Trước những thách thức về nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0, các quốc gia đều thúc đẩy gia tăng năng lực cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kinh tế mũi nhọn. Việc lựa chọn các cựu học sinh, sinh viên có thành tích cao trong các kỳ thi tay nghề tham gia vào nhiệm vụ mới, trong vai trò là “Đại sứ nghề” để lan tỏa những giá trị giáo dục nghề nghiệp đến với toàn xã hội là một giải pháp quan trọng và rất có ý nghĩa.
Việt Nam bắt đầu tham dự các Kỳ thi tay nghề ASEAN từ năm 2000 và thi tay nghề thế giới năm 2007. Đây là các sự kiện lớn, quy tụ những thí sinh xuất sắc nhất trên thế giới. Tại các kỳ thi tay nghề ASEAN Việt Nam luôn đạt thanh tích trong nhóm 3 nước dẫn đầu.
Trong 3 kỳ thi tay nghề thế giới gần đây, đoàn Việt Nam đã giành được 2 huy chương Đồng nghề Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin năm 2015 và 2017. Năm 2019, giành được 1 huy chương Bạc nghề Phay CNC cùng nhiều chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.
Lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm |
Thành tích tại các kỳ thi tay nghề cho thấy, các học sinh sinh viên đã nỗ lực hết mình trong học tập và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, thi đấu hết mình để mang vinh quang cho tổ quốc, vinh dự cho bản thân. Họ chính là những tấm gương cho giới trẻ nhận thức đúng đắn về phát triển sự nghiệp, từ con đường giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết: Chương trình tập huấn nhằm trang bị cho các cựu học sinh, sinh viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành cộng tác viên của ngành giáo dục nghề nghiệp. Tiến tới trở thành những “Đại sứ nghề” để chuyển tải các thông điệp về vai trò và tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đến với toàn xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Mô hình “Đại sứ nghề” là những người học nghề thành đạt, có thành tích cao tại các kỳ thi quốc tế sẽ trở thành những người có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển nguồn nhân lực quốc gia.