại, giải quyết công minh, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Bởi theo ông Dũng thì phần diện tích bà Tâm lấn chiếm là 3m chứ không phải hơn 1,1 m như kết luận của UBND huyện Thạch Hà đã nêu.

Đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh của ông Phan Công Dũng.

Đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh của ông Phan Công Dũng.

Cụ thể, trong đơn kiến nghị, ông Dũng viết: “Chúng tôi không nhất trí với kết luận giải quyết của UBND huyện Thạch Hà. Đất cô Tâm được cấp với diện tích 200m2, sau khi mở động đường Tỉnh lộ 26 được đền bù hàng chục m2, thì không có nghĩa lô đất cô Tâm vẫn giữ nguyên 200m2 nữa?! Hơn thế nữa, sau nhiều năm, diện tích đất nhà cô Tâm không những giảm đi mà còn tăng lên 329,8m2. Chà nhẽ cô Tâm “đẻ” được đất?”.

“Trong kết luận, Phòng TN&MT huyện Thạch Hà cho rằng, cô Tâm không lấn chiếm đất nhưng từ 10m chiều rộng nay thực tế là 11,3m; Từ chiều dài 20m sau khi nhận tiền đến bù mất mấy mét, hiện nay thực tế là 29,9m”- ông Dũng đưa ra bằng chứng.

Chiếm đất rồi xây nhà, công trình vệ sinh ngay trên đường dân sinh. Trong lúc các hộ dân khác làm thẳng, riêng nhà cô Tâm làm lấn ra hẳn 3m, ai đi qua cũng nói đây là một công trình đầy phản cảm. Thế nhưng, UBND huyện Thạch Hà chỉ yêu cầu gia đình bà Tâm lùi vào 1,1m thì không thể chấp nhận được, không thể răn đe được quần chúng. Tôi yêu cầu các cấp có thẩm quyền vào cuộc xem xét thực tế, trả lại nguyên trạng đường cho người dân, đúng nghĩa của thôn kiểu mẫu nông thôn mới xã Thạch Khê”.

Trước đó, như Báo GD&TĐ đã thông tin, việc người dân thôn Đồng Giang, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, phản ánh: Trong quá trình xây dựng nhà, gia đình bà Phạm Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạch Hải, đã lấn chiếm một phần đường dân sinh, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến lối đi lại của người dân. Điều đáng nói là sự việc trên kéo dài nhiều năm, người dân nhiều lần bức xúc phản ánh lên chính quyền địa phương, thế nhưng đến nay vẫn không được giải quyết, trái lại công trình vẫn tiếp tục được thi công dưới sự “bất lực” của chính quyền xã.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.