Hiệu quả từ chương trình giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non

Hiệu quả từ chương trình giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non

(GD&TĐ) - Nếu ai đã từng đến thăm các trường học ở các bản miền núi, chứng kiến hình ảnh các em học sinh mặt mũi lấm lem, tóc tai bù xù… thì hẳn sẽ rất ngạc nhiên và vui mừng khi nhìn thấy học sinh Trường Mầm non Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Bởi 100% học sinh ở đây đều có gương mặt sáng sủa, tay chân sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng và đều đi dép tới trường. 

Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức vệ sinh của HS
Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong hình thành ý thức vệ sinh của HS

Cô giáo Nguyễn Thị Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bản Qua cho biết: “Sự thay đổi nêu trên là nhờ Chương trình “Tăng cường công tác giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non” do Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Quỹ Unilever Việt Nam phối hợp tổ chức đã được triển khai ở Lào Cai đem lại nhiều hiệu quả thiết thực đối với cộng đồng. Trước khi triển khai chương trình, việc rửa tay bằng xà phòng của trẻ là rất miễn cưỡng và chỉ diễn ra khi có sự kiểm soát nhắc nhở của các cô giáo. Sau khi triển khai, thực hiện chương trình thì việc giữ vệ sinh cá nhân đối với trẻ đã trở thành nền nếp thói quen tích cực. Trẻ đã biết tự giác rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn, sau khi đi vệ sinh và khi thấy tay bẩn (không cần sự nhắc nhở của giáo viên).

Chương trình “Tăng cường công tác giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non” nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác đào tạo liên ngành 5 năm giữa Unilever Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục  Mầm non), được triển khai từ năm 2007. Đây là năm thứ 3 triển khai chương trình. Năm 2008, chương trình được triển khai tại 5 tỉnh miền núi phía Bắc là những địa phương còn nhiều khó khăn trong chăm sóc cho trẻ nói riêng và chăm sóc giáo dục trẻ mầm non nói chung. Phát huy hiệu quả chương trình đã được triển khai tại 5 tỉnh miền núi phía bắc là: Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai, năm 2009  chương trình được triển khai tại 5 tỉnh Bắc Trung Bộ là Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh và Quảng Trị.

Mục tiêu của chương trình là cải thiện tình trạng sức khỏe trẻ thơ vùng khó khăn thông qua truyền thông, giáo dục nâng cao kiến thức và thực hành vệ sinh cá nhân (đặc biệt là rửa tay với xà phòng), vệ sinh môi trường, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, giáo dục, rèn các  thói quen tốt có lợi cho trẻ ngay từ tuổi thơ, góp phần giảm tỷ lệ trẻ mắc một số bệnh thường gặp (tiêu chảy, ngoài da, mắt hột, giun sán...) nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non.

Kết quả các hoạt động của chương trình là mô hình có ảnh hưởng và lan rộng để các trường mầm non diện đại trà học tập. Các tỉnh đều phát triển được mô hình của chương trình ra diện đại trà.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, sau khi thực hiện chương trình, ý thức vệ sinh cá nhân nói chung  ở trẻ được nâng cao, không chỉ dừng ở việc rửa tay bằng xà phòng. Trước khi triển khai chương trình, nhiều trẻ đến trường trong tình trạng quần áo bết đen, mặt nhem nhuốc, chân đi đất, tay bẩn. Khi cô giáo nhắc nhở thì thậm chí có vị phụ huynh trả lời là “Bận đi làm nương, không có thời gian tắm gội cho nó”. Thế nhưng sau khi chương trình được triển khai một thời gian, 100% trẻ đến trường có quần áo, mặt mày sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng, 100% số trẻ có dép để đi. Trẻ rất tự giác trong việc tắm gội, giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Trẻ biết nhắc nhau bỏ rác đúng nơi quy định, rửa tay bằng xà phòng. Việc giáo viên phải tắm gội cho trẻ ở trường là rất hãn hữu. Các bậc phụ huynh cho trẻ đến trường đều hơn. Họ quan tâm nhiều hơn đền việc vệ sinh cho trẻ tại gia đình (giữ đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ; tắm, gội đầu, rửa tay cho trẻ...). Thậm chí ở nhiều trường mầm non, sau khi việc rửa tay bằng xà phòng đã trở thành thói quen đối với trẻ, thì hiệu quả lại có tác động trở lại, đó là trẻ yêu cầu cha mẹ cho rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, thậm chí trở thành “tuyên truyền  viên nhí” trong việc thực hiện  công việc này. Các bậc cha mẹ hiểu rằng đó là thói quen tốt cần được thường xuyên thực hiện, rửa tay bằng xà phòng sẽ giúp phòng chống cúm A-H5N1, H1N1, chống bệnh giun sán, tiêu chảy, đau mắt, bệnh- tay- chân miệng...  cho trẻ, để trẻ luôn khỏe mạnh...”

Theo đánh giá của Vụ Giáo dục Mầm non- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lào Cai đã tổ chức tốt các hội thi tuyên truyền về kiến thức kỹ năng vệ sinh cá nhân cho trẻ, khuyến khích các bậc cha mẹ là người dân tộc thiểu số tham gia hội thi. Ngoài ra, Lào Cai còn tổ chức hội thảo, tham quan học tập giữa  các trường mầm non trong địa bàn tỉnh về việc thực hiện mô hình triển khai “Chương trình tăng cường giáo dục vệ sinh, chăm sóc trẻ mầm non” vùng đồng bào dân tôc thiểu số; đặc biệt là các trường làm tốt mô hình tạo nguồn nước sạch cho trẻ rửa tay bằng xà phòng. (nhiều nơi mặc dù rất thiếu nước, chẳng hạn như Bát Xát, nhưng nhà trường đã phối hợp với phụ huynh xây bể chứa nước mưa, gùi nước từ nguồn xa về cho trẻ thực hành rửa tay).

Có thể nói chương trình “Tăng cường vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non” có tầm quan trọng đặc biệt trong việc làm thay đổi theo hướng tích cực và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ mầm non, hình thành cho trẻ những thói quen tốt trong vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường qua đó hình thành kỹ năng sống tích cực cho trẻ ngay từ nhỏ.

Đức Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.