Hiệu quả của truyền thông cơ sở
Hệ thống đài truyền thanh cơ sở luôn đóng vai trò là “cầu nối” quan trọng để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân và phản ánh kịp thời các thông tin trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở luôn được huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) quan tâm thực hiện.
Anh Nguyễn Văn Sơn, nhân viên kỹ thuật Trạm Phát thanh của Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tại thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa), cho hay: Vào những thời điểm diễn ra những sự kiện lớn, như: Bầu cử; Kỳ họp HĐND các cấp, đặc biệt là thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua, thì hệ thống truyền thanh ở xã, thị trấn lại càng phát huy được hiệu quả trong việc cung cấp thông tin chính thống, thiết thực, kịp thời, rộng khắp đến mọi người. Cũng từ hoạt động của hệ thống truyền thanh đã góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua lao động.
Bà Hà Thị Thảo, người dân ở xã Phú Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa), chia sẻ: “Qua hệ thống loa truyền thanh mà chúng tôi nắm được các thông tin trên mọi lĩnh vực, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến người nông dân, như: Phòng chống dịch bệnh Covid-19, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, phòng chống sâu bệnh cho cây trồng,... Những thông tin được truyền tải qua hệ thống phát thanh ở khu dân cư không chỉ dễ hiểu, gần gũi mà còn rất hữu ích đối với người dân nông thôn miền núi chúng tôi”.
Theo ông Phạm Công Nhật - Phó Giám đốc (phụ trách) Trung tâm VHTT&DL huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), nhằm phát huy hiệu quả công tác truyền thông cơ sở, Trung tâm đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của ngành dọc cấp trên; các Nghị quyết của Huyện uỷ, HĐND huyện và sự chỉ đạo, điều hành của Thường trực UBND huyện.
Anh Nguyễn Văn Sơn, nhân viên kỹ thuật của VHTT&DL Quan Hóa đang điều chỉnh máy phát thanh tại Trạm truyền thanh thị trấn Hồi Xuân. Ảnh: TL |
“Năm 2023, là năm diễn ra những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của địa phương, nên Trung tâm đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị địa phương, trong đó tập trung tuyên truyền Nghị quyết đại hội Đảng các cấp; các chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên...
Trung tâm phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức tập trung tuyên truyền rộng khắp từ cấp huyện xuống đến các thôn, bản về hoạt động VHTT - TDTT chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước...Tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã, hội quốc phòng an ninh…”, ông Nhật thông tin.
Cũng theo ông Nhật, hiện nay, Trung tâm được đầu tư cơ sở vật chất, các thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn, như: máy quay, máy ảnh, bộ dựng, máy ghi âm... Đội ngũ kỹ thuật viên, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên đáp ứng tốt công tác tuyên truyền.
Ngoài ra, đơn vị duy trì hoạt động kênh Youtube trên mạng xã hội, tạo thêm những kênh tuyên truyền để người dân được tiếp cận các thông tin thường xuyên. Đài truyền thanh các xã, thị trấn xây dựng chương trình phát sóng hàng ngày và các đài truyền thanh cơ sở tiếp sóng chương trình của huyện.
Tính đến giữa tháng 11/2023, Trung tâm đã thực hiện được 283 chương trình phát thanh địa phương với 2.100 tin, bài; Cộng tác với Đài PTTH Thanh Hoá, số trang địa phương. Cộng tác với Báo Thanh Hoá; cung cấp đăng trên trang TTĐT huyện gần 350 tin, bài. Xây dựng được gần 100 tin, bài trên kênh youtube và trên fanpage Truyền hình Quan Hóa.
Bồi dưỡng kiến thức cho nhân viên kỹ thuật và chuẩn bị các điều kiện cho việc nâng cấp chuyển đổi dần hệ thống đài truyền thanh vô tuyến sang hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Bên cạnh đó, ông Phạm Công Nhật cho biết thêm, đối với đội ngũ cán bộ, công chức của Trung tâm đang thiếu. Trong khi đó, khối lượng công việc, lĩnh vực hoạt động nhiều. Đặc biệt, hiện nay đơn vị còn thiếu cán bộ lãnh đạo quản lý (hiện tại chỉ có 1 lãnh đạo đơn vị).
Nhân viên kỹ thuật đang dựng chương trình truyền thanh tại Trung tâm VHTT&DL huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: TL |
"Cùng đó, công tác thông tin tuyên truyền đôi khi triển khai chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao do trình độ đội ngũ làm công tác tuyên truyền từ huyện đến cơ sở còn thiếu chưa đáp ứng kịp thời khối lượng lớn công việc nên còn nhiều bất cập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng trong công tác tuyên truyền vẫn còn thiếu, cũ kỹ hư hỏng và lạc hậu về công nghệ. Kinh phí còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng với yêu cầu tình hình hiện nay...", ông Nhật cho hay.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất
Để tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo, những năm gần đây, huyện Quan Sơn đã có chủ trương tăng cường công tác tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở để nhân dân, đồng bào các dân tộc trên địa bàn liên tục được nắm bắt, cập nhật những thông tin mới nhất.
Hệ thống truyền thanh tại cơ sở được xem là kênh thông tin quan trọng để chuyển tải những nội dung quan trọng trong phát triển KT-XH. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các xã, thị trấn đều đặc biệt coi trọng vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đài truyền thanh, phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.
Nói về hệ thống đài truyền thanh trên địa bàn huyện, ông Lê Văn Thơ - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quan Sơn, chia sẻ: Với đặc thù là huyện vùng cao, biên giới, địa bàn trải rộng, dân cư sinh sống không tập trung, nên việc nắm bắt thông tin hàng ngày của bà con gặp nhiều khó khăn.
Chị Bàn Phương Trinh - Cán bộ bán chuyên trách công tác truyền thanh thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa) đang thực hiện đọc bản tin tuyên truyền. Ảnh: Lê Thơ |
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy hệ thống truyền thanh trên địa bàn huyện đang gặp phải những khó khăn và bất cập, như: cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa đồng bộ, lạc hậu, xuống cấp. Tính kết nối truyền tải thông tin từ trung ương đến địa phương vẫn còn thực hiện theo phương thức thủ công làm giảm tính thời sự của nhiệm vụ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 trạm phát thanh (FM) đài huyện, 12 đài truyền thanh xã, thị trấn sử dụng truyền thanh vô tuyến (FM).
Đối với hệ thống truyền thanh công nghệ vô tuyến (FM) thường chất lượng sóng kém do địa hình đồi núi, tỷ lệ phủ sóng không đến được các bản, khu phố xa trung tâm. Đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở còn thiếu, yếu, hầu hết đều không có chuyên môn nghiệp vụ theo chuyên ngành; chưa được sắp xếp một cách hợp lý ; chế độ chính sách chưa phù hợp, không đảm bảo để người làm gắn bó với công việc.... ”, ông Thơ cho hay.
Hệ thống đài truyền thanh cơ sở đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đưa các nghị quyết, chính sách vào cuộc sống. Đặc biệt là ở những khu vực vùng cao, xa vai trò và tầm quan trọng của hệ thống truyền thanh cơ sở lại càng được khẳng định, nhất là trong việc thông báo các sự cố, tình huống đặc biệt khẩn cấp thiên tai, bão lụt, phòng chống dịch bệnh.
Cũng theo ông Thơ, hiện tại trên địa bàn huyện có 4 đài truyền thanh hỏng hoàn toàn (thị trấn Sơn Lư, xã Sơn Điện, Trung Thượng và Tam Lư). Có 5 đài truyền thanh hệ thống máy phát thanh kém, nhiều cụm loa hư hỏng do đã đầu tư từ khá lâu (các xã Na Mèo, Tam Thanh, Trung Hạ, Trung Tiến, Trung Xuân). Chỉ còn 3 đài truyền thanh đang hoạt động tốt (các xã Sơn Thủy, Mường Mìn, Sơn Hà), tuy nhiên do địa hình nên tỷ lệ phủ sóng không phủ được đến các bản xa trung tâm xã.
Trước thực trạng đó, cuối năm 2022, UBND huyện Quan Sơn đã xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh theo hướng công nghệ số trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022-2025”. Dự kiến đề án này có tổng kinh phí đầu tư khoảng 7 tỷ đồng, trong đó 6,3 tỷ đồng đầu tư hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT và 700 triệu đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.
Theo đề án này, hệ thống Đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện sẽ sử dụng công nghệ mới, phương thức truyền đưa tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, Internet thông qua sim điện thoại 3G/4G/Wifi tích hợp vào bộ phận thu, phát thanh để phát tín hiệu phát thanh.
Chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn do không phải đầu tư máy phát, xây dựng trụ ăng ten, dây cáp truyền dẫn tín hiệu. Không bị giới hạn về khoảng cách đặt các về khoảng cách đặt các cụm thu phát. Khắc phục được hiện tượng nhiễu sóng do sự ảnh hưởng của môi trường truyền dẫn. Không chịu ảnh hưởng của can nhiễu công nghiệp và các lỗi xung nhiễu khác, dễ lắp đặt, không hạn chế số lượng cụm loa.
Hệ thống loa truyền thanh của thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Lê Thơ |
Chất lượng âm thanh không bị ảnh hưởng các tạp âm không mong muốn (các bản tin văn bản được chuyển thành giọng nói qua phần mềm được cài đặt trên máy vi tính). Theo dõi, giám sát được tình hình hoạt động của các cụm loa thông qua web quản trị, đồng thời có những tính năng nổi trội, như: Quản lý vận hành tập trung; các cụm loa có khả năng hoạt động độc lập; phân cấp quản lý dễ dàng bằng hệ thống ứng dụng CNTT.
Phát được đa dạng các loại bản tin (ghi âm, up file/kết nối nhiều file âm thanh, công nghệ Al chuyển giọng nói text-to-speech,...). Quản lý, lưu trữ được các bản tin; phát bản tin theo lịch, phân chia khung giờ cho từng cấp. Thu âm, phát thanh mọi lúc, mọi nơi tới từng cụm loa, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng duy trì hệ thống; giảm chi phí nhân công vận hành (ở bất cứ nơi nào cũng có thể vận hành được hệ thống thông qua máy vi tính, điện thoại thông minh; máy tính bảng)...
Tuy nhiên, nhược điểm của công nghệ này là phát sinh kinh phí chi trả cước sử dụng dịch vụ dữ liệu (data 3G/4G/Wifi) hàng tháng cho các Doanh nghiệp viễn thông.
Đến tháng 12/2023, huyện Quan Sơn đã đầu tư, thiết lập 6 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Trong đó, ngân sách huyện đầu tư cho thị trấn Sơn Lư, với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng. Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới đầu tư cho 5 xã, gồm : Tam Thanh, Tam Lư, Trung Hạ, Mường Mìn và Sơn Hà, với tổng mức kinh phí 3 tỷ đồng.
"Theo lộ trình thực hiện, năm 2022, ngành Văn hóa huyện Quan Sơn tập trung nguồn lực đầu tư mới đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho thị trấn Sơn Lư là đơn vị được UBND tỉnh giao hoàn thành chuyển đổi số năm 2022 (Đài Truyền thanh thị trấn đã bị hỏng hoàn toàn không hoạt động).
Năm 2023 đến năm 2025, hàng năm đề xuất đầu tư cho 3 - 4 Đài truyền thanh ứng dụng CN -VT xã. Trong đó, lựa chọn các đài truyền thanh đã hỏng hoàn toàn và các xã về đích nông thôn mới, được giao chỉ tiêu hoàn thành chuyển đổi số đầu tư trước. Đầu tư truyền thanh ứng dụng CN-VT cho Trung tâm VHTT&DL huyện", ông Lê Văn Thơ - Trưởng phòng VH&TT huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).