Hiểu để chủ động dự phòng cơn đột quỵ

GD&TĐ - Môi trường sống hiện đại chứa nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người. Nhiều loại bệnh vốn là đặc trưng với người cao tuổi nhưng đang có xu hướng tấn công những người trẻ. Đột quỵ là một trong nhưng bệnh cướp đi nhiều sinh mạng trong những năm gần đây.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới căn bệnh nguy hiểm này. Hãy bỏ túi những kiến thức cơ bản để có thể giúp những người xung quanh trong tình huống khẩn cấp và chủ động cứu mình nếu gặp tình huống rủi ro.

Cách dự phòng cơn đột quỵ

Theo BS. Nguyễn Văn Phương (Khoa Cấp cứu – Bệnh viện TWQĐ 108): Hầu hết các bệnh nhân đột quỵ não đều có yếu tố nguy cơ trước đó, do vậy dự phòng bằng cách điều trị, theo dõi chặt chẽ các yếu tố nguy cơ là điều then chốt cho việc dự phòng đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não bao gồm: tăng huyết áp, rung nhĩ, rối loạn chuyển hóa mỡ, đái tháo đường, bệnh van tim, suy tim, hút thuốc lá,…

Do phần lớn các ca đột quỵ xảy ra vào buổi sáng nên cần lưu ý những biến pháp khá thông thường để phòng tránh các cơn đột quỵ như sau:

Sau khi tỉnh giấc nên dành một ít phút cho cơ thể quen dần với trạng thái mới và hoàn toàn tỉnh táo trước khi bước ra khỏi giường. Có thể nằm trên giường và thực hiện một vài động tác “khởi động”, nhẹ nhàng: duỗi chân, duỗi tay, xoa mặt… Với những người có tiền sử bệnh tim mạch thì lại càng cần lưu ý hơn mỗi sáng.

Buổi tối trước khi đi ngủ, nên uống một ly nước ấm, như vậy vừa tạo điều kiện kích thích cơn buồn ngủ, vừa tránh tình trạng khô háo vào sáng hôm sau, làm giảm độ keo nhớt của máu, giảm bớt áp lực lên tim.

Ngoài ra, luyện tập thể dục, thể thao, tránh các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu bia cùng chế độ ăn hợp lý sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Nên tăng cường các loại thực phẩm sạch giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa.

Những việc cần làm để thêm cơ hội sống cho người đột quỵ

BS. Nguyễn Văn Phương cho biết, 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là “thời gian vàng” để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.

Do vậy, nếu người dân không biết đến các triệu chứng sớm của đột quỵ não thì sẽ bỏ qua mất thời gian 6 giờ vàng này.

Do chứng bệnh này không có triệu chứng báo hiệu kéo dài nên không ai có thể biết trước mình sẽ bị đột quỵ. Bạn hãy nắm vững những dấu hiệu sau đây là có thể phát hiện dấu hiệu sớm của bệnh đột quỵ ở bản thân hay những người xung quanh để có thể cấp cứu kịp thời:

– Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên bên cạnh khó nhận ra. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.

– Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.

– Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.

– Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.

– Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.

– Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

Các bước sơ cứu cơ bản cứu người bị đột quỵ

- Gọi điện thoại cấp cứu 115. Trường hợp đội ngũ cấp cứu chưa thể tiếp cận được thì cần chuyển an toàn người bệnh đến cơ sở y tế có điều kiện xử trí đột quỵ. Chú ý di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng, tránh va đập, rung lắc mạnh.

- Ghi chú lại thời điểm người bệnh khởi phát dấu hiệu bất thường.

- Đặt người bệnh nằm nghiêng một bên.

- Làm thông thoáng đường thở cho bệnh nhân.

- Không để người bệnh tự di chuyển vì có thể bị ngã.

- Đặt người bệnh trong tư thế thoải mái, nới rộng quần áo, cà vạt và khăn choàng cổ nếu có.

- Ghi chú những loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng hoặc mang theo đơn thuốc đang có.

- Luôn phải cho bệnh nhân nhận được oxy để nuôi dưỡng cơ thể, tránh tình trạng chết não.

5 “không” khi xử lý sơ cứu đột quỵ:

- Không chờ đợi để hy vọng các triệu chứng thoái lui.

- Không cho người bệnh ăn hay uống bất cứ thứ gì.

- Không cho bệnh nhân sử dụng bất cứ thuốc gì.

- Không trì hoãn việc tiếp cận cơ sở y tế có điều kiện xử trí đột quỵ.

- Tuyệt đối không dùng kim chích máu 10 đầu ngón tay chân, không cạo gió.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ