Hiện tượng La Nina xảy ra lần thứ ba liên tiếp

GD&TĐ - Các nhà khoa học dự báo, hiện tượng La Nina sẽ xảy ra lần thứ ba liên tiếp.

Mùa đông La Nina có xu hướng lạnh và ẩm ướt hơn ở Tây Bắc Thái Bình Dương, nhưng nóng và khô hơn ở Tây Nam Mỹ.
Mùa đông La Nina có xu hướng lạnh và ẩm ướt hơn ở Tây Bắc Thái Bình Dương, nhưng nóng và khô hơn ở Tây Nam Mỹ.

Đây sẽ là mùa đông thứ ba liên tiếp Thái Bình Dương nằm trong chu kỳ La Nina - điều chỉ xảy ra hai lần trước đó trong các kỷ lục từ năm 1950.

Nghiên cứu mới do Trường Đại học Washington (Mỹ) dẫn đầu và được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters. Nghiên cứu cho thấy, biến đổi khí hậu trong ngắn hạn đang có lợi cho La Nina.

Đây là một hiện tượng trái ngược lại với hiện tượng El Nino. Hiện tượng La Nina thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau. La Nina sẽ xảy ra ngay sau khi hiện tượng El Nino kết thúc.

Tác giả chính Robert Jnglin Wills - nhà khoa học nghiên cứu về khí quyển của Trường Đại học Washington, bày tỏ hy vọng có thể dự đoán hướng đi của các xu hướng khí hậu giống El Nino hoặc La Nina dài hạn. Nhờ đó, bảo vệ cuộc sống và tài sản của con người.

Các sự kiện El Nino và La Nina có tác động trên diện rộng, ảnh hưởng đến mưa, lũ lụt và hạn hán xung quanh Vành đai Thái Bình Dương. Mùa đông La Nina có xu hướng lạnh và ẩm ướt hơn ở Tây Bắc Thái Bình Dương, nhưng nóng và khô hơn ở Tây Nam Mỹ. Các tác động khác trên toàn thế giới bao gồm tình trạng khô hạn hơn ở Đông Phi và thời tiết mưa nhiều hơn ở Australia, Indonesia, Malaysia, Philippines.

Các tác giả đã xem xét nhiệt độ trên bề mặt đại dương từ năm 1979 - 2000. Thái Bình Dương ngoài khơi Nam Mỹ và các vùng đại dương xa hơn về phía Nam có nhiệt độ thấp hơn. Trong khi đó, phía Tây Thái Bình Dương và phía Đông Ấn Độ Dương gần đó ấm hơn những khu vực khác.

Cả hai hiện tượng đều không thể giải thích bằng các chu kỳ tự nhiên được mô phỏng bằng mô hình khí hậu. Điều này cho thấy, nguyên nhân có thể là do một số quy trình bị thiếu trong các mô hình hiện tại.

Kết quả của những thay đổi này là sự chênh lệch nhiệt độ giữa Đông và Tây Thái Bình Dương tăng, gió bề mặt thổi về phía Indonesia mạnh lên. Trong khi đó, con người đang trải qua những điều kiện điển hình của mùa đông La Nina.

Các nhà nghiên cứu không chắc chắn tại sao mô hình này xảy ra. “Nếu nó trở thành các chu kỳ dài hạn tự nhiên, chúng ta có thể mong đợi tình trạng sẽ thay đổi trong 5 - 10 năm tới. Song, đó cũng có thể là một xu hướng dài hạn do một số quá trình không được thể hiện tốt trong các mô hình khí hậu.

Một số cơ chế có sự chuyển đổi sẽ xảy ra trong vài thập kỷ tới. Tuy nhiên, những cơ chế khác có thể là một thế kỷ hoặc lâu hơn”, nhà nghiên cứu Wills cho biết.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ