Sân trường náo nhiệt
Vào giờ ra chơi tại Trường THCS La Gautrais ở làng Plouasne thuộc vùng nông thôn Brittany, Pháp, một nhóm học sinh đang tán gẫu với nhau trong sân trường. Vài em ngồi đọc sách văn học, trong khi một số khác thì chơi với trái bóng hay chơi trò cút bắt.
Không khí thật là náo nhiệt với sự vận động, tiếng cười nói, đùa vui của học sinh, trái ngược với hầu hết các trường THCS khác, nơi mà sân trường yên lặng một cách kỳ lạ, khi các học sinh vào giờ giải lao thường nhìn chăm chăm vào chiếc điện thoại di động của chúng. Ở trường La Gautrais, không có em học sinh nào lướt Instagram, Snapchat hay YouTube, bởi vì tại đây, điện thoại di động bị cấm và quy định này được chấp hành triệt để.
“Em có một chiếc điện thoại nhưng để nó ở nhà và không thực sự nghĩ nhiều về nó”, một nữ sinh 14 tuổi trong chiếc áo khoác bông nhún vai nói, “Sau giờ học, em cũng không háo hức tìm đến điện thoại. Về nhà, việc đầu tiên của em là ăn một chút gì đó, trò chuyện với mẹ, làm bài tập, rồi sau đó mới nhìn vào điện thoại, nhưng chỉ mở ra khi có tin nhắn mà em mong đợi”.
Hai trong số những người bạn của nữ sinh này ngay cả còn không có điện thoại. “Chúng em thực sự không cần điện thoại, bởi vì chúng em luôn trò chuyện với nhau bất cứ lúc nào và thực sự là những người bạn tốt của nhau”, một em nói.
Trường La Gautrais đã cấm việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học, cả ở sân trường trong 4 năm nay, trước cả thời điểm mà Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, hứa hẹn khi tranh cử rằng sẽ cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường học, trong một nỗ lực nhằm “giải độc” cho các thiếu niên nghiện màn hình của các thiết bị thông minh. Từ tháng 9 này, tất cả các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở Pháp sẽ cấm việc sử dụng điện thoại di động.
Học sinh chơi đá bóng thay vì sử dụng smartphone |
Thống kê cho thấy, hơn 90% học sinh từ 12 đến 17 tuổi ở Pháp sở hữu một chiếc điện thoại di động và chúng bị cấm sử dụng thiết bị này trong lớp học. Tuy nhiên, các hiệu trưởng được quyền quyết định liệu có hạn chế sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi hay không.
Trường Gautrais có 290 học sinh tuổi từ 12 đến 16, đến từ những ngôi làng chung quanh thuộc khu vực nông thôn này. Kể từ khi có lệnh cấm, các giáo viên của trường đã nhận thấy sự tương tác xã hội giữa các em học sinh nhiều hơn, nhiều sự thấu cảm hơn và thái độ học tập tốt hơn. Không bị chia trí với những chương trình trên điện thoại vào giờ ra chơi, khi ngồi vào bàn học chúng sẽ tập trung hơn.
“Không sử dụng điện thoại sẽ mang lại cho học sinh khoảnh khắc bình yên vì không bị vương vấn bởi mạng xã hội. Một số em nói với chúng tôi là chúng nhận ra điều này thật có ích”, hiệu trưởng nhà trường, Yves Koziel, nói, “Mạng xã hội có khả năng tăng tốc cũng như đơn giản hóa các quan hệ nhóm, mà trong quan hệ này có thể gây xung đột, ngay cả bị bắt nạt. Chúng tôi giải thoát các em ra khỏi chốn này, ít nhất là trong ngày, bằng cách cắt đứt sợi dây liên hệ giữa chúng với mạng xã hội, thay vào đó là thời gian nghỉ ngơi thực sự”.
Hiệu trưởng Trường THCS La Gautrais: “Không sử dụng điện thoại ở trường, học sinh tập trung học tốt hơn”
Koziel cho biết, ông rất hài lòng khi thấy những đứa trẻ quay trở lại “những điều thông thường”, như trò chuyện, tán gẫu, chơi đùa, tham gia các hoạt động như khiêu vũ, đan len vào giờ ra chơi. “Tôi nghĩ trẻ em tốt hơn khi tương tác xã hội qua nói chuyện trực tiếp với nhau”, ông nói.
Hình thành ý thức tốt
Việc thi hành lệnh cấm này ở trường cũng không gặp mấy khó khăn. Hầu hết học sinh tắt điện thoại và để chúng vào cặp. Trong một năm chỉ có không tới 10 vụ vi phạm.
“Ở những trường trước đây mà tôi dạy, đôi khi điện thoại được giấu trong hộp bút chì và học sinh dùng vạt áo phủ lên để xem hoặc lén nhắn tin trong giờ học”, Laura Floch, một giáo viên tiếng Anh, nói, “Riêng ở đây, điện thoại không phải là vấn đề”.
Vào tháng Ba, Floch đưa một nhóm học sinh 15 tuổi đến London (Anh) trong một chuyến đi kéo dài 5 ngày, tham quan một số nơi, bao gồm Bảo tàng Anh và Bảo tàng London. Những học sinh tuổi teen này được khuyến cáo không sử dụng điện thoại trong ngày và suốt cuộc đi chơi, ngoại trừ việc chụp ảnh các điểm tham quan là cần thiết. Chúng có thể sử dụng điện thoại vào buổi tối khi được tự do sinh hoạt.
Cô nói: “Các em biết điều này là phù hợp và vui vẻ chấp hành. Trong khi đó, các nhóm học sinh khác cũng từ Pháp sang với mục đích tương tự nhưng chỉ thích ngồi trên băng ghế và nhìn chằm chằm vào điện thoại thay vì tham quan bảo tàng”.
Ngồi trò chuyện với các bạn vào giờ ra chơi, Anatole Desriac, sở hữu chiếc điện thoại đầu tiên vào tuổi 15, cho biết cậu tán thành lệnh cấm này. “Khi ngồi cùng bạn, em thích trò chuyện hơn. Nếu tất cả đều có trên tay chiếc điện thoại thì chỉ có câu chuyện liên quan đến màn hình, chứ không ai nghe ai nói gì cả”, cậu nói.
Cậu và những người bạn thường dùng điện thoại để nghe nhạc rap Pháp trong chuyến đi dài trên xe bus. Ở nhà, cậu chơi trò chơi Fortnite trên PlayStation và thấy thú vị hơn điện thoại, tuy nhiên cha mẹ cậu luôn hạn chế việc tiếp xúc với màn hình. “Biết cách dùng điện thoại điều độ là một phần trong cuộc sống của chúng em”, Desriac nói.
Mẹ của Desriac, Nicole Lefeuvre, một nhân viên thư viện, nói: “Trẻ em và cha mẹ chúng thường đồng ý rằng, sẽ là điều tốt khi không sử dụng điện thoại di động ở trường. Phụ huynh của những học sinh tuổi teen thường thấy khó khăn khi đặt quy định về thời gian sử dụng điện thoại của chúng ở nhà”.
Cô Laura Floch (bên phải): “Ở Trường THCS La Gautrais, điện thoại không phải là vấn đề” |
Nguyên tắc của bà là không cho trẻ sử dụng điện thoại khi chúng chưa đến 15 tuổi, không sử dụng điện thoại trong phòng ngủ, vào ngày thứ năm và ngày nghỉ lễ cần xa rời màn hình điện thoại để đọc sách, truyện tranh hoặc các tạp chí phù hợp với lứa tuổi.
Ở sân trường, nhiều học sinh dưới 14 tuổi nói điều lo lắng nhất của các em là làm vỡ điện thoại, làm trầy xước hoặc rơi xuống nước, do đó chúng vui vẻ chấp hành quy định cấm và nghĩ để điện thoại ở nhà sẽ an toàn hơn.
Ở Bourges, miền Trung nước Pháp, Jean-Claude Chevalier, hiệu trưởng Trường THCS Littré, nơi có 600 học sinh theo học, đưa ra lệnh cấm sử dụng điện thoại vào giờ ra chơi trong năm học này, do những gì mà ông chứng kiến ở sân trường. “Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy hàng trăm đứa trẻ cùng lúc dán mắt vào chiếc điện thoại của chúng trong giờ ra chơi, tất cả đều nhìn chằm chằm vào màn hình, không ai nói chuyện với ai cả… Một sự yên tĩnh đáng ngạc nhiên”, ông nói, “Tình trạng này khiến giữa chúng không có sự thấu cảm, bởi vì chúng không sử dụng ngôn ngữ khi mặt đối mặt”.
Về sự lo ngại cấm điện thoại sẽ dẫn đến những hành vi gây hấn, bạo hành trong giờ ra chơi, ông Chevalier cho biết, sẽ không có điều này vì nhà trường sẽ kiểm soát chặt chẽ mọi hành động của học sinh ở sân trường. “Khi đưa ra quy định này, chúng tôi nghĩ sẽ có nhiều điện thoại bị tịch thu, nhưng thực tế số trường hợp vi phạm rất ít. Những gì mà chúng tôi ghi nhận được hiện nay là học sinh dần dần không còn ‘nghiện’ điện thoại nữa”.