Hiệu quả của phương pháp "Bản đồ tư duy" trong dạy học môn ngữ văn

Hiệu quả của phương pháp "Bản đồ tư duy" trong dạy học môn ngữ văn

Thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp dạy học, thời gian qua nhiều trường THCS đã áp dụng phần mềm iMindMap (còn gọi với các tên thông dụng là “Bản đồ tư duy” (BĐTD)) trong việc dạy học các môn văn hóa, trong đó có môn ngữ văn. Bước đầu phương pháp mới đã phát huy hiệu quả tích cực giúp giáo viên có nhiều ý tưởng sáng tạo trong việc thiết kế bài giảng, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và cảm thấy hứng thú hơn trong quá trình học tập môn văn.

Thực tế cho thấy một thời gian dài vừa qua, hầu hết các trường đều áp dụng phương pháp dạy học truyền thống thụ động, một chiều, vừa quá tải về kiến thức, vừa gây nhàm chán cho người học. Môn Ngữ văn cũng không phải là ngoại lệ. Chất lượng cũng đang ngày càng đi xuống. Số lượng học sinh chọn học các môn xã hội, trong đó có môn văn có chiều hướng giảm; nhiều người học theo kiểu đối phó, thuộc vẹt, học tủ; sự hứng khởi và đam mê của học sinh với môn văn có biểu hiện mất dần. Gần đây nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải không ít những “bài văn lạ” tại các kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học khiến cả xã hội không khỏi giật mình, kiểu như nàng Kiều nhảy xuống sông Tiền Giang để tự tử, hay như Thánh Gióng sau khi đánh thắng giặc Ân đã bay lên giời chứ không ở lại nhận huy chương anh hùng, để một loạt các fan và người hâm mộ ngơ ngác...

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do xu hướng phát triển hiện đại đòi hỏi số lượng lớn lao động chất lượng cao liên quan đến các ngành kinh tế và kỹ thuật khiến học sinh chuyển hướng sang học các môn tự nhiên để vừa dễ xin việc, vừa có thu nhập cao; nội dung sách giáo khoa về các môn xã hội chậm đổi mới, không bắt kịp với thời đại. Đồng thời cũng có một nguyên nhân cơ bản khác đó là phương pháp dạy học thụ động, lạc hậu khiến học sinh không cảm thấy hứng thú với việc học văn. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ rất nguy hiểm bởi thế hệ tương lai của đất nước sẽ không phát triển toàn diện, thiếu hẳn đi phần nhân văn rất quan trọng - vốn là giá trị nền tảng của xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII khẳng định “Phải đổi mới phương pháp giáo dục đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương tiện tiên tiến và phương tiện hiện đại vào quá trình dạy học, đảm bảo điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh...”. Đáp ứng yêu cầu này, từ năm học 2010 – 2011, nhiều trường THCS trong và ngoài tỉnh đã áp dụng thí điểm phần mềm chuyên dụng iMindMap kết hợp với phần mềm Power Point trong việc dạy học môn ngữ văn mà nhiều người vẫn quen gọi là bản đồ tư duy (BĐTD).

Phương pháp mới này giúp giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn trong việc thiết kế bài giảng, đồng thời giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong quá trình học. BĐTD là công cụ hữu ích trong giảng dạy và học tập ở các trường THCS và bậc học cao hơn vì chúng giúp giáo viên và học sinh trình bày các ý tưởng, tóm tắt, hệ thống hóa kiến thức của một bài học, một chủ đề, một chương hay một cuốn sách một cách rõ ràng, mạch lạc, lôgíc và đặc biệt là dễ dàng phát triển thêm các ý tưởng mới vào bài giảng cũng như bài học.

Với điều kiện hiện tại, các giáo viên có thể dễ dàng sử dụng máy vi tính để thiết kế BĐTD thông qua phần mềm iMindMap 5, Power point. Sau khi thiết kế xong, BĐTD có thể hiện thị nhờ phần mềm Power Point để các nhánh xuất hiện theo thứ tự mà người thiết kế định sẵn. Nội dung chính của bài học được thể hiện bằng BĐTD, thiết kế qua phần mềm iMindMap và phần mềm trình diễn Power Point có tác dụng tạo sự hấp dẫn và lôi cuốn cao độ đối với người học. BĐTD sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với sự tư duy tích cực. Đặc biệt đây là một sơ đồ mở, không yêu cầu tỷ lệ, chi tiết khắt khe và định khuôn sẵn như các loại bản đồ thông dụng khác (ví như bản đồ địa lý). Như vậy cùng một chủ đề, bài học nhưng mỗi người có thể vẽ theo một cách khác nhau và hoàn toàn có thể thêm hoặc bớt các nhánh dễ dàng. Nếu muốn ghi chép bằng BĐTD cũng có nhiều ưu điểm hơn như: Lôgíc, mạch lạc; trực quan, sinh động, dễ nhìn, dễ hiểu; vừa nhìn được tổng thể, vừa biết được chi tiết; giúp hệ thống hóa kiến thức dễ dàng; và giúp việc ôn tập khoa học, nhớ kiến thức lâu hơn...

Ngoài tự học trên lớp, BĐTD rất phù hợp với việc học nhóm của học sinh vì nó giúp các em phát huy tốt hơn khả năng sáng tạo và khả năng hợp tác trong quá trình tiếp thu kiến thức trên giảng đường. Có thể vận dụng BĐTD vào việc hỗ trợ dạy học kiến thức mới, củng cố kiến thức cũ, ôn tập hệ thống hóa kiến thức, phát triển một ý tưởng...

Theo Báo Thái Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ