Ông Lương Đào Quốc Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thiết, Bình Thuận: Hơn 10% chênh lệch giữa cụm thi địa phương và đại học là hợp lý
Năm nay, toàn tỉnh Bình Thuận có 11.824 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có 10.199 em đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 86,26%.
Riêng Trường THPT Phan Thiết có 524 học sinh dự thi với 445 em đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 84,92%. Tỷ lệ này không có gì bất ngờ.
Bộ GD&ĐT cũng đã công bố kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước. Theo đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 khối THPT đạt 93,42%, khối GDTX đạt 70,08%, bình quân chung là 91,58%.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đối với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do sở GDĐT chủ trì là 84,45% và ở các cụm thi do trường đại học chủ trì là 94,74%.
Bộ cũng công bố công khai phổ điểm với mức điểm rơi chủ yếu vào khu vực trung bình, số điểm cao ít dần, đặc biệt điểm 9, 10 rất ít.
Điều này thể hiện đề thi hợp lý, có sự phân hóa, đáp ứng được hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Đề thi như thế này cũng sẽ tác động trở lại một cách tích cực đến mục tiêu và thái độ của học sinh trong nhà trường.
Từ con số chung của cả nước do Bộ GD&ĐT công bố, đến con số riêng của tỉnh Bình Thuận và Trường THPT Phan Thiết, tôi cho rằng, cả phổ điểm và tỷ lệ tốt nghiệp đều phản ánh đúng, sát với thực tế dạy học ở các trường THPT cũng như phản ánh được chất lượng đầu vào và đầu ra của từng trường.
Sự chênh lệch khoảng 10% về tỷ lệ tốt nghiệp giữa các cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì và cụm thi do trường ĐH chủ trì cũng là hợp lý. Vì trên thực tế, cụm thi do trường ĐH chủ trì tập trung nhiều thí sinh có sức học tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Định – Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp): Kết quả tốt nghiệp phản ánh khá khách quan năng lực của học sinh
Kết quả tốt nghiệp dù thấp hơn năm trước nhưng phản ánh khá khách quan năng lực của học sinh. Kết quả kỳ thi khá tương đồng với việc kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh tại của nhiều nhà trường
Kết quả này cũng là minh chứng cho công tác chấm thi được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo khá công bằng cho thí sinh.
Phổ điểm phẩn bổ khá hợp lý khi điểm ở mức trung bình chiếm tỉ lệ cao nhất đảm bảo cho xét tốt nghiệp, trong khí điểm khá giỏi với số lượng ít dần sẽ giúp cho các trường đại học dễ dàng hơn trong công tác tuyển sinh và tuyển chọn được những sinh viên tài giỏi thực sự.
Tuy nhiên, việc có khá nhiều thí sinh bị điểm khống chế cũng là điều rất đáng lo cho quá trình giảng dạy của một số nhà trường và một số địa phương, đặc biệt là việc đánh giá thường xuyên đối với học sinh nhiều khi còn chưa phản ánh đúng năng lực của các em.