1,15 triệu LĐNT được đào tạo các nghề nông nghiệp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn 2016 – 2019, đã đào tạo được 1,15 triệu lao động nông thôn (LĐNT) học nghề nông nghiệp, đạt 82% kế hoạch của giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể, đã đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT có trình độ Sơ cấp, dưới 3 tháng 845 nghìn người, trình độ Trung cấp, Cao đẳng 305 nghìn người. Ngoài ra, các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã đã đào tạo theo yêu cầu xã hội hóa, các chương trình, dự án cho hàng nghìn lao động nông nghiệp.
Đáng chú ý, 300 nghìn LĐNT đã tham gia vào các mô hình đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, gắn với chuỗi sản xuất trong vùng nguyên liệu của Tổng công ty Cao su, chuỗi sản xuất lúa gạo cho lao động cho vùng nguyên liệu Tổng công ty Lương thực miền Nam, sản xuất rau an toàn cho LĐNT liên kết với các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn các thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng,… Sau đào tạo, nhiều lao động đã được tham gia trực tiếp vào các doanh nghiệp, bảo đảm sản xuất đúng quy trình, chất lượng sản phẩm tiêu thụ.
Đã có 260 nghìn LĐNT là thành viên hợp tác xã, trang trại được đào tạo nghề, kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGap, gắn với các hoạt động liên kết để tiêu thụ các sản phẩm như: Nấm, Cà phê, Chè, Rau an toàn,… Ngoài đào tạo nghề kỹ thuật, các địa phương đã tập trung đào tạo hàng chục nghìn người là kế toán, quản lý, lao động dịch vụ nông nghiệp, thủy nông, thuyền trưởng, máy trưởng.
Nhiều địa phương đã lựa chọn được các ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân, phát huy hiệu quả sản xuất, chú trọng các ngành chủ lực là thế mạnh gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Gắn đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, các mô hình khuyến nông, dự án phát triển sản xuất tạo việc làm cho LĐNT và xây dựng nông thôn mới.
Đưa kiến thức mới vào sản xuất
Về cơ bản, tiến độ thực hiện đã bảo đảm mục tiêu về số lượng LĐNT được đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ- TTg và Quyết định 971/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao tỷ lệ LĐNT qua đào tạo, từ 12% năm 2008 lên 38,6% năm 2018. Một số địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo khá cao như Hậu Giang 64%, Phú Yên, Nam Định, Thanh Hóa khoảng 60%...
Theo ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hoạt động dạy nghề cho LĐNT không chỉ huy động các cơ sở dạy nghề mà còn thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, viện nghiên cứu, lao động kỹ thuật từ doanh nghiệp, nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu đã quan tâm, hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng, hỗ trợ địa bàn thực tập và tuyển dụng học viên sau khóa học.
Nhiều nông dân sau học nghề đã áp dụng kiến thức mới vào sản xuất, tăng năng suất hoặc chuyển đổi hiệu quả cây trồng, vật nuôi cho thu nhập cao hơn gấp 3 – 4 lần so với trước đây. Một bộ phận LĐNT tìm được việc làm mới tại địa phương; thành lập hợp tác xã, trang trại tự giải quyết việc làm, vươn lên làm giàu cho bản thân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Quá trình đào tạo nghề cho LĐNT cũng đã bộc lộ một số hạn chế về tình trạng “cung – cầu” chưa khớp, đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với tái cơ cầu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Một số nơi chưa khảo sát tốt nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề của LĐNT. Việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, chương trình, giáo trình đào tạo nghề nông nghiệp còn chưa phù hợp,… Đây là những vấn đề cần được tháo gỡ trong thời gian tới.