Đây là cách làm hay, giải pháp hiệu quả phù hợp trong mọi tình huống, nhất là khi triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.
2 hình thức dạy học trong cùng lớp học
Bố mẹ làm ăn xa nên hè năm học 2020 - 2021, Thùy Vân (học sinh lớp 12A8, Trường THPT Yên Thế, Bắc Giang) vào Thành phố Hồ Chí Minh vừa để thăm bố mẹ, vừa tránh dịch vì thời điểm này Bắc Giang dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Không ngờ, một thời gian sau, dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh bùng phát, rồi trở thành tâm dịch của cả nước, Thùy Vân vì thế không thể trở về trong ngày khai giảng. Tuy nhiên, Vân cho biết, em hầu như chưa bị lỡ một buổi học nào với các bạn, thầy cô, dù ở cách xa trường cả nghìn cây số.
Trong thời gian ở TP Hồ Chí Minh, tất cả các buổi học đều được “truyền hình trực tiếp” và Vân với tài khoản được cấp không chỉ học tập, mà còn giao lưu với thầy cô, bạn bè trong lớp không khác gì nhiều với học trực tiếp. “Cuối tháng 10 em về Bắc Giang và phải cách ly tập trung 14 ngày, cách ly tại nhà 7 ngày. Thời điểm này, em vẫn học trực tuyến đồng thời với các bạn đang học trực tiếp trên lớp” - Thùy Vân chia sẻ.
Việc chuẩn bị các điều kiện giúp học sinh có thể học đồng thời trực tiếp và trực tuyến được Trường THPT Yên Thế chuẩn bị từ trước năm học 2021 - 2022. Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Hạnh cho biết: Giải pháp này giúp 100% học sinh của trường không bị gián đoạn việc học, dù các em ở xa hay có yếu tố dịch tễ. Cụ thể, tất cả lớp trong trường đều được bố trí máy quay phát trực tiếp, đường truyền mạng ổn định, kết hợp với máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh của giáo viên khi giảng dạy.
Máy quay được đặt dưới lớp giúp học sinh học trực tuyến nhìn rõ bục giảng, bảng viết và lời giảng của giáo viên; đồng thời có thể tương tác với các bạn, thầy cô. “Từ 5/9 - 1/11, cơ bản nhà trường dạy học trực tiếp; riêng một số học sinh có yếu tố dịch tễ học trực tuyến song song. Tuy nhiên, do Yên Thế bùng phát dịch, nên từ 3/11 đến nay, nhà trường chuyển sang dạy học trực tuyến hoàn toàn” - cô Hoàng Thị Hạnh cho hay.
Trường THPT Việt Yên số 1, Bắc Giang hiện có 4 học sinh không thể đến trường thuộc cả 3 khối (là F2 và bị ốm). Theo thầy Hiệu trưởng Tiêu Thanh Tuyết, trường đã bố trí mỗi khối 1 phòng cố định, lắp đầy đủ thiết bị, tạo đường link để giáo viên chủ nhiệm gửi học sinh. Như vậy, những em dù tạm thời dừng đến trường nhưng vẫn tiếp tục học cùng các bạn trên lớp.
Thầy Tuyết chia sẻ kinh nghiệm: Nhà trường phải lắp 6 đường truyền với lưu lượng 1.400 mỗi đường truyền cho 8 lớp; mỗi lớp đều có wifi và thiết bị camera tốt. Do đó, thời gian vừa qua, số học sinh phải ở nhà lúc nhiều là 16 em thuộc 3 khối; nhưng với cách làm này, không em nào bị gián đoạn việc học.
Hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến song song cũng được nhiều trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thực hiện hiệu quả; đơn cử như Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, xã Krông Nô, huyện Lắk - địa bàn đặc biệt khó khăn của Đắk Lắk. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Trần Hữu Phước, từ đầu năm học đến nay, trừ 3 tuần phải học trực tuyến do địa bàn trường đóng thuộc vùng vàng (trước khi có Nghị quyết 128), còn lại học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh học trực tiếp. Tuy nhiên, trong thời gian này vẫn có em không thể đến trường vì có yếu tố dịch tễ, hoặc gia đình ở vùng cam, đỏ.
Phù hợp trong mọi tình huống
Ông Nguyễn Minh Nhiên, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Bắc Ninh, trao đổi: Một trong các giải pháp để củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học tại Bắc Ninh là duy trì tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình phù hợp để hỗ trợ dạy học trực tiếp. Theo đó, với các trường cho học sinh đi học bình thường, tiếp tục sử dụng hệ thống học liệu dạy học trực tuyến, trên truyền hình hỗ trợ dạy học trực tiếp.
Đối với trường chia nhóm học sinh, lớp, khối lớp học trực tiếp kết hợp với học trực tuyến xây dựng thời khóa biểu khoa học bảo đảm hiệu quả kế hoạch dạy học và tiến độ thực hiện chương trình. Đối với các trường 100% học sinh phải học trực tuyến, nhà trường xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất. Tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng học sinh học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình; bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng các thiết bị điện tử (máy tính, điện thoại), quản lý học sinh học tập ở nhà, ở trường cũng như thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Còn theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Bắc Giang, Sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch dạy học trực tuyến và các hình thức tổ chức dạy học khác hỗ trợ, thay thế dạy học trực tiếp cấp THCS, THPT và cơ sở giáo dục dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong thời gian học sinh, học viên, sinh viên tạm dừng đến trường vì lý do bất khả kháng từ năm học 2021 - 2022.
Theo kế hoạch này, mỗi cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh áp dụng một trong 3 phương án phù hợp với tình hình thực tiễn. Phương án 1: Tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt. Phương án 2: Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến khi đa số học sinh ở vùng an toàn đi học trực tiếp và một bộ phận học sinh ở vùng dịch Covid-19 có nguy cơ cao không thể đến trường học. Phương án 3: Tổ chức dạy học trực tuyến khi học sinh phải nghỉ học ở trường vì Covid-19.
“Sở GD&ĐT Bắc Giang xác định đây là giải pháp căn cơ, phù hợp trong mọi tình huống, nhất là khi triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ. Hiện, các cơ sở giáo dục tại Bắc Giang đều bố trí ít nhất một phòng học trực tuyến cho mỗi khối. Do đó, toàn bộ học sinh Bắc Giang đang ở vùng dịch Thành phố Hồ Chí Minh, hay nơi nào khác vẫn được học với các bạn của lớp và với chính thầy cô của mình; giảm gánh nặng học nhờ cho các tỉnh khác. Với cách triển khai hết sức linh hoạt này, Bắc Giang phấn đấu hoàn thành năm học trước 31/5, đúng kế hoạch năm học” - ông Bạch Đăng Khoa cho hay.