Hiệu quả và tác động Chương trình SEQAP ở Bến Tre

GD&TĐ - Qua 6 năm tổ chức, triển khai và thực hiện, giáo dục Bến Tre nói chung và 48 trường tham gia Chương trình SEQAP nói riêng đã có sự chuyển biến tích cực, đó chính là hiệu quả và tác động từ Chương trình SEQAP.

Chất lượng giáo dục được nâng cao nhờ làm tốt công tác bán trú
Chất lượng giáo dục được nâng cao nhờ làm tốt công tác bán trú

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Ông Trần Văn Liêm - Trưởng hòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Bến Tre) - cho biết: Năm học 2015-2016, Bến Tre có 48 trường, 829 lớp, 23.276 HS tham gia SEQAP.

Các trường được chọn tham gia Chương trình SEQAP đều đạt các tiêu chí qui định. Cán bộ, giáo viên và nhân viên các trường có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác, chấp hành tốt sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo. Đa số các trường đã có tổ chức dạy 2 buổi/ngày.

Tuy nhiên, các trường cũng gặp nhiều khó khăn khi cán bộ, giáo viên, nhân viên và cộng đồng chưa hiểu rõ về mô hình dạy học cả ngày, hiểu về quan điểm, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cả ngày. Một số cha mẹ học sinh không đồng tình cho con em học 2 buổi/ngày.

Đa số các trường chỉ có một số lớp học 2 buổi/ngày, tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày còn thấp. Việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cũng còn hạn chế do không đủ thời gian, chủ yếu chỉ tập trung dạy - học các môn văn hóa.

Trên cơ sở công văn chỉ đạo của Chương trình, hằng năm Sở có công văn hướng dẫn các phòng giáo dục chỉ đạo triển khai dạy học cả ngày, trong đó tập trung quán triệt trong đội ngũ giáo viên nhà trường về lộ trình chuyển đổi từ dạy học nửa ngày sang dạy học cả ngày.

Sở GD&ĐT cũng tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong cha mẹ học sinh và cộng đồng bằng nhiều hình thức khác nhau như các bản tin trên đài truyền thanh xã, phổ biến trong các phiên họp Ban Đại diện cha mẹ học sinh, Đại hội cha mẹ học sinh… nhằm giúp mọi người nắm được tầm quan trọng, sự cần thiết phải chuyển sang dạy học cả ngày.

Các trường chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất như phòng học, chỗ ăn, chỗ nghỉ trưa, chỗ để học sinh tham gia sinh hoạt các nhóm sở thích. Thêm vào đó là sự chuẩn bị về nhân lực, về tài chính... để tổ chức hoạt động dạy học cả ngày.

Các trường cũng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy - học, đảm bảo mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh; đặc biệt quan tâm tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, tổ chức tốt các hoạt động trong giờ nghỉ trưa tại trường cho học sinh.

Đồng thời tạo sự tin tưởng của cha mẹ học sinh trong việc hỗ trợ cùng với nhà trường ủng hộ cho con em tham gia học cả ngày, thực hiện tốt kế hoạch chuyển từ học nửa ngày sang học cả ngày.

SEQAP góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Bàn về hiệu quả khi thực hiện Chương trình SEQAP, ông Trần Văn Liêm nhận định: Sau 5 năm thực hiện chương trình, hầu hết cán bộ quản lý và giáo viên nhận thức đúng về việc chuyển đổi sang dạy học cả ngày là phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam.

Ngoài ra, chương trình hỗ trợ cơ sở vật chất, bữa ăn trưa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Năng lực của cán bộ quản lý được nâng lên thông qua việc vận dụng các mô-đun đã tập huấn để xây dựng kế hoạch, quản lý hoạt động dạy học phù hợp thực tế của đơn vị.

Giáo viên hiểu và vận dụng tốt “kỹ thuật dạy học” vào việc giảng dạy ở trường, lớp phụ trách. Thực hiện việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng lấy HS làm trung tâm, tổ chức câu lạc bộ học sinh ở trường học một cách có hiệu quả, góp phần nâng chất lượng dạy và học.

Bên cạnh đó, phương pháp “Bàn tay nặn bột” đặc biệt được giáo viên và cán bộ quản lý quan tâm. Thông qua các hoạt động thực hành, học sinh là người chủ động trong hoạt động học tập, tự xây dựng kiến thức thông qua khám phá, thử nghiệm, thảo luận, hợp tác với bạn, dưới sự định hướng, giúp đỡ của giáo viên.

Qua đó, học sinh nắm vững kiến thức, phát triển năng lực nhận thức và tư duy sáng tạo, phát triển năng lực quan sát, thực hành; kỹ năng làm việc hợp tác theo nhóm… góp phần phát triển năng lực tự học. Rèn kỹ năng diễn đạt qua ngôn ngữ nói và viết, giúp học sinh phát triển khả năng diễn đạt, ngôn ngữ khoa học.

Qua việc tích cực tham gia các hoạt động, học sinh hình thành tác phong và thói quen làm việc khoa học, thói quen độc lập suy nghĩ, sáng tạo trong hành động, có lợi cho việc học tập và nghiên cứu sau này. Học sinh cũng được bồi dưỡng lòng yêu thích và say mê khoa học.

Chất lượng giáo dục hàng năm của các trường tham gia SEQAP từng bước được kéo giảm cách biệt so bằng với mặt bằng chung của tỉnh.

Mặc dù các trường tham gia Chương trình SEQAP là những trường khó khăn trong tỉnh nhưng đến cuối Chương trình chất lượng giáo dục đạt được cao hơn mặt bằng chung của tỉnh.

Qua việc tổ chức cho HS ăn nghỉ trưa tại trường, sinh hoạt ngoại khóa... đã tạo cơ hội cho HS xây dựng mối quan hệ nhóm, tập thể, có điều kiện để trải nghiệm bản thân, đặc biệt HS được nâng cao kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tự phục vụ, phát triển năng khiếu, sở trường cá nhân... đã giúp học sinh hình thành và phát triển nhân cách tốt nhất, nâng cao được chất lượng giáo dục toàn diện.

Có nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi: Olympic Toán, Violympic Tiếng Anh, Hội thi Kể chuyện sách, Hội thi Vẽ tranh, Hội thi “Tiếng hát hoa phượng đỏ”...

Nhờ tổ chức bán trú, có những phần thưởng động viên khích lệ cho học sinh đi học đều, thưởng học sinh học giỏi nên số học sinh nghỉ học, bỏ học ngày càng được kéo giảm. Đến cuối Chương trình thì các trường tham gia SEQAP đều không có học sinh bỏ học.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Thành B, 1 trong 5 trường của huyện Chợ Lách tham gia Chương trình - chia sẻ:

Chương trình đã mang lại hiệu quả tích cực, bước đầu giải quyết được nhiều khó khăn, đặc biệt là phát huy được hiệu quả trong hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Hiện nay, khi tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các trường thường không có kinh phí, trong khi đây lại là 1 trong 2 hoạt động chính để nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần phát triển toàn diện cho học sinh bậc tiểu học.

Hiện tại, nhà trường tổ chức ăn trưa, bán trú cho 200 học sinh. Quỹ giáo dục hỗ trợ 150 học sinh nghèo (số còn lại xã hội hóa) mỗi tuần 2 suất ăn với số tiền 15 ngàn đồng/suất ăn.

Với kinh phí hỗ trợ, trường nấu ăn cho học sinh nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có điều kiện đổi khẩu phần ăn thường xuyên giúp các em ăn ngon miệng, đảm bảo chất lượng bữa ăn.

Phát huy những kết quả đã đạt được từ sự hỗ trợ của Chương trình SEQAP, Sở GD&ĐT Bến Tre tiếp tục chỉ đạo duy trì mô hình dạy học cả ngày ở các trường tham gia SEQAP, đồng thời nhân rộng ra tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2020, 100% học sinh các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều được học 2 buổi/ngày và có tổ chức bán trú ở những trường có điều kiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ