Hiệu quả Mô hình Trường học mới ở Cà Mau

GD&TĐ - Năm học 2014 - 2015, Cà Mau tiếp tục triển khai Mô hình Trường học mới (VNEN) với sự tham gia của 14 trường thuộc 9 huyện, thành phố; quy mô 207 lớp, 5.991 học sinh. Đặc biệt Mô hình VNEN ở Cà Mau còn được triển khai đến lớp 5, với kết quả đạt được trong thời gian qua là rất khả quan.

Hiệu quả Mô hình Trường học mới ở Cà Mau

Từ chủ động trong chỉ đạo thực hiện

Song song với việc thực hiện chương trình hiện hành, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2012 - 2013 Sở GD&ĐT đã triển khai thí điểm Mô hình VNEN tại 14 trường thuộc 9 huyện, thành phố trong tỉnh trên tinh thần tự nguyện; từ năm học 2014 - 2015 thực hiện đến lớp 5. Hiện Cà Mau có 14 trường thuộc 9 huyện, thành phố tham gia Mô hình VNEN với 207 lớp, 5.991 học sinh.

Các trường đã chỉ đạo tập trung đổi mới hoạt động sư phạm, chuyển đổi từ dạy học truyền thụ kiến thức của giáo viên sang tổ chức hoạt động tự học của học sinh, quá trình tự học, tự giáo dục là trung tâm của hoạt động giáo dục và triển khai Thông tư 30 về đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, chú trọng tự đánh giá, đánh giá vì sự tiến bộ trong quá trình học tập của học sinh.

Trong năm học này, Sở và Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo hiệu quả các giải pháp tăng cường Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 chuẩn bị lên lớp 2; tập huấn tại trường hoặc cụm trường để bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên; chủ động tuyên truyền giới thiệu chia sẻ nội dung trường học mới cho cán bộ quản lý, giáo viên và cộng đồng.

Các trường tiểu học đã có nhiều biện pháp gắn kết chặt chẽ với phụ huynh và cộng đồng nhằm phát huy vai trò tích cực của phụ huynh và cộng đồng cùng tham gia với nhà trường trong việc chăm sóc giáo dục học sinh với các hình thức đa dạng phong phú. Chỉ đạo đổi mới hoạt động của tổ chuyên môn, triển khai đổi mới đồng bộ và hiệu quả phương pháp dạy, phương pháp học, đánh giá học sinh, tổ chức lớp học nhằm hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Đến thực tiễn từ cơ sở

Qua kiểm tra giữa học kỳ I, tất cả hoạt động của các trường tham gia Mô hình VNEN tại Cà Mau đều đi vào nền nếp. Cuối học kỳ I năm học 2014 - 2015, chất lượng GD&ĐT có chuyển biến theo hướng tích cực được thể hiện qua bảng so sánh chất lượng chung và chất lượng học sinh học Chương trình VNEN về các môn học và hoạt động giáo dục, phẩm chất và năng lực. Bảng so sánh này cho thấy ở các môn học và hoạt động giáo dục, phẩm chất và năng lực học sinh học chương trình VNEN tỉ lệ hơn hẳn học sinh học Chương trình đại trà, chỉ có môn Ngoại ngữ là có sự chênh lệch không đáng kể.

Có 4.176 HS được đề nghị khen thưởng cuối học kỳ I, chiếm tỉ lệ 54,8%. Nhiều trường đã thực hiện tốt Mô hình Trường học mới như TH Phong Lạc 2 thuộc huyện Trần Văn Thời, TH An Lập thuộc huyện Đầm Dơi, TH Văn Lang thuộc TP Cà Mau… Mô hình VNEN đã giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên có sự đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học một cách toàn diện; các trường tiểu học, giáo viên, cộng đồng đánh giá Mô hình Trường học mới có nhiều ưu điểm và tính khả thi cao.

Ngoài việc học tập đạt yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng, các em học sinh có thêm năng lực tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề và những phẩm chất của người lao động mới như tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỷ luật, đoàn kết…

Chúng tôi tin tưởng rằng với sự quyết tâm của đội ngũ CBQL, GV; sự phối hợp của cha mẹ HS và sự đồng thuận cao của cộng đồng đến cuối năm học chất lượng giáo dục toàn diện của HS sẽ được nâng lên góp phần vào việc đào tạo lớp người lao động mới trong tương lai nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác GD&ĐT tỉnh nhà đối với cấp tiểu học.

Đối với cấp tiểu học, toàn tỉnh Cà Mau có 267 trường tiểu học, 2 trường THPT có cấp tiểu học, 1 trường nuôi dạy trẻ khuyết tật với 4.787 lớp, 117.600 học sinh, 8.327 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó có 110 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đạt 41,20%. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ