Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế, đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" (Đề án 1816) đã đạt những kết quả cả về khía cạnh chuyên môn cùng các yếu tố kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở để đề án tiếp tục triển khai trong những năm tới một cách hài hòa hơn.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch bùng phát, việc thực hiện Đề án 1816 được thể hiện rõ rệt qua các quyết sách luân chuyển cán bộ chuyên môn về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm điều trị bệnh nhân Covid-19 hiệu quả.
Vừa qua, tại buổi gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, cuộc chiến phòng, chống dịch, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Với ngành y tế, hơn 5 tháng qua là thời gian thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử của ngành. Cùng một lúc, phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: Thần tốc chống dịch, hạn chế số lượng ca mắc, điều trị giành giật sự sống cho các bệnh nhân, giảm thiểu số ca tử vong; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bảo đảm hiệu quả, an toàn để sớm bao phủ vaccine cho người dân.
Bên cạnh đó, phải tiếp tục củng cố vững chắc thành trì an toàn tại các địa phương không có dịch và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe khám và điều trị bệnh cho người dân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thực hiện lời hiệu triệu lần thứ hai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế, các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế với tinh thần tình nguyện xung phong, sẵn sàng lên đường ngay để hỗ trợ cho các địa phương chống dịch.
"Đến ngày hôm nay, những cố gắng, nỗ lực, đóng góp, hy sinh các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên, cán bộ y tế đã góp phần mang lại kết quả: Chúng ta đã bước đầu thành công, dịch bệnh được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc", lãnh đạo ngành y tế cho biết.
Trước đó, ngày 18/8, Bộ Y tế phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 theo các địa bàn quận, huyện, thành phố tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, Bộ Y tế phân công Bệnh viện hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2) do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của thành phố Thủ Đức và quận Bình Thạnh. Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở y tế của quận 1, quận 3, quận 5 và quận 11.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13) phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở y tế của huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.
Bệnh viện Bạch Mai (Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh điều trị Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 16) phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ.
Bệnh viện Trung ương Huế (Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 14) phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của quận 10, quận 12, quận Tân Phú, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của quận 4, quận 6 và quận Gò Vấp.
Bệnh viện Thống Nhất phụ trách phụ trách chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho cơ sở y tế của quận Phú Nhuận và quận Tân Bình.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến trên theo phân công chịu trách nhiệm khảo sát, đánh giá, tổ chức thu dung điều trị, các điều kiện hiện có về cơ sở giường bệnh, hệ thống oxy, trang thiết bị, thuốc, vật tư, nhân lực của các bệnh viện quận, huyện, thành phố để xác định những khó khăn, bất cập và đề xuất với Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch TP Hồ Chí Minh để chỉ đạo và hỗ trợ khắc phục.
Các bệnh viện được phân công sẽ cử cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn chuyên môn tại chỗ, hội chẩn từ xa, tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực và giám sát chất lượng về cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 cho các quận, huyện, thành phố.