Một vấn đề được nêu ra, các nhóm cùng trao đổi, thảo luận. Tuy nhiên, việc tổ chức, lồng ghép hình thức này vào trong tiết học như thế nào để có hiệu quả thực sự là vấn đề cần trao đổi, đòi hỏi kỹ năng, nghệ thuật sư phạm của người giáo viên.
Bài viết xin nêu ra một vài kinh nghiệm hướng dẫn học sinh làm việc nhóm có hiệu quả trong giờ Đọc văn nhằm góp phần nâng cao chất lượng môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông (THPT) hiện nay.
1.
Làm việc theo nhóm là sự hợp sức, tranh thủ của nhiều học sinh với nhau. Có thể nhóm ngồi cùng bàn, dãy bàn hay cùng tổ. Mỗi nhóm có thể từ 3 học sinh trở lên. Các em trao đổi, thảo luận với nhau về một vấn đề nào đó liên quan đến bài học mà giáo viên đặt ra… Tập hợp ý kiến các thành viên trong nhóm rồi đi đến kết luận thống nhất, sau đó trình bày trước lớp và tiếp tục trao đổi, tranh luận với các nhóm khác dưới sự dẫn dắt của người thầy.
Làm việc theo nhóm huy động sức mạnh tập thể, kích thích nhu cầu giải bày của cá nhân. Khi ngồi lại trao đổi, suy nghĩ một vấn đề, một chi tiết, một khía cạnh nào đó trong tác phẩm các em tự do bày tỏ ý kiến của mình; từ bàn bạc, thảo luận mà “vỡ” ra nhiều điều và chắc chắn sẽ có những khám phá độc đáo về cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Nhóm này trình bày, nhóm khác lắng nghe rồi các nhóm nhận xét, bổ sung.
Tất cả tạo nên “bàn tròn tiếp nhận” và sự cảm thụ văn chương như một dòng chảy liên tục được thăng hoa. Để cho chính các em tiếp nhận, cảm thụ, đọc và hiểu trước khi giáo viên chốt lại chắc chắn sẽ phát huy tư duy, năng lực cảm thụ, khơi gợi, thắp sáng tình yêu văn học – tạo sự hứng thú của người học. Làm việc theo nhóm còn có ý nghĩa xây dựng thói quen phát biểu trong giờ học. Sau khi chuẩn bị xong, đại diện nhóm lên trình bày. Chính điều này có tác dụng rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước tập thể - có lợi cho nghề nghiệp mà học sinh ngành xã hội theo đuổi sau này.
2.
Thực ra hình thức làm việc theo nhóm trong tiết học ở các môn học nói chung, môn Ngữ văn nói riêng (trước đây thường gọi là seminar) đã được tiến hành từ lâu. Tuy nhiên, mấy năm gần đây với chủ trương đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tích cực chủ động của học sinh, thầy cô mới “ráo riết” đưa vào trong các bước lên lớp.
Thực tế dự giờ và bản thân tổ chức thực hiện ở trên lớp chúng tôi nhận thấy rằng, sử dụng hình thức làm việc theo nhóm trong giờ Đọc văn vừa thể hiện những ưu điểm, đạt hiệu quả cao, vừa có những bất cập, mang tính hình thức, sáo mòn, kém hiệu quả.
Khách quan mà nói, làm việc theo nhóm đối với đối tượng học sinh yếu thường rất khó. Các em thiếu linh hoạt, chủ động, khả năng trình bày hạn chế nên mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, một tiết học chỉ 45 phút mà phải đọc – hiểu một văn bản dài thì không đủ thời gian để trao đổi, thảo luận – “cháy giáo án” vẫn là nỗi ám ảnh của không ít giáo viên Văn. Thôi thì, tận dụng thời gian để truyền đạt, cung cấp các giá trị nội dung, nghệ thuật cho học sinh có cái trong vở mà học, mà thi, nhất là với các em lớp 12.
Việc tổ chức làm việc nhóm trong giờ Đọc văn, chủ yếu diễn ra ở các tiết thao giảng, các tiết dự thi giáo viên giỏi các cấp. Nhiều giáo viên có suy nghĩ nếu không tổ chức làm việc nhóm thì sợ bị phê bình là không đổi mới phương pháp, sợ bị đánh giá học sinh ít làm việc. Mang tâm lý đó nên nhiều tiết dạy đưa hình thức này vào có vẻ mang tính đơn điệu, đối phó, như là biểu diễn, chứ chẳng có tác dụng gì.
Thực ra, bản chất của làm việc nhóm là tốt, là hay, nhưng vấn đề đáng nói ở đây là về phía người tổ chức, định hướng, điều khiển. Nhiều thầy cô chưa biết đâu để học sinh trao đổi là phù hợp. Một tiết Đọc văn 45 phút mà yêu cầu học sinh thảo luận nhóm lại với nhau 2, 3 lần thì làm sao không hình thức, nhạt nhẽo.
Với đối tượng là học sinh ở các lớp chuyên hay lớp chọn Văn nói chung là những em có năng khiếu văn chương hoặc học khá, giỏi Văn thì việc tổ chức trao đổi nhóm trong giờ học có thuận lợi và dễ thực hiện hơn. Thực tế, có em viết rất tốt nhưng lại bị hạn chế về khả năng diễn đạt bằng lời trước tập thể. Vì thế, đây là dịp để các em làm quen cách nói năng, thuyết trình trước mọi người. Qua việc trao đổi, làm việc nhóm – học sinh có dịp chia sẻ sự cảm nhận của mình cùng với những người khác, nhất là những học sinh lớp 10 mới vào còn rụt rè, e ngại.
3.
Để học sinh làm việc theo nhóm trong giờ Đọc văn ở trường THPT trở nên hiệu quả, người thầy cần sử dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp khác nhau.
Thứ nhất, dựa vào mục tiêu bài học, từng tác phẩm, bài học cụ thể, giáo viên đề xuất tiến trình dạy học, phương pháp – phương tiện dạy học phù hợp, có hiệu quả và tất cả phải được thể hiện rõ nét, có ý thức trong giáo án.
Cùng một tác phẩm văn học nhưng dạy ở các lớp khác nhau trong cùng khối thì lại có thể thay đổi nội dung trao đổi, thảo luận. Rõ ràng khi chuẩn bị bài giảng, giáo viên cần nắm vững đặc điểm tác phẩm, đối tượng học sinh để thiết kế các hoạt động, thao tác phù hợp, trong đó có hình thức làm việc nhóm trong giờ học.
Ngoài ra, giáo viên cần tính toán để chuẩn bị cho việc trình bày nhóm bằng phương tiện gì là phù hợp, ít tốn thời gian và hiệu quả cao: Hoặc máy chiếu đa vật thể, hoặc trên giấy roki dán lên bảng, hoặc trình chiếu bằng PowerPoint (nhóm học sinh chuẩn bị trước ở nhà).
Thứ hai, thầy cô giáo cần linh hoạt trong hoạt động hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài.
Trong phần dặn dò, hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài cho tiết học tiếp theo, nếu có sử dụng hình thức làm việc theo nhóm, giáo viên cần nêu yêu cầu (câu hỏi, nội dung) và có sự phân công nhóm cụ thể. Hướng dẫn học sinh phương pháp, thời gian tiến hành và hình thức trình bày.
Tất nhiên, tùy theo đối tượng học sinh, khi chọn những điểm để các em thảo luận, làm việc nhóm, giáo viên cần phải lưu ý đến “độ khó” của nó cũng như hướng khai thác sâu sắc và sáng tạo.
Thứ ba, chú trọng đến nghệ thuật tổ chức trao đổi, phát biểu theo nhóm.
Muốn được như vậy, người thầy phải: Quy định rõ về thời gian thảo luận, thời gian phát biểu, trình bày phần trả lời của nhóm; trong lúc các em trao đổi, giáo viên cần bao quát các nhóm để nhắc nhở, để theo dõi học sinh nào không tham gia làm việc hoặc chỉ ngồi nghe một cách thụ động; yêu cầu các nhóm trình bày kết quả trao đổi rõ ràng, mạch lạc; nếu cùng một đề tài thì các nhóm trình bày sau nên tránh những gì nhóm trước đã nói để khỏi lặp ý; thường xuyên thay đổi học sinh lên trình bày, tránh tình trạng có em luôn đại diện nhóm phát biểu, nhiều em lại chưa 1 lần trình bày trước lớp với ý nghĩ sợ sệt, thái độ rụt rè; yêu cầu các em khi phát biểu, trình bày kết quả làm việc của nhóm cần theo hệ thống, giọng nói, ngữ điệu rõ ràng, lôi cuốn.