Một số trường, lớp thu tiền từ phụ huynh với mức quá cao, cào bằng, hoặc chưa đúng với quy định dẫn đến bức xúc trong dư luận, tạo ra hình ảnh xấu trong nhà trường và ngành Giáo dục.
Huy động sự đóng góp của phụ huynh, hay rộng hơn xã hội hóa giáo dục là việc làm cần thiết trong bối cảnh toàn ngành đang nỗ lực thực hiện chương trình mới mà nguồn lực dành cho giáo dục còn hạn chế.
Báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội về việc giám sát thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông ghi nhận giai đoạn 2015 - 2022 đã thu hút 6.420 tỷ đồng (chiếm 3% tổng kinh phí cho việc đổi mới chương trình) từ nguồn xã hội hóa. Nguồn kinh phí này góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở giáo dục tư thục, hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, biên soạn sách giáo khoa… góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Để tạo điều kiện thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Trước đó, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng quy định khá rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức này trong việc huy động đóng góp từ người học. Đáng chú ý trong vài năm gần đây, HĐND nhiều tỉnh, thành đã ban hành nghị quyết tạo sự thống nhất chung về các khoản thu dịch vụ trong trường phổ thông, nhiều nơi còn quy định 100% khoản thu không dùng tiền mặt.
Tuy các văn bản quy định khá rõ, ngành Giáo dục cũng thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh, nhưng tình trạng lạm thu đâu đó vẫn xảy ra, núp dưới tên gọi “tự nguyện”, “thỏa thuận” hoặc “xã hội hóa”, thông qua hoạt động của ban đại diện phụ huynh lớp, trường.
Thực tế này phản ánh vấn đề khá nghiêm trọng, đó là chưa hiểu và làm đúng pháp luật về xã hội hóa giáo dục, không chỉ với phụ huynh, giáo viên mà cả người đứng đầu các trường, từ đó dẫn đến cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa, đóng góp, tài trợ.
Theo dõi các trường hợp lạm thu trong nhà trường gần đây ít tìm thấy yếu tố tư lợi của những người có trách nhiệm (hiệu trưởng, ban đại diện cha mẹ học sinh). Cơ bản khoản thu đều hướng đến cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt nhà trường, chăm sóc học sinh, chăm lo giáo viên. Mục tiêu tốt, nhưng số đông làm chưa đúng, không phù hợp, có tính cào bằng; nhiều nơi, nhiều lúc người đứng đầu nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh còn nôn nóng “đốt cháy” quy trình.
Không ít hiệu trưởng/ giáo viên/ ban đại diện cha mẹ học sinh sau khi thống nhất phụ huynh là thu ngay ở lớp, trường mà không đợi cấp trên phê duyệt kế hoạch theo quy định. Việc thực hiện thu theo kiểu tiền trảm hậu tấu, chi tiêu cũng tương tự, những người có trách nhiệm lấy lý do để học sinh sớm được thụ hưởng, rằng mình không tư lợi nên… không sai.
Một số hiệu trưởng/giáo viên ngại trách nhiệm lại tuyên bố chỉ nhận các khoản tài trợ theo kiểu “chìa khóa trao tay”, không tham gia vào việc thu chi của phụ huynh, mà không hiểu rằng ngay cả “chìa khóa trao tay” cũng không thể vô can. Thực tế giải trình của phụ huynh, thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh khi có thanh/kiểm tra lạm thu cho thấy số đông không nắm được nội dung cốt lõi của Thông tư 55 hay 16.
Tình trạng lạm thu xảy ra với sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người trong cuộc đòi hỏi phải đẩy mạnh, sâu, thực chất hơn công tác truyền thông thông tin, quy định liên quan đến xã hội hóa giáo dục. Một khi hiệu trưởng, giáo viên, cha mẹ học sinh hiểu và làm đúng, đi cùng với công khai minh bạch thông tin, chắc chắn sẽ thu hẹp đất sống của nạn lạm thu.